Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ chiều 3/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ngay ngày mai (tức hôm nay 4/3) sẽ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng về các giải pháp cấp bách thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phòng chống Covid-19 và đảm bảo an sinh xã hội.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chức năng tập hợp các ý kiến, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành chỉ thị. "Tinh thần chung là phải giao các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho các địa chỉ cụ thể để triển khai thực hiện ngay, không nói chung chung, không nói lòng vòng", người đứng đầu Chính phủ nói rõ.
Thủ tướng lưu ý các giải pháp trọng tâm là tiền tệ, tài khóa, thương mại, đầu tư, cải cách thủ tục hành chính; Tập trung hỗ trợ các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, trước hết cho du lịch, thương mại, dịch vụ, hàng không, xuất nhập khẩu những ngành này chịu tác động rất lớn.
"Hỗ trợ cho đối tượng bị thiệt hại do Covid-19 gây ra, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại, không phải là bao cấp cho sự yếu kém", ông nhấn mạnh. Cụ thể có 2 gói: Một gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ lãi suất thấp. Một gói hỗ trợ từ tài khóa như hoãn, giãn về tài chính ít nhất gần 30.000 tỷ.
"Chúng ta chưa gọi đây là gói kích thích kinh tế. Tinh thần là có hiệu lực ngay để hỗ trợ đến doanh nghiệp và người dân. Cấm tư tưởng xin, cho, không minh bạch", Thủ tướng chỉ đạo.
Trong khi đó, tại buổi gặp tổ chức cuộc họp với các tổ chức tín dụng (TCTD) về tăng cường triển khai các giải pháp của ngành ngân hàng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết các tổ chức tín dụng đang xây dựng chương trình hỗ trợ, gói tín dụng để tiếp tục đầu tư cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với tổng giá trị là 285.000 tỷ đồng trên toàn hệ thống.
Con số này, như vậy, đã cao hơn so với con số 250.000 tỷ đồng được đề cập tại hội nghị bàn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong dịch Covid-19 diễn ra ngày 2/3.
Theo đó, có hơn 10 ngân hàng tham gia chương trình này, bao gồm 4 ngân hàng TMCP Nhà nước. “Có đơn vị 100.000 tỷ đồng, có đơn vị 20.000 tỷ đồng, có bên 5.000 tỷ đồng…”, ông Hùng thông tin.
Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cũng cho biết thêm, mức lãi suất sẽ tùy thuộc vào tình hình cụ thể của khách hàng và đơn vị bị ảnh hưởng để căn cứ, không có mức cố định. Bình quân, các tổ chức tín dụng sẽ giảm 0,5-1% so với mặt bằng lãi suất trên thị trường./.