Cắt giảm chi tiêu
Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng tiết kiệm hơn khi mua các vật dụng hàng ngày, từ bàn chải đánh răng cho tới dầu gội đầu, xu hướng đáng lo ngại đối với một quốc gia đang nỗ lực thoát khỏi tầm ảnh hưởng kéo dài của đại dịch COVID-19.
Đà phục hồi doanh số bán lẻ ở Trung Quốc trong năm nay đã phần nào che giấu tình trạng tiết kiệm quá mức - điều mà một số nhà kinh tế học cho là dấu hiệu của sự suy giảm niềm tin của người tiêu dùng. Đà tăng trưởng chi tiêu mới đây đã giảm trong khi quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế đứng 2 thế giới đã mất động lực.
Trung Quốc đang nỗ lực hồi phục nền kinh tế bằng cách khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu, sau gần 3 năm hứng chịu các lệnh phong toả do đại dịch COVID-19. Kể từ khi các quy định hạn chế được gỡ bỏ, người dân Trung Quốc đã đi du lịch trở lại, đi ăn nhà hàng nhiều hơn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tiếp tục duy trì thói quen “thắt lưng buộc bụng” được hình thành từ giai đoạn dịch.
Các công ty sản xuất hàng tiêu dùng cơ bản đang cảm nhận tác động của xu hướng này. Giá bán trung bình của các sản phẩm chăm sóc da, chất tẩy rửa bếp, sữa chua, bàn chải đánh răng và sữa công thức đã giảm tại Trung Quốc trong quý đầu năm so với cùng kỳ năm trước, theo Kantar Worldpanel và Bain & Co.
Giá các mặt hàng trang điểm ở Trung Quốc đã giảm gần 5% trong năm nay, theo các công ty nghiên cứu. Estée Lauder, công ty sở hữu một số thương hiệu mỹ phẩm cao cấp, mới đây báo cáo doanh số suy giảm mạnh mẽ đối với danh mục trang điểm ở đại lục.
Người mua sắm trực tuyến ngày càng bị thu hút bởi nền tảng thương mại điện tử của Mỹ vận hàng - PDD, hãng chuyên cung cấp các phiên bản giá rẻ của nhiều loại mặt hàng được bán trên các trang được vận hành bởi các công ty Trung Quốc như JD.com và Alibaba.
Doanh thu của PDD đã tăng 58% trong quý đầu năm 2023, trong khi 2 đối thủ lớn hơn của họ, JD.com và Alibaba, chỉ đạt mức tăng doanh thu 1 con số. Để tăng doanh số bán, JD.com đã điều chỉnh lại chiến lược tiếp thị, trong đó thông báo cho khách hàng rằng họ có cung cấp các sản phẩm “giá rẻ mỗi ngày”, và sẽ bồi thường nếu khách hàng sau khi mua một số sản phẩm nhất định phát hiện ra chúng rẻ hơn khi mua trên các nền tảng đối thủ.
Tiết kiệm trở thành xu hướng
Cụm từ “hạ cấp tiêu dùng” ở Trung Quốc giờ trở nên phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội, trong đó nhiều người dùng chia sẻ về lối sống tiết kiệm hơn của họ.
Sarah Wu, 36 tuổi, đăng tải trên ứng dụng mua sắm và mạng xã hội Xiaohongshu một danh sách các loại hàng hoá mà cô quyết định không mua hoặc giảm chi tiêu trong giai đoạn dịch. Ngoài quần áo và giày dép, Wu còn liệt thêm dây buộc tóc, son môi, sữa, trà và đồ uống, đồ ăn vặt, đồ ăn mang theo, nhu yếu phẩm hàng ngày và ăn ở nhà hàng.
Trong một cuộc phỏng vấn, Wu nói rằng cô có khoản vay thế chấp cần phải trả nhưng không gặp khó khăn về tài chính. Sau khi đọc tin về sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc và các đợt giảm lãi suất, cô “cảm thấy sức ép”.
Wu, làm việc tại một công ty internet ở Vũ Hán, gần đây thêm cả khẩu trang, kem dưỡng da và ốp điện thoại vào danh sách cắt giảm.
“Tiết kiệm tiền có thể gây nghiện, bạn càng tiết kiệm được nhiều, bạn càng muốn tiết kiệm thêm”, Wu nói.
Một lãnh đạo của Colgate-Palmolive mới đây cho hay nhu cầu từ người tiêu dùng tại Trung Quốc không tăng lên theo mức mà công ty kỳ vọng. “Trung Quốc vẫn đang chứng kiến một xu hướng tiêu dùng hạn chế rất rõ rệt”, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của nhà sản xuất xà phòng và kem đánh răng, ông Mulkul Deoras, cho hay. Mặc dù người dân đã ra ngoài và các cửa hiệu có thêm khách nhưng tiêu thụ vẫn giảm, ông nói thêm.
Colgate bán các sản phẩm chăm sóc răng miệng dưới thương hiệu cùng tên, và Darlie ở Trung Quốc. Gần đây, công ty này ước tính rằng có hơn 500 triệu người ở Trung Quốc sử dụng thương hiệu Darlie – thương hiệu giá rẻ của họ - ít nhất mỗi năm một lần.
Các nhãn hàng cố đón đầu
Để phục vụ những người tiêu dùng đang tiết kiệm hơn ở Trung Quốc, một số nhà sản xuất hàng tiêu dùng quốc tế đang đưa ra các phiên bản sản phẩm rẻ hơn hoặc hạ giá sản phẩm.
Công ty điện tử Philips của Hà Lan đã bắt đầu bán bàn chải đánh răng điện tử với giá khoảng 28 USD, trong khi dòng sản phẩm cao cấp được bán ở Trung Quốc thường có giá 112-280 USD. Để so sánh, bàn chải điện của hãng Xiaomi, thương hiệu trong nước, chỉ có giá bán 3,64 USD. Một phát ngôn viên của Philips cho hay công ty này cung cấp đầy đủ các dòng sản phẩm chăm sóc răng miệng ở Trung Quốc cũng như các nước khác, từ bàn chải điện tử giá rẻ cho đến các phiên bản đắt tiền hơn.
Các hãng sản xuất sữa công thức của phương Tây, vốn đã bị tác động từ tỷ lệ sinh đẻ thấp ở Trung Quốc, giờ còn phải giảm giá mạnh các sản phẩm của họ. Tháng trước, một sản phẩm nổi tiếng đến từ thương hiệu sữa công thức thuộc công ty thực phẩm Danone của Pháp, đã giảm giá 40% các sản phẩm trên cửa hàng trực tuyến Tmall của Alibaba. Similac, thuộc sở hữu của Abbott Laboratories, cũng giảm giá bán trong tháng 5.
Abbott cho hay họ sẽ ngừng hoạt động kinh doanh sữa công thức trẻ em ở Trung Quốc để tập trung hơn cho thị trường dinh dưỡng dành cho người lớn.
Thất nghiệp khiến người trẻ không muốn tiêu tiền
Trong khi Mỹ và một số quốc gia khác đã trao tiền mặt trực tiếp cho người dân để khuyến khích chi tiêu, Trung Quốc vẫn chưa thực hiện chính sách tương tự. Trong 3 năm gần đây, các quy định chặt chẽ nhằm vào các lĩnh vực phát triển nhanh như giáo dục, internet và bất động sản đã làm thay đổi nhận thức của người dân về triển vọng việc làm và tài sản trong tương lai, điều này khiến nhiều người trở nên cảnh giác và không dám chi tiêu.
"Việc tiêu thụ giảm ở tầng lớp trung lưu chủ yếu là do tác động của đại dịch", Bo Zhuang, chiến lược gia kỳ cựu đến từ hãng Loomis Sayles, nhận định. Tình trạng mất việc trong ngành công nghiệp internet – vốn có thu nhập cao – và nhiều lao động trong ngành dịch vụ và chủ doanh nghiệp nhỏ chịu ảnh hưởng do đại dịch trong vài năm qua cũng góp phần. Zhuang thêm rằng, kết quả là “vết sẹo COVID không lành” đối với nhiều người dân Trung Quốc.
Thông thường, thế hệ trẻ của Trung Quốc là những người thúc đẩy tiêu dùng, nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ lại đạt mức cao lịch sử 21,3% trong tháng 6. Người trẻ tuổi ở Trung Quốc thường tiết kiệm ít hơn, nhưng giờ đang đối diện với nhiều vấn đề - và đang trở nên thận trọng hơn – theo Li-Gang Liu, người đứng đầu bộ phận phân tích kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại Citi Global Wealth Investments, cho hay.
Jennifer Dong, nhân viên làm công nghệ 27 tuổi đến từ Trường Sa, cũng là một trong số họ. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô nhanh chóng nhận được một công việc với mức lương tương đương 2.766 USD/tháng và không cần phải nghĩ nhiều đến việc tiết kiệm. Sau đó Dong chuyển sang làm cho một startup, nhưng năm nay cô lo rằng công ty mình có thể phá sản. Cô bắt đầu đi tìm việc và mới đây tìm thấy một vị trí có lương thấp hơn.
Dong cho biết cô đã nhận thức rõ hơn về việc chi tiêu bởi có nhiều hoá đơn phải thanh toán và 2 khoản vay thế chấp cần trả.
“Trước đây, nếu chúng tôi thích thứ gì thì sẽ mua ngay”, Dong nói. “Giờ chúng tôi nghĩ xem liệu nó có cần thiết không, và so sánh giá cả trên mạng và trên thị trường”./.
Trung Quốc: Lối sống 'thu nhập nhân đôi, không con cái' tác động xấu tới nền kinh tế
Trung Quốc: Sinh viên mới ra trường loay hoay kiếm việc giữa bối cảnh khủng hoảng
Trung Quốc giúp Indonesia khai mở "kho vàng xanh", thống trị thị trường pin xe điện toàn cầu
Theo Wall Street Journal