Khi Robinhood 'cướp nghèo giúp giàu'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Robinhood là một ứng dụng mua bán cổ phiếu nổi đình đám kể từ năm 2018 trở lại đây. Từ 1 triệu người sử dụng năm 2016, ứng dụng này đã có được 13 triệu người sử dụng trong năm 2020.
Khi Robinhood 'cướp nghèo giúp giàu'
Khi Robinhood 'cướp nghèo giúp giàu'

Đây là một ứng dụng có tham vọng “mở cánh cửa vào thị trường nhà đầu tư siêu nhỏ” (micro-investor market) như đồng sáng lập Công ty Baiju Bhatt bày tỏ. Đó là tham vọng kiếm tiền của họ: mở cửa một thị trường mới của một lớp nhà đầu tư có chút ít tiền. Còn cách mà họ quảng bá nó thì thật hấp dẫn với thông điệp “dân chủ hóa thế giới tài chính cho tất cả mọi người” thể hiện ngay trên dòng giới thiệu tài khoản Twitter của công ty.

Từ cách đặt tên ứng dụng cho đến thông điệp cho công chúng, Robinhood gây cho người ta cảm giác họ là những người hùng trong bóng tối, cướp giàu giúp nghèo, đối đầu với các thế lực chèn ép người nghèo trong giới tài chính như trong truyền thuyết về chàng Robinhood trong văn học phương Tây.

Có một phần nào đó là sự thật. Trước khi Robinhood ra đời, những người mua bán cổ phiếu sẽ phải trả một khoản phí giao dịch (5-10 đô la Mỹ cho mỗi giao dịch mua hoặc bán), kèm theo đó là một số phí quản lý tài khoản thường niên). Bản thân người viết vẫn đang phải trả một khoản phí như vậy cho một vài công ty môi giới của mình.

Ngoài ra, một số công ty còn quy định khoản tiền đầu tư tối thiểu, có nơi thấp thì 500 đô la, có nơi cao thì 2.000 đô la. Không phải nhà đầu tư siêu nhỏ nào cũng