Không quân Ấn Độ sẵn sàng “chiến tranh tổng lực” với Trung Quốc
Phú Lộc
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa New Delhi và Bắc Kinh tại khu
vực biên giới, Không quân Ấn Độ cho biết đã chuẩn bị cho mọi xung đột,
kể cả một cuộc chiến tranh tổng lực, Indian Today dẫn lời Tư lệnh Không quân Ấn Độ tuyên bố.
"Chúng tôi sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào. Căng thẳng ở khu vực biên giới vẫn đang tiếp diễn, các giải pháp ngoại giao đang được xem xét", Tư lệnh Không quân Ấn Độ Birender Singh Dhanoa nói với Indian Today hôm 26/7.
Tư lệnh Dhanoa cho biết mặc dù thiếu hụt chiến đấu cơ, Không quân Ấn Độ vẫn sẵn sàng tham gia "một cuộc chiến tổng lực", hoặc chiến đấu ở hai mặt trận. "Cuộc chiến tổng lực cần số lượng phi đội nhất định, điều mà chúng tôi không có vào lúc này. Chính phủ Ấn Độ nắm rõ về tình hình thiếu hụt này", ông Dhanoa nói.
Tên lửa BrahMos có cả phiên bản phóng từ trên không, trang bị trên chiến đấu cơ Su-30
Tên lửa BrahMos của Ấn Độ cực kỳ uy lực
Với việc chính phủ Ấn Độ mới đây ký hợp đồng mua các chiến đấu cơ Rafale của Pháp, Tư lệnh Dhanoa tin rằng tình trạng thiếu hụt máy bay chiến đấu của Không quân Ấn Độ sẽ sớm được giải quyết.
Căng thẳng xuất hiện vào giữa tháng 6/2017 khi Ấn Độ ngăn cản Trung Quốc xây dựng một con đường đi qua cao nguyên Doklam theo cách gọi của Ấn Độ hay Donglang theo cách gọi của Trung Quốc.
Báo chí Ấn Độ trích dẫn nguồn tin quân đội cho biết khoảng 3.000 binh sĩ được triển khai mỗi bên trong cuộc đối đầu gần như trực diện ở khu tam giác hẻo lánh của Sikkim, Tây Tạng và Bhutan trong mấy tuần qua.
Giới quan sát nhận thấy căng thẳng Ấn-Trung càng lúc càng gia tăng do tranh chấp biên giới trên bộ dường như không có lối thoát trước mắt. Hôm 18/7, tờ Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc đe dọa rằng Bắc Kinh có thể tiến hành một cuộc chiến tranh tổng lực dọc biên giới hai nước dài khoảng 4.000km, gọi là Đường Kiểm soát thực tế LAC, chạy dài từ Ladakh tới Kashmir ở phía bắc cho đến Arunachal Pradesh và Sikkim ở phía đông.
Thực tế, đây là cuộc đối đầu kéo dài nhất giữa hai quốc gia kể từ khi xảy ra vụ tranh chấp biên giới dẫn đến cuộc chiến tranh năm 1962 mà Trung Quốc giành lợi thế.
Ông Ashok Malik, nhà phân tích thuộc viện nghiên cứu Observer Research Foundation ở New Delhi nhận thấy, Trung Quốc vẫn cố kìm hãm ảnh hưởng của Ấn Độ ở Nam Á và hai bên thường xuyên căng thẳng nhưng tranh chấp vũ trang không hẳn là sẽ bùng lên.
Tuy nhiên theo ông Michael Kugelman, phó giám đốc Chương Trình Châu Á, trung tâm nghiên cứu Wilson Center thì lần này nghiêm trọng hơn. Trong thời gian qua, hai bên đều đã đổ thêm quân vào khu vực và không phía nào có dấu hiệu nhượng bộ.