“King Lean” - nỗi nhớ của khán giả sân Lạch Tray

VietTimes -- Không cầu thủ nào chiếm nhiều nỗi nhớ của khán giả đất Cảng bằng Leandro, tiền vệ sinh năm 1983, dù anh đã “phản bội” tình yêu của họ. Tính cho đến nay “King Lean”- là cầu thủ Brazil có kèo trái dị nhất V.League.
Cho đến nay “King Lean” - là cầu thủ Brazil có kèo trái dị nhất V.League. Ảnh HPFC
Cho đến nay “King Lean” - là cầu thủ Brazil có kèo trái dị nhất V.League. Ảnh HPFC

Trước khi Leandro de Oliveira đến Hải Phòng (2008), người ta chỉ biết Brazil là nơi sản sinh ra những ngôi sao bậc thầy về kỹ thuật cá nhân qua màn hình. “King Lean” đã khiến cho hàng ngàn cổ động viên sân Lạch Tray hiểu thêm thế nào là “vũ điệu sân cỏ”.

Vũ điệu Samba

Những cú đánh gót, cái lắc mông, động tác đảo người khiến Leandro là phần khác biệt với các ngoại binh còn lại của V.League. “King Lean” là biệt danh mà người hâm mộ đất Cảng dành cho cầu thủ có cái chân trái quái dị nhất cho đến nay mà CLB nào có được.

Thoại đầu người ta không tin Leandro, từng là tuyển thủ Olympic Brazil tại Pan American Games 2003 và cầu thủ của CLB nổi tiếng xứ sở Samba Santos (2002) lại trôi dạt đến đất Cảng. Làm sao lại có tuyển thủ O. Brazil đến chơi bóng tại “vũng trũng” bóng đá thế giới?

Những cú đánh gót, cái lắc mông, động tác đảo người khiến Leandro là phần khác biệt với các ngoại binh còn lại của V.League. Ảnh HPFC
Những cú đánh gót, cái lắc mông, động tác đảo người khiến Leandro là phần khác biệt với các ngoại binh còn lại của V.League. Ảnh HPFC

Mãi sau này người ta mới biết, với thể hình cao 1,78m lại bị hạn chế về thể lực Leandro không đủ sức để chơi tại giải quốc nội Brazil. Sau 6 năm lang bạt, với khoản lương bổng hậu hĩnh của Xi măng Hải Phòng hồi bấy giờ “King Lean” quyết định làm việc dưới trướng HLV Vương Tiến Dũng.

Số 10 này ít khi đủ thể lực đá 90 phút, nhưng đội trưởng Xi măng Hải phòng nhưng hễ vào sân là Leandro làm mê hoặc khán giả sân Lạch Tray. “King Lean” nhảy múa với trái bóng như một nghệ sĩ Samba thực sự. Đang cầm bóng, bỗng nhiên anh xoay người giật gót, ta-lông ngẫu hứng biểu diễn những động tác cực khó đối với một cầu thủ bóng đá.

Leandro thi đấu vật vờ, đúng. Leandro không chịu tham gia phòng ngự, cũng đúng. Nhưng Leandro làm được cái mà không cầu thủ nào trên sân làm được đó là những pha kiến tạo, những bàn thắng đi vào lòng người. Ông thầy của Hải Phòng lúc đó biết làm thế nào để Leandro phát huy được hết điểm mạnh của mình.

Thủ môn Michal Shihavy (CH Czech) của SLNA sẽ còn mãi không hiểu vì sao với khoảng cách 40m mà bằng má ngoài, chân trái “King Lean” lại có thể sút thủng lưới mình. Đây là trận đấu trên sân Lạch Tray tại V.League 2009, Leandro lấy đà chạy dích dắc 10-12m và tung cú sút có quỹ đạo lạ khiến Shihavy đành bó tay.

“King Lean” sút bóng không cần đà, anh thuận chân trái nhưng ngẫu hứng vẫn khứa lòng chân phải, vẽ quỹ đạo cong vào góc cao khung thành đối phương. 3 năm khoác áo Hải Phòng, Leandro ghi được tổng cộng 30 bàn thắng, biến Hải Phòng từ vị thế của một “tân binh” trở thành thế lực mới của bóng đá Việt Nam.

