Đoạn video được đăng tải lên mạng xã hội sau đó được chia sẻ lên YouTube và nhiều trang tin. Thời gian và địa điểm được đánh dấu vào ngày 22/7 tại Đan Dương, tỉnh Giang Tô. Hiện trường là một nhà hàng tôm hùm vắng tanh, nhưng trước cửa là những chiếc bàn ghế xiêu vẹo và bát đĩa vỡ nát.
Đột nhiên, một người đàn ông được cho là chủ cửa hàng xuất hiện trên màn hình, vác chiếc bàn vuông bốn chân rồi vứt mạnh, trút bỏ những bực bội đang chất đầy trong lồng ngực. Vụ đập phá diễn ra trước mắt một số người hiếu kỳ đứng xem. Sau đó xuất hiện các nhân viên an ninh địa phương đến để can thiệp, dường như ngăn chặn hành vi của người chủ nhà hàng.
Trang báo điện tử Sohu của Trung Quốc ngày 24/7 đưa tin, các nhân viên của ủy ban khu phố địa phương cho biết, người đã đập phá cửa hàng chính là ông chủ của nhà hàng tôm hùm này. Một người biết về nội tình cho phóng viên biết, ông chủ đang đêm khuya cảm thấy chán chường, tinh thần sụp đổ nên vùng dậy đập phá nhà hàng, nguyên nhân do công việc kinh doanh quá tồi tệ và số tiền thu được không đủ để trả tiền thuê nhà.
Những người chứng kiến tại hiện trường cho biết, khi đó ông chủ này đã mất kiểm soát cảm xúc, quá trình đập phá kéo dài gần nửa tiếng đồng hồ, ông ta xúc động thổ lộ với mọi người: “Tôi đã cố gắng hết sức nhưng tình hình ngày càng xấu đi. Tôi sắp không thể đảm bảo được cuộc sống cơ bản cho gia đình mình nữa".
Hành động tự tay phá hủy cửa hàng của ông ta đã thu hút sự chú ý của cảnh sát, những người coi trọng việc duy trì sự ổn định – họ đã cảnh cáo ông làm như thế là gây mất trật tự. Một nhân viên ủy ban địa phương cho Sohu biết: “Nguyên nhân cụ thể không rõ, đồn cảnh sát sẽ xử lý vụ việc này”.
Một cư dân mạng Trung Quốc đồng cảm với ông chủ này cho biết: "Ông ấy là hình ảnh chân thực của hàng ngàn chủ nhà hàng nhỏ ở dưới đáy! Trong thời đại lợi nhuận ít ỏi, mọi người đều vất vả khổ sở kiếm tiền”.
Sohu đưa tin, Tiểu Bắc, một người phụ trách nhà hàng phục vụ ăn uống, người cùng tình cảnh với chủ nhà hàng tôm hùm, tiết lộ: “Điều thực sự khiến tôi suy sụp là chúng tôi đã vất vả kinh doanh trong gần một năm, nhưng chúng tôi thậm chí còn không đủ trả tiền thuê nhà cho năm thứ hai. Khoản đầu tư ban đầu chưa thu hồi lại được đến một phần ba”. Vì vậy, khi tiền thuê một năm hết hạn, Tiểu Bắc quyết định kịp thời cắt lỗ và đóng cửa tiệm bánh đã hoạt động được gần một năm.
A Cửu, người điều hành một nhà hàng bán đồ ăn nhanh, đã đăng trên Weibo: "Doanh thu hàng ngày của những người kinh doanh ăn uống khác là bao nhiêu? Doanh thu của tôi cả ngày hôm nay chỉ là 800 NDT (112 USD), và tôi sắp không thể duy trì được nữa rồi”. Theo tính toán của ông, để duy trì hoạt động của cửa hàng, doanh thu hàng ngày ít nhất phải hơn 1.000 NDT (140 USD).
Mặc dù chính phủ Trung Quốc hôm 19/7 đã đưa ra văn bản “31 ý kiến về việc nâng cao niềm tin của các doanh nghiệp tư nhân”, nhưng một số chủ doanh nghiệp khi được phỏng vấn riêng vẫn tỏ ra bi quan về viễn cảnh kinh doanh, họ chưa hết sốc trước chính sách hạn chế kinh tế tư nhân thời gian qua.
Các số liệu chính thức cho thấy kinh tế Trung Quốc sa sút sau đại dịch xuất hiện nguy cơ giảm phát, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Theo Sohu