Kinh tế báo chí là yếu tố quyết định thành công của quy hoạch báo chí

VietTimes – Kinh tế báo chí phải được coi là yếu tố quyết định thành công của quy hoạch báo chí nói riêng cũng như công tác quản lý nhà nước về báo chí nói chung.
Ông Nguyễn Thanh Lâm – Cục Trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT).
Ông Nguyễn Thanh Lâm – Cục Trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT).

Đó là nhận định của ông Nguyễn Thanh Lâm – Cục Trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2020 và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, diễn ra mới đây.

Cạn nguồn lực

Dẫn giải từ câu chuyện báo chí chính thống dẫn dắt thông tin, góp phần không nhỏ vào thành công chống đại dịch COVID-19, nhưng Cục Trưởng Cục Báo chí cũng chỉ ra COVID-19 đã khắc họa rõ hơn một số nghịch lý trong lĩnh vực báo chí. Trong lúc báo chí phát huy vai trò lớn, được Đảng, Nhà nước và cả xã hội công nhận thì cũng là lúc doanh thu đến từ quảng cáo của báo chí sụt giảm.

Rất nhiều cơ quan báo chí chứng kiến doanh thu của quý I và quý II năm 2020 giảm đến 70% và dự báo sẽ còn tiếp tục giảm theo những cái khó khăn chung của nền kinh tế, có thể kéo dài sang đến quý III và thậm chí hết năm 2020.

“Chúng ta thấy rằng rất nhiều cơ quan báo chí hiện nay là không còn nguồn lực để đầu tư cho phát triển. Lúc xã hội cần báo chí nhất thì vấn đề bài toán nguồn lực trở nên vô cùng nan giải, dẫn đến suy nghĩ của những người làm báo tử tế là liệu làm báo tử tế thì có sống được không? Ai sẽ giải quyết cái bài toán này cho báo chí sống được, để phục vụ xã hội? Nếu báo chí phải sống bằng mọi cách, kể cả cách không tử tế thì xã hội được gì và mất gì?”, ông Nguyễn Thanh Lâm đặt vấn đề.

Từ góc độ quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực báo chí, Cục Trưởng Cục Báo chí cho rằng cần mạnh dạn đổi mới cách nhìn nhận, cách quản lý nhà nước trong lĩnh vực báo chí truyền thông để tạo ra những bước chuyển mình.

“Cách làm cũ chủ yếu chỉ tập trung vào quản lý nội dung thông tin, ít chú ý đến vấn đề kinh tế báo chí. Chúng ta nêu nhiệm vụ của báo chí Việt Nam như nhiệm vụ chính trị, nhưng không giải quyết được bài toán biện chứng là nguồn lực phát triển, tức là chúng ta cũng chưa nhìn nhận báo chí truyền thống là một trong những mối quan hệ tổng quan các hệ sinh thái truyền thông xã hội”, ông Lâm nói.

Hiện nay có rất nhiều hình thức truyền thông mới đang cạnh tranh miếng bánh quảng cáo, cạnh tranh sự chú ý và sự quan tâm của công luận đối với các cơ quan báo chí, từ đó vô hình trung tạo ra khó khăn cho báo chí. Công tác quản lý theo lối cũ cũng nặng định tính lẫn định lượng, nặng mục tiêu quản lý mà nhẹ về định hướng phát triển, không giải quyết được một cách rốt ráo bài toán phát triển.

Nhà nước phải là khách hàng lớn của báo chí

Thấm nhuần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, muốn quản lý bất kể lĩnh vực nào (báo chí cũng vậy), phải nhìn thấy được, phải đo đếm được, đặt báo chí ở vị trí trung tâm chứ không còn vị trí độc tôn duy nhất như ngày xưa nữa. Vai trò trung tâm định hướng xã hội vẫn là chủ đạo, kéo theo đó là binh chủng truyền thông rộng lớn hơn đi cùng định hướng để tạo sự đồng thuận xã hội.

Kinh tế báo chí phải được coi là yếu tố quyết định thành công
Kinh tế báo chí phải được coi là yếu tố quyết định thành công

Cùng với đó, kinh tế báo chí phải được coi là yếu tố quyết định thành công của quy hoạch báo chí nói riêng cũng như công tác quản lý nhà nước về báo chí nói chung. Nhà nước có thêm một vai trò là khách hàng lớn của báo chí, giúp cho báo chí phát triển, đẩy nhanh quá trình các cơ quan báo chí có thể tự chủ tài chính.

‘View trên báo chí điện tử của Việt Nam thuộc dạng rẻ nhất thế giới. Câu view một cách kém chất lượng đang khiến báo chí kéo nhau đi vào một cuộc đua đi về 0”- ông Nguyễn Thanh Lâm

Thừa nhận bức tranh báo chí bên cạnh những mặt tích cực còn có rất nhiều vấn đề nhức nhối do nhiều yếu tố, ông Lâm liệt kê hoàng loạt vấn đề tồn tại hiện nay như nạn "đánh đấm sách nhiễu", xâm phạm đời tư, xúc phạm danh dự trong làng báo đến mức báo động; Việc “làm báo” thông qua các trang thông tin điện tử, qua mạng xã hội, "đánh đấm" doanh nghiệp, cá nhân tổ chức; nạn "báo hóa tạp chí", hoạt động sai tôn chỉ mục đích; câu view, khoán view trên báo chí điện tử.

Một phần nguyên nhân của những tồn tại này là hiện nay doanh số quảng cáo, kể cả nhà nước đặt hàng của toàn bộ nền báo chí Cách mạng Việt Nam tính trong một năm không bằng doanh thu của Facebook tại thị trường Việt Nam.

Cùng với đó, “chúng tôi cũng thấy xu hướng câu view hiện nay gây ra những vấn đề rất lớn, làm xáo trộn xã hội, xuất phát từ xu hướng câu view giật tít một chiều và đẩy nhanh cạnh tranh nhau về tốc độ chứ không phải về chất lượng thông tin hoặc kiểm chứng thông tin.

Đó là nguyên nhân tạo nên bức tranh xám về kinh tế báo chí. Nhiều tòa soạn phóng viên buộc phải làm kinh tế, chấp nhận khoán view chấm nhuận bút, bài PR, hợp đồng truyền thông, lương và thu nhập đến từ đó.

Một phần "doanh thu đen" đến từ việc đăng bài và gỡ bài, các cơ quan báo chí, đặc biệt là báo điện tử, đang tranh chấp miếng bánh quảng cáo chất lượng thấp, quảng cáo vi phạm pháp luật qua các hệ thống quảng cáo xuyên biên giới”, Cục trưởng Cục Báo chí nêu rõ.

Trong khi đó bước chuyển về đặt hàng báo chí, kinh tế báo chí có vai trò nhà nước cũng chưa đạt được tốc độ và quy mô như dự kiến. Chúng ta rất khó khăn trong việc xây dựng và áp dụng các đơn giá, bị giới hạn quan niệm là chỉ đặt ra nhiệm vụ chính trị tuyên truyền thiết yếu, không đặt hàng với các chương trình giải trí cũng có tính chất là định hướng xã hội quan trọng.

Giống như cơ chế hiện tại coi báo chí là đơn vị sự nghiệp có thu và khi có lãi là phải nộp thuế cũng bộc lộ rất nhiều bất cập khiến cho báo chí không có nguồn lực để phát triển. Đối với truyền hình, bức tranh cũng như vậy. Năm nay sẽ là năm doanh thu quảng cáo trên các đài truyền hình giảm nghiêm trọng đến hàng nghìn tỉ đồng. Các cơ quan chủ lực truyền thông của quốc gia đều đứng trước mối lo đó. Quảng cáo có xu hướng chuyển dần lên không gian mạng. Tất cả những vấn đề này là khó khăn rất lớn của báo chí.

Cơ bản hoàn thành quy hoạch báo chí trước 30/9

Về quy hoạch báo chí hiện đang theo đúng kế hoạch, đúng lộ trình mà chính phủ đã ban hành, đến thời điểm này đang đúng tiến độ. Tất cả các cơ quan tạp chí, báo chí thuộc các Hội đã và đang thực hiện chuyển đổi thành công sang mô hình mới là tạp chí, chỉ còn một số Hội khó khăn trong vấn đề làm hồ sơ cũng như khó khăn trong việc tìm nhân sự lãnh đạo đáp ứng đủ yêu cầu. Việc này cũng không phải là vấn đề lớn.

Đối với việc hoàn thiện sắp xếp cơ quan báo chí thuộc địa phương và các bộ ngành trong năm 2020, ông Lâm cho biết, hiện Bộ TT&TT đang đặt ra một thời hạn mới là ngày 30/9 phải cơ bản xong. Hiện tại 2 thành phố lớn nhất với nhiều cơ quan báo chí là Hà Nội và TP.HCM cũng đã hoàn thành những kế hoạch chuyển đổi, sắp xếp lại các cơ quan báo chí rất rõ ràng. Còn các địa phương chỉ có hơn 20 đơn vị báo chí là phải thực hiện chuyển đổi sắp xếp, đây cũng không phải là vấn đề khó khăn. 

Tuy nhiên, “chúng tôi đặc biệt quan tâm các tạp chí thuộc các hiệp hội xã hội nghề nghiệp. Hiện nay trong tổng số 90 hội trong đó có 60 hội xã hội doanh nghiệp thì chúng tôi đã nhận được 72 hồ sơ và sẽ tập trung xử lý lại khâu cấp phép, quy định rõ lại tôn chỉ mục đích, tránh hiểu nhầm và lệch lạc”, ông Lâm cho biết.

Về công tác quản lý báo chí trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Báo chí khẳng định sẽ hỗ trợ các bộ ngành địa phương trong việc cùng chung tay thực hiện quy hoạch báo chí và đảm bảo cho báo chí hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật, ngăn chặn những sai phạm.

“Ngay trong tuần này, Bộ TT&TT sẽ ban hành công văn cho các địa phương và cơ quan hành chính nhà nước để khuyến cáo cân nhắc cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí sai với tôn chỉ mục đích. Thông tin của các cơ quan báo chí sẽ được cập nhật trên cổng thông tin điện tử của Bộ để cả xã hội cùng giám sát chất lượng.

Bộ TT&TT cũng đã chỉ đạo thành lập ban kiểm tra đột xuất đối với một số tạp chí, tạp chí điện tử có biểu hiện "báo hóa", hoạt động sai tôn chỉ mục đích, nhũng nhiễu doanh nghiệp, tổ chức lợi dụng tự do báo chí để hoạt động trái pháp luật”, Cục trưởng Cục Báo chí nói.