Leandro, từng là tuyển thủ Olympic Brazil tại Pan American Games 2003 và cầu thủ của CLB nổi tiếng xứ sở Samba CLB Santos (2002) . Ảnh CLB Santos
Leandro, từng là tuyển thủ Olympic Brazil tại Pan American Games 2003 và cầu thủ của CLB nổi tiếng xứ sở Samba CLB Santos (2002) . Ảnh CLB Santos

“King Lean”, đeo băng đội trưởng Xi măng Hải Phòng và đúng “cân team” đúng nghĩa. Xi măng Hải Phòng chưa một lần lên ngôi vô địch, nhưng trong lòng người hâm mộ Hải Phòng, anh chính là “ông vua” sân cỏ. Anh là nguồn cơn để kéo khán giả đến sân Lạch Tray, là nơi làm nên những tiếng reo hò trên khán đài, là đề tài không dứt ngày này qua ngày khác của những quán bia hơi đất Cảng.

Xuống dốc

Sau 2 chức vô địch vào 2007, 2008 thì B.Bình Dương khi đó được mệnh danh là “Chelsea Việt Nam” đã không tiếc tiền để đưa “King Lean” về sân Gò Vấp với sứ mệnh dẫn dắt hàng công tại V.League 2011. Leandro đã đi theo tiếng gọi của kim tiền, bỏ lại những tình cảm của hàng ngàn cổ động viên Hải Phòng dành cho đứa “con cưng” của sân Lạch Tray.

Mùa giải đầu tiên tại B.Bình Dương, Leandro ghi được 10 bàn thắng giúp đội bóng giành ngôi Á quân. Nhưng chính việc liên tục thay đổi HLV, từ Ricardo, Đặng Trần Chỉnh, Lê Thụy Hải và Đặng Trần Chỉnh (2011) khiến cho Leandro và các cầu thủ B.Bình Dương liên tục bị thay đổi lối đá. Không còn là “ông chủ” của hàng công, Leandro phải lùi sâu tham gia tìm bóng và đuối dần, đuối dần trong các dùng người của các HLV mới.

Chỉ hơn 1 năm, chấn thương và những cuộc chơi thâu đêm tại TP.HCM đã khiến Leandro tăng cân, thi đấu sa sút trông thấy. Hình ảnh một lãng tử sân cỏ hào hoa với những đường bóng say mê lòng người năm nao đã biến mất. Không thuyết phục được HLV Cho Yoon-Hwan, anh lang thang Thanh Hóa và quay trở lại Hải Phòng.

Câu hát vang lên, bỗng...

Anh là nguồn cơn để kéo khán giả đến sân Lạch Tray, là nơi làm nên những tiếng reo hò trên khán đài. Ảnh HPFC
Anh là nguồn cơn để kéo khán giả đến sân Lạch Tray, là nơi làm nên những tiếng reo hò trên khán đài. Ảnh HPFC

Nhưng “King Lean” ngày nào đã không còn, HLV Hoàng Anh Tuấn đã lắc đầu với cầu thủ từng là “con cưng” của sân Lạch Tray. Năm 2012, Leandro  đành trở về quê nhà chơi cho Matsubara rồi giã từ sự nghiệp cầu thủ tại CLB Pathum United, thi đấu tại Thai2-League vào năm 2015, khi 32 tuổi.

Đến giờ V.League vẫn là điểm đến ưa thích của các cầu thủ Brazil. Nhưng “King Lean” là cầu thủ độc nhất vô nhị thể hiện đúng chất nghệ sĩ sân cỏ trong thi đấu. Những đường bóng và bàn thắng của Leandro không hề lẫn vào đâu, bởi mảnh đất và con người Hải Phòng đã truyền cảm hứng cho anh thăng hoa. Nên 3 năm thi đấu cho XMHP, chính là quãng đời đáng nhớ nhất của ngôi sao một thời của sân cỏ Việt Nam này.