Khoản lỗ trăm tỷ của chủ Alma Resort Khánh Hòa

VietTimes – Kinh doanh dưới giá vốn, năm 2019, Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường lỗ thêm 168,78 tỷ đồng, nâng số lỗ lũy kế lên mức 313,2 tỷ đồng, chiếm gần 72% vốn chủ sở hữu.
Phối cảnh Khu nghỉ dưỡng Alma Resort Khánh Hòa (Nguồn: Alma)
Phối cảnh Khu nghỉ dưỡng Alma Resort Khánh Hòa (Nguồn: Alma)

Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường (Vịnh Thiên Đường) mà VietTimes đề cập là chủ đầu tư dự án Khu nghỉ dưỡng Alma tọa lạc tại ô số D7A2, khu du lịch phía Bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Dự án có quy mô khoảng 30 ha, gồm 196 biệt thự, 84 căn hộ cao cấp, 14 khu vực ẩm thực, 12 bể bơi hướng biển. Khu nghỉ dưỡng Alma được khởi công xây dựng vào năm 2014 và đi vào vận hành từ cuối năm 2019.

Theo dữ liệu của VietTimes, tính đến cuối năm ngoái, Công ty Vịnh Thiên Đường cũng bắt đầu ghi nhận hơn 4.036 tỷ đồng tài sản cố định (trước đó được ghi nhận là chi phí xây dựng cơ bản dở dang) liên quan đến dự án Alma.

Trong quá trình thực hiện dự án, nguồn thu không đủ bù đắp chi phí khiến Vịnh Thiên Đường chịu cảnh thua lỗ.

Chỉ riêng trong năm 2019, công ty ghi nhận doanh thu đạt 19,7 tỷ đồng trong khi giá vốn hàng bán lên tới 58,4 tỷ đồng. Tình trạng kinh doanh dưới giá vốn khiến chủ đầu tư dự án Alma báo lỗ gộp 38,7 tỷ đồng.

Tính thêm cả các chi phí chiếm tỷ trọng lớn như chi phí lãi vay (67,9 tỷ đồng) và chi phí quản lý doanh nghiệp (81,9 tỷ đồng), Công ty Vịnh Thiên Đường báo lỗ sau thuế 168,7 tỷ đồng.

Khoản lỗ của năm 2019 nâng mức lỗ lũy kế của công ty lên mức 313,2 tỷ đồng, tương đương gần 72% vốn chủ sở hữu.

Tính đến ngày 31/12/2019, tổng nguồn vốn của Vịnh Thiên Đường đạt 6.425,3 tỷ đồng, tăng 1,9 lần so với cuối năm 2018.

Chiếm tỷ trọng lớn và cũng đóng góp chủ yếu vào sự gia tăng quy mô nguồn vốn là khoản doanh thu chưa thực hiện dài hạn có giá trị đạt 4.406,5 tỷ đồng. Vịnh Thiên Đường cho biết đây chủ yếu là người mua trả tiền trước dài hạn bao gồm tiền nhận trước theo tiến độ từ khách hàng mua “quyền sở hữu kỳ nghỉ”.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Vịnh Thiên Đường được thành lập từ tháng 2/2013 với số vốn điều lệ ban đầu là 105 tỷ đồng. Hiện, công ty đã tăng vốn lên mức 426,8 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông lớn nhất là Elgin Investments Pte Ltd (Elgin) với tỷ lệ sở hữu 98,77%. Số cổ phần còn lại do một cổ đông cá nhân trong nước là ông Dương Tuấn Anh nắm giữ.

Elgin được thành lập tại Singapore, do Blenheim Properties Group Ltd – một công ty thành lập ở “thiên đường thuế” Bristish Virgin Islands – sở hữu 88% vốn điều lệ và nắm quyền kiểm soát.

Năm 2019, Elgin còn cho Vịnh Thiên Đường vay ngắn hạn. Khoản vay không có tài sản đảm bảo và không có lãi suất với số dư tới cuối năm là 24,97 triệu USD. Theo phụ lục hợp đồng đề ngày 23/6/2020, khoản vay sẽ có kỳ hạn mới là 36 tháng kể từ ngày giải ngân và có lãi suất 5% kể từ ngày 1/1/2020.

Ngoài các nguồn kể trên, trong năm 2019, Vịnh Thiên Đường còn huy động thêm 133,4 tỷ đồng qua kênh trái phiếu. Số trái phiếu này có kỳ hạn 12 tháng, lãi suất cổ định 11%/năm và được bảo đảm bằng tài sản và vật kiến trúc của khu nghỉ dưỡng Alma.

Đầu năm 2020, công ty tiếp tục huy động được thêm 166 tỷ đồng qua kênh trái phiếu với nhiều đặc điểm tương tự. Kết quả phát hành cho thấy có 73 nhà đầu tư mua vào lô trái phiếu này, trong đó có tới 72 nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 99,8% số dư trái phiếu phát hành.

Thương vụ được thu xếp bởi CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) và Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) – Chi nhánh Sở Giao Dịch./.