Theo thông tin từ Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM, các bác sĩ ở đây vừa thực hiện cuộc phẫu thuật lấy ra một phần chiếc đũa dài 9 cm trong vùng xoang mũi của anh L.T.L. (40 tuổi, ở Lagi, tỉnh Bình Thuận).
Trước đó 2 ngày, bệnh nhân L. đến khám tại Bệnh viện Mắt TP.HCM do sưng góc ở trong mắt và được chẩn đoán áp xe túi lệ bên phải. Kết quả CTScan cho thấy: có một dị vật kéo dài từ xoang sàng tới mặt trước xoang bướm... Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM để thực hiện phẫu thuật can thiệp.
Theo lời kể của bệnh nhân, anh L. làm nghề đánh bắt thủy hải sản. Cách đây 4 năm, anh đã xảy ra ẩu đả với bạn, trong lúc xô xát anh bị đâm một vật gì không rõ ngay vùng mũi. Sau khi đến trạm y tế xã thăm khám, anh được cầm máu, khâu vết thương và được phát thuốc chống sưng giảm đau. Sau đó, anh L. thấy tình trạng vết thương ổn định.
Một năm sau, anh L. xuất hiện các cơn đau khó chịu: viêm mắt, sưng mắt, bị chảy nước mắt liên tục. Anh quyết định đi khám ở các cơ sở y tế tại địa phương nhưng không thể phát hiện ra bệnh.
Đến bệnh viện chuyên khoa mắt, bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm, áp xe túi lệ nên rạch lấy mủ. Triệu chứng cứ tái đi tái lại trong ba năm khiến ng anh L. vô cùng khó chịu.
Vì dị vật nằm trong cơ thể đã lâu, gây bít lối vào tự nhiên và gây áp xe hóa cấu trúc xung quanh, các bác sĩ phải tìm cách tiếp cận vào trong xoang sàng để lấy dị vật. Khu vực này rất gần với dây thần kinh thị giác, động mạch cảnh và màng não bệnh nhân, chỉ cần sơ xuất nhỏ có thể trả giá bằng thị lực, thậm chí cả tính mạng của bệnh nhân.
Sau ca phẫu thuật lấy dị vật, sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục
|
Sau 2 tiếng phẫu thuật nội soi, dị vật được gắp ra ngoài thành công. Dị vật được lấy ra là một chiếc đũa ăn cơm dài khoảng 9cm. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã dần ổn định.
Theo các bác sĩ nhận định, đây được xem là trường hợp can thiệp lấy dị vật rất hy hữu, bởi ngay cả bệnh nhân cũng không biết. Phần chiếc đũa gãy đã tụt hẳn vào trong, da lành lấp bên ngoài và việc viêm túi lệ cũng có các dấu hiệu như bệnh nhân gặp phải. Vì vậy, đây là nguyên nhân khiến các bác sĩ bỏ qua chẩn đoán có dị vật bỏ quên.