Vũ khí phương Tây khó giúp Ukraine thay đổi tình thế nếu xung đột nổ ra (Ảnh: Foreign Policy) |
Chính quyền Biden đã phê duyệt việc giao tên lửa phòng không vác vai Stinger do Mỹ sản xuất cho Kiev, bên cạnh việc tăng cường cung cấp các thiết bị quân sự khác. Các đồng minh, bao gồm cả Vương quốc Anh, cũng đang có những sự hỗ trợ nhất định về mặt quân sự cho Ukraine.
Theo giới quan sát, Mỹ và các đồng minh NATO dường tin tưởng rằng hoạt động hỗ trợ vũ khí quy mô lớn cho Ukraine sẽ thay đổi tính toán của Nga, ngăn Moscow tiến hành các cuộc tấn công. Họ cho rằng việc viện trợ cho quân đội Ukraine có thể sẽ tác động đến quyết định tấn công của Nga, buộc nước này phải từ bỏ phương án quân sự.
Những luận điểm này là thiếu sức thuyết phục. Điều đó không có nghĩa là phương Tây nên ngừng hợp tác an ninh với Kiev, nhưng phải nhìn nhận rằng viện trợ quân sự không phải phương án hiệu quả để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Kể từ năm 2014, Mỹ đã chi hơn 2,5 tỷ USD tiền viện trợ quân sự cho Ukraine, sau khi Nga sáp nhập Crimea và hậu thuẫn dân quân Donbass. Sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine bao gồm việc cung cấp các máy bay huấn luyện, các hệ thống phòng thủ được lựa chọn (như radar chống súng cối) và gần đây là tên lửa chống tăng Javelin. Sự hỗ trợ này về cơ bản nhằm cải thiện năng lực tác chiến của quân đội Ukraine trong xung đột với dân quân ly khai do Nga hậu thuẫn ở Donbass, lực lượng chủ yếu được trang bị vũ khí bộ binh cùng một số xe tăng thiết giáp và pháo thời Liên Xô.
Tên lửa phòng không vác vai Stinger mà Mỹ viện trợ cho Ukraine (Ảnh: Youtube) |
Điều quan trọng là quân đội Ukraine chưa từng đối đầu trực tiếp với lực lượng vũ trang chính quy của Nga tại Donbass. Chính Kiev từng thừa nhận phần lớn dân quân ly khai là người địa phương, không phải quân nhân Nga.
Moscow cũng đã phủ nhận về sự tham gia của họ trong các cuộc xung đột, điều đó có nghĩa là quân đội Nga chưa bao giờ sử dụng 100% sức mạnh của mình để chống lại Ukraine. Những đơn vị và khí tài nổi bật của Nga, như không quân, tên lửa đạn đạo hành trình, đều chưa bao giờ tham chiến ở đây, ngay cả khi họ đã sử dụng tại Syria từ lâu.
Nếu chiến tranh tổng lực xảy ra, quân đội Nga hoàn toàn có thể tổ chức các cuộc tiến công quy mô lớn với hàng chục nghìn binh sĩ, hàng nghìn xe tăng thiết giáp và hàng trăm máy bay chiến đấu. Nó có thể sẽ bắt đầu bằng các cuộc tấn công bằng tên lửa và không quân tàn khốc từ các lực lượng trên bộ, trên không và hải quân, tiến sâu vào Ukraine để tấn công các sở chỉ huy, sân bay và các đầu mối hậu cần. Lực lượng Ukraine sẽ bị bao vây ngay từ đầu, khi quân đội Nga triển khai dàn trận từ biên giới phía đông Ukraine, lực lượng hải quân Nga sẽ đe dọa từ Biển Đen ở phía nam và từ Belarus ở phía bắc, địa điểm chỉ cách thủ đô Kiev chưa đầy 65 dặm.
Nói tóm lại, cuộc chiến này sẽ rất khác so với các cuộc xung đột ở Ukraine trước đây và nó cũng làm suy yếu lý do hàng đầu để Mỹ hỗ trợ vũ khí cho Ukraine là 'để răn đe Nga". Quân đội Ukraine được xây dựng để đối phó dân quân Donbass và không gây mối đe dọa với Nga, nên việc Mỹ có cung cấp thêm bao nhiêu vũ khí cũng không thay đổi được điều này.
Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine sẽ rất khác so với các cuộc xung đột ở Ukraine trước đây (Ảnh: Foreign Policy) |
Nếu Nga sẵn sàng mở một chiến dịch quân sự lớn nhằm vào quốc gia rộng thứ hai châu Âu với dân số hơn 40 triệu người và chấp nhận hứng chịu sự trừng phạt kinh tế khủng khiếp từ phương Tây thì những viện trợ quân sự của Mỹ cũng không phải là vấn đề to lớn đối với họ. Những vũ khí hạng nặng có thể thay đổi tính toán của Nga, như tên lửa phòng không tầm xa và chiến đấu cơ là những vũ khí mà Mỹ khó lòng có thể cung cấp cho Ukraine.
Chính quyền Ukraine cũng không thể mua sắm, tiếp nhận và đưa chúng vào biên chế trong thời gian ngắn, chưa nói đến việc huấn luyện các binh sĩ vận hành thuần thục chúng trong thời gian ngắn để thay đổi cục diện cuộc chiến là một điều bất khả thi thời điểm này. Các vũ khí cỡ lớn, hiện đại đòi hỏi quá trình huấn luyện đặc biệt và mất rất nhiều thời gian.
Nếu quá trình răn đe thất bại và một cuộc chiến tổng lực nổ ra, các lực lượng vũ trang Ukraine sẽ gần như rơi vào hoàn cảnh "tuyệt vọng" ngay lập tức. Họ không có đủ lực lượng đối phó với những đòn tấn công uy lực của Nga, buộc quân đội Ukraine phải chọn phòng thủ một số cứ điểm cố định và từ bỏ kiểm soát nhiều khu vực, hoặc liên tục cơ động để tập kích đối phương. Donbass sẽ chỉ là một trong nhiều mặt trận.
Thế trận phòng thủ của Ukraine rất giống phòng tuyến Maginot: được chuẩn bị cho một cuộc tấn công trực diện. Tuy nhiên nếu đối phương sở hữu lực lượng không quân vượt trội và bộ binh có sức cơ động cao thì phòng tuyến này sẽ bị vượt qua một cách dễ dàng.
Diện tích lớn của Ukraine vỗ tình trở thành lợi thế đối với quân đội Nga khi lực lượng quân đội nước này được huấn luyện kỹ càng để thực hiện các cuộc chiến phối hợp trên bộ và trên không. Nga cũng đã có cơ hội thực hiện các cuộc tấn công tầm xa bằng máy bay không người lái cũng như các phương tiện trinh sát khác ở trong huấn luyện và chiến đấu tại Syria.
Máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không chiến lược của Nga mang lại cho Moscow nhiều lựa chọn hơn để kiểm soát mặt trận trên không nhằm tấn công các lực lượng Ukraine. Hầu hết các phi công Nga đều đã có kinh nghiện chiến đấu thực tế tại Syria. Phần lớn lực lượng vũ trang Ukraine vẫn vận hành các hệ thống vũ khí thời Liên Xô, vốn đã quá quen thuộc với Nga và có thể dễ dàng bị khai thác điểm yếu trong xung đột.
Nói tóm lại, những lợi thế về năng lực, khả năng và địa lý mà Nga có được sẽ tạo ra một thách thức lớn cho quân đội Ukraine trong việc bảo vệ đất nước. Cán cân quân sự giữa Nga và Ukraine quá chênh lệch, đến mức viện trợ quân sự của Mỹ trong vài tuần tới sẽ trở nên vô nghĩa nếu xung đột nổ ra.
Theo Foreign Policy