Theo báo chí, cuộc tập trận Malabar dự kiến kéo dài 10 ngày, với nội dung quan trọng nhất là diễn tập kỹ thuật và chiến thuật chống tàu ngầm.
Tham gia cuộc tập trận là một lực lượng tàu chiến và máy bay hùng hậu chưa từng thấy từ trước đến nay. Lần đầu tiên, mỗi nước đều cử một chiếc tàu sân bay đến tham gia: Mỹ với siêu hàng không mẫu hạm nguyên tử USS Ronald Reagan, Ấn Độ với tàu sân bay INS Vikramaditya, thuộc lớp Kiev của Nga và Nhật Bản với khu trục hạm chở trực thăng JS Izumo, chiến hạm lớn nhất trong hạm đội nước này. Ngoài ba chiếc mẫu hạm kể trên, ba quốc gia đã phái ít nhất 14 chiến hạm và tàu ngầm tham gia tập trận.
Về phần Ấn Độ còn cho một máy bay tuần tra biển P8I tham gia tập trận để phối hợp với một máy bay săn ngầm P8A Poseidon của Mỹ, cùng với hai khinh hạm săn ngầm lớp Kamorta, loại tàu tàng hình săn ngầm đầu tiên do Ấn Độ sản xuất.
Các phương tiện được huy động đã nêu bật trọng tâm chống tàu ngầm của cuộc tập trận Malabar năm 2017. Ngoài các loại tàu chuyên săn ngầm, phi cơ tuần biển P8 cũng được trang bị phương tiện truy tìm, thậm chí tấn công tàu ngầm. Tàu trực thăng Izumo với khả năng chở 9 trực thăng mà chức năng chính là chống tàu ngầm.
Theo nhật báo Ấn Độ Times of India, nội dung chống tàu ngầm của cuộc tập trận Malabar 2017 đã được nhấn mạnh vào lúc hải quân Ấn Độ ghi nhận một sự tăng vọt khác thường của tàu chiến và tàu ngầm Trung Quốc trong vùng Ấn Độ Dương trong hai tháng vừa qua, cho thấy là Trung Quốc đang dồn sức vào nơi này sau khi gần như đã hoàn thành mục tiêu khống chế Biển Đông.
Giới quan sát ghi nhận Trung Quốc đã không che giấu thái độ quan ngại trước cuộc tập trận ba bên Mỹ-Ấn-Nhật. Tuần trước, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã nhấn mạnh rằng cuộc tập trận chung giữa hải quân ba nước Mỹ, Nhật, Ấn không nên có mục đích nhằm vào các quốc gia khác.