Ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Báo chí:

Kinh tế báo chí - chọn 'View' hay độc giả?

Hiện nay, rất nhiều tờ báo đang dần mất đi bản sắc vì mải chạy theo “view”, theo xu hướng trên mạng xã hội (trend) để thu hút quảng cáo. Các tòa soạn báo đang đứng trước thách thức lớn là phải nghĩ khác, tìm những cơ hội khác để tạo doanh thu bên cạnh hoạt động quảng cáo...
Tác nghiệp của phóng viên ngày càng gắn chặt với các loại thiết bị, công nghệ mới.
Tác nghiệp của phóng viên ngày càng gắn chặt với các loại thiết bị, công nghệ mới.

Hiện nay, rất nhiều tờ báo đang dần mất đi bản sắc vì mải chạy theo “view”, theo xu hướng trên mạng xã hội (trend) để thu hút quảng cáo. Theo ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục Trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), các tòa soạn báo đang đứng trước thách thức lớn là phải nghĩ khác, tìm những cơ hội khác để  tạo doanh thu bên cạnh hoạt động quảng cáo. Còn nếu chỉ tranh nhau “miếng bánh” quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo kém chất lượng trên các hệ thống quảng cáo (Ad Network) xuyên biên giới như hiện nay thì sẽ đưa tờ báo của mình đến chỗ bị rẻ rúng, làm mất đi bản sắc riêng và đấy là cách tốt nhất để “chết” nhanh.

- Đã có ý kiến đánh giá rằng, trong thời gian vừa qua có nhiều tờ báo chỉ quan tâm đến quảng cáo, làm kinh tế báo chí mà quên đi tôn chỉ mục đích của mình. Tình trạng đó đã làm mất đi tính chiến đấu của báo chí. Ông có đánh giá gì về hiện tượng này?

- Ông Nguyễn Thanh Lâm: Tôi thì sẽ không nói là báo chí ta mất tính chiến đấu, nhưng chắc chắn là một số tờ báo đang mất đi bản sắc riêng mà khi xưa từng có. Luật Báo chí nước ta quy định, mỗi tờ báo có một tôn chỉ mục đích riêng và việc này nằm trong giấy phép hoạt động được Nhà nước cấp thông qua đề nghị của cơ quan chủ quản. Tức là cơ quan chủ quản sinh ra cơ quan báo chí, chính cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm theo dõi, quán triệt về tôn chỉ mục đích đối với mọi hoạt động của tờ báo mà mình xin cấp phép, có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) trong việc giám sát sự tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động. Cho nên, hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, về lâu về dài vẫn là việc vừa có tính bắt buộc, vừa giúp mỗi tờ báo có bản sắc riêng.

Hiện nay, tờ báo nào cũng nói mình có bản sắc riêng. Nhưng trên thực tế, do mô hình doanh thu báo chí đang chuyển mạnh từ báo in sang báo điện tử, mà đã là lên mạng thì doanh thu chủ yếu đến từ quảng cáo, mà quảng cáo thì lại theo lượng người truy cập để xem (view). Vì vậy, nhiều báo, tạp chí điện tử dần dần bị cuốn theo một thứ thị hiếu mà đảm bảo rằng, nếu phục vụ thị hiếu đó thì sẽ có view. Do đó, rất nhiều tờ báo đã dần mất bản sắc.

Ông Nguyễn Thanh Lâm
Ông Nguyễn Thanh Lâm


Đáng lo ngại hơn là hiện nay, nhiều tòa soạn đang khoán view cho phóng viên để chấm nhuận bút, khiến cho phóng viên đang vừa làm báo, vừa phải kiếm tiền. Từ việc khoán này, phóng viên vô hình trung phải chịu 2 sức ép cùng 1 lúc, đó là vừa phải viết tin, bài vừa phải đảm bảo có lượng view nhất định thì mới có nhuận bút. Như vậy, ta đang chuyển vấn đề làm kinh tế báo chí từ quy mô của tòa soạn sang quy mô của từng phóng viên. Đây là một xu hướng tương đối nguy hiểm, bởi tòa soạn đã khoán trắng việc làm kinh tế cho phóng viên mà không nghĩ rằng, ngoài cách đó sẽ còn có cách khác. 

Đó là còn chưa kể đến việc nhiều tòa soạn còn khoán cho phóng viên cả doanh thu đến từ viết bài PR và từ các “hợp đồng truyền thông”, với các mức khoán khác nhau và mức “hoa hồng” khá cao. Điều này vô hình trung buộc các phóng viên phải lựa chọn giữa “làm báo” và “kiếm tiền”, hoặc đơn giản hơn là chả cần phải phân biệt giữa 2 khái niệm đó làm gì cho mệt.  

- Tình trạng “khoán view” đúng là một thực tế. Để giải quyết vấn đề  này, như ông nói, các tòa soạn cần có cách nghĩ khác, cách làm khác. Vậy theo ông, việc nghĩ khác và làm khác cụ thể là gì?

- Ông Nguyễn Thanh Lâm: View và nhuận bút (đến từ lượng view) chỉ là một phần tiêu chí đánh giá chất lượng bài viết, không thể là tất cả. Nguồn doanh thu của một tờ báo không thể và không nên chỉ đến từ quảng cáo, mà còn từ nhiều nguồn doanh thu khác như: tổ chức sự kiện; đánh giá, bình chọn, xếp hạng sản phẩm, dịch vụ; tư vấn truyền thông; đầu tư... tóm lại là doanh thu đến từ ngoài mặt báo. Khi tờ báo có uy tín, có những cây bút “nặng ký”, có thương hiệu thì khả năng tạo ra những nguồn doanh thu khác để hỗ trợ lại cho nghề báo là việc khả thi. Một số tờ báo đã làm rất tốt việc này. Nhiều nhà báo tên tuổi sau khi “rửa tay gác bút” bước vào mặt trận truyền thông và kinh tế báo chí cũng đã rất thành công. 

Vấn đề là nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí sẽ phải tốn công sức suy nghĩ lại. Đây là bài toán không dễ, nói thẳng là rất khó. Ví dụ, hàng trăm tổng biên tập đều nghĩ lại, thì không phải các tổng biên tập đó sẽ cùng thành công, bởi cơ hội không đến với tất cả mọi người, mà chỉ đến với tờ báo nào vượt qua được thách thức này và thực sự nghiêm túc trong việc tái cơ cấu lại tòa soạn, hoặc là định vị lại quan điểm làm báo của mình, tìm được “thị trường ngách”, tìm được độc giả đích thực của mình. 

Hiện nay, nhiều nhà báo có kinh nghiệm đã đúc kết rằng, với kiểu làm báo chỉ nhằm “câu view”, các cơ quan báo chí sẽ chỉ còn “lưu lượng truy cập” (traffic), chứ không còn “độc giả”. 

- Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi của bạn đọc không chỉ dừng ở việc đọc chữ, xem hình. Theo ông, các tờ báo có cần đổi mới, đa dạng cách truyền tải thông tin như thế nào để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc hiện nay?

- Ông Nguyễn Thanh Lâm: Nhiều tòa soạn đã làm tốt việc này rồi. Những tòa soạn nào còn do dự thì cần phải làm ngay và làm quyết liệt, bởi thói quen của người đọc hiện nay đang thay đổi. Độc giả giờ đây không chỉ dừng ở việc đọc chữ, xem hình mà là xem ở đâu, trên Ipad hay trên điện thoại, trên trang chủ của báo hay qua ứng dụng (app), hay qua mạng xã hội... Do đó, vấn đề đặt ra là độc giả ở đâu, thông tin phải ở đó và phải có sự đổi mới về công nghệ, hoặc tận dụng nền tảng công nghệ sẵn có trên thị trường, trong xu thế truyền thông hiện nay để mà truyền tải thông tin. 

Có một điều thú vị nhưng là thách thức, đó là các báo hiện nay không chỉ còn trông vào khuôn khổ trang báo của mình hay trang web, tên miền của mình nữa, mà sẽ phải xuất bản trên nền tảng mạng xã hội, không loại trừ mạng xã hội trong nước hay xuyên biên giới; rồi sẽ phải nghĩ cách đến với độc giả bằng những hình thức khác nữa. Ví dụ, vừa qua khi truyền thông về Covid-19, người ta không chỉ thấy sức mạnh và hiệu quả truyền thông của báo chí, mà còn của mạng xã hội, của hệ thống loa đài tại các phường xã, của phương thức thông tin qua tin nhắn và nhạc chuông nhạc chờ trên điện thoại…

Khi chúng ta tham gia vào mặt trận truyền thông, với mục đích là tác động đến độc giả, thì có rất nhiều hình thức tiếp cận khác nhau, vì thế cách làm báo cũng hoàn toàn khác nhau. Một tòa soạn hội tụ và 1 tòa soạn đa phương tiện phải là tòa soạn truyền tải được thông tin của mình dưới những hình thức, fomat khác nhau đến những đối tượng phù hợp. Vấn đề đặt ra là đòi hỏi các báo phải cực kỳ quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ và việc đào tạo lại đội ngũ.

- Đại dịch Covid-19 vừa qua đã có tác động tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực báo chí. Là cơ quan quản lý báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan báo chí này, thưa ông?

- Ông Nguyễn Thanh Lâm: Thời gian vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã có rất nhiều kiến nghị về hỗ trợ cụ thể cho các cơ quan báo chí như: đề nghị các nhà mạng miễn cước thuê đường truyền và phí thuê đặt máy chủ cho các cơ quan báo chí có loại hình báo chí điện tử; thực hiện đặt hàng từ ngân sách nhà nước cấp cho Bộ với 40 cơ quan báo chí để sản xuất những tin, bài về phòng chống dịch Covid-19, những vấn đề liên quan đến việc Việt Nam phòng chống đại dịch và bước đầu chiến thắng Covid-19. Ngoài ra còn có một số biện pháp khác đã được Bộ Thông tin và Truyền thông trình lên Thủ tướng Chính phủ và hiện đang được các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu.

Đặc biệt, vừa qua Chính phủ đã có nghị quyết 84 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong đại dịch Covid-19, trong đó là giao các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch sử dụng ngân sách trung ương để đặt hàng các cơ quan báo chí thông tin tuyên truyền về phòng chống đại dịch, cũng như về các nhiệm vụ kinh tế - xã hội khác. Đây là sự quan tâm rất cụ thể, thiết thực của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ và nó cũng cho thấy, Nhà nước sẽ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của báo chí khi trở thành “khách hàng lớn” của báo chí. 

- Xin cảm ơn ông!

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam