Trong một loạt động thái bắt tay với đối thủ đầy bất ngờ, Apple cho thấy họ sẵn sàng suy nghĩ lại về mở cửa hệ sinh thái phần mềm, dịch vụ khép kín của mình. “Khu vườn đóng” của Apple có thể không bị xô đổ nhưng bắt đầu cho thấy rạn nứt.
Thông báo hợp tác quan trọng đầu tiên của Apple xuất hiện vào tháng 11 khi Amazon nói sẽ đưa Apple Music lên thiết bị Echo và cho phép người dùng quản lý việc phát nhạc bằng Alexa, đối thủ của Siri. Chưa đầy một năm trước, Apple ra loa HomePod để cạnh tranh với Echo, do đó việc hợp tác với Amazon giống như lời thừa nhận họ không thể có vị trí như Alexa.
Tại CES 2019 vừa diễn ra, các hãng sản xuất tivi như Sony, Vizio thông báo các mẫu máy mới sẽ tương thích với công nghệ AirPlay 2 để phát nội dung từ iPhone, iPad lên tivi. Chúng cũng hỗ trợ HomeKit, hệ thống điều khiển nhà thông minh của Apple. Cho đến nay, các tính năng này phần lớn giới hạn trên Apple TV.
Thông báo quan trọng nhất lại đến từ Samsung, kình địch của Apple. Công ty Hàn Quốc tuyên bố sẽ đưa ứng dụng iTunes lên một số mẫu tivi Samsung, đồng nghĩa bạn có thể đăng nhập tài khoản Apple trên tivi Samsung và xem phim, chương trình truyền hình từ thư viện iTunes.
Các động thái này báo hiệu Apple đã cảm thấy áp lực phải phát triển dịch vụ ở tốc độ ấn tượng để bù đắp tổn thất từ doanh thu iPhone giảm. Đầu tháng 1, Apple cảnh báo doanh số iPhone thấp hơn dự tính và CEO Tim Cook đổ lỗi cho thị trường Trung Quốc bên cạnh các yếu tố như chi phí thay pin thấp hơn khiến người dùng không muốn nâng cấp iPhone. Trong khi đó, các hãng bán lẻ Trung Quốc bắt đầu giảm giá mạnh iPhone, còn Apple cũng chạy chương trình hấp dẫn cho người dùng đổi iPhone cũ lấy mới. Những nỗ lực đó có thể làm dịu bớt tiêu cực mà doanh số iPhone mang lại nhưng là lời khẳng định những ngày tăng trưởng mạnh mẽ của iPhone đã chấm hết.
Đó là lý do vì sao Apple chuyển hướng để “bòn tiền” từ mỗi người dùng iPhone hiện tại càng nhiều càng tốt. Công ty không còn công bố số lượng iPhone bán ra mà thay vào đó tập trung thuyết phục khách hàng chi tiền cho dịch vụ như iCloud, Apple Music. CEO Tim Cook cũng tiết lộ công ty sẽ ra mắt các dịch vụ mới năm nay.
Dù vậy, nền tảng người dùng của Apple có lẽ không thể tăng mạnh nữa. Dù có hơn 1 tỷ thiết bị đã được kích hoạt, nhiều người lại sở hữu nhiều thiết bị và một thuê bao Music hay iCloud lại có thể đồng thời dùng trên nhiều máy. Do đó, Apple cần trợ giúp. Amazon Alexa có thể quản lý Apple Music, Samsung thuyết phục Apple viết ứng dụng iTunes TV dựa trên nền tảng Tizen. Các tivi Sony mới chạy Android nên bạn có thể dùng Siri để điều khiển phần mềm Google.
Đó mới chỉ là khởi đầu. Sẽ không quá đáng khi nghĩ đến một ngày dịch vụ Apple xuất hiện trên nhiều nền tảng khác như loa Google Home, Roku hay Amazon FireTV. Đây là chiến lược đòi hỏi Apple phải từ bỏ một vài cấp độ kiểm soát.
Hãy nghĩ về Netflix. Vài năm trước, khi công ty đang chuyển từ DVD sang video theo yêu cầu, họ cân nhắc sản xuất set-top box riêng cho tivi nhưng đã dẹp bỏ kế hoạch sau khi nhận ra cách tốt nhất để Netflix đến với mọi người là biến nó thành dịch vụ có mặt trên mọi thứ. Quyết định đã được đền đáp khi gần như mọi thiết bị ngày nay đều hỗ trợ ứng dụng Netflix. Chiến lược đã giúp công ty có được gần 140 triệu thuê bao trên toàn cầu và giá trị thị trường 147 tỷ USD.
Apple cũng đang tìm kiếm cơ hội khi đưa các ứng dụng như iTunes lên thiết bị đối thủ. Năm 2003, iTunes có mặt trên Windows, giúp nó trở thành kho nhạc kỹ thuật số hàng đầu thế giới. Thời điểm đó, Apple muốn bán nhiều iPod hơn và để điều này xảy ra, iTunes cần hiện diện trên hệ điều hành phổ biến nhất.
Apple Music cũng có trên Android vài năm trước nhưng kết quả không rõ ràng. Dịch vụ có khoảng 50 triệu thuê bao nhưng phần lớn là người dùng iPhone do Apple Music được tải sẵn trên mọi thiết bị Apple.
Ngày nay, mọi thứ rất khác biệt. Dù còn nhiều cơ hội để Apple tiếp tục tăng doanh thu dịch vụ từ nền tảng thiết bị sẵn có, chừng ấy là chưa đủ. Có hàng trăm tivi thông minh, set-top box, loa thông minh từ các đối thủ của Apple. Tháng này, Amazon tuyên bố đã bán được 100 triệu thiết bị Alexa, còn Google úp mở đạt tăng trưởng ấn tượng với Google Assistant. Nếu thực sự muốn tăng trưởng dịch vụ, "khu vườn khép kín" của Apple cần phải mở nhiều hơn nữa.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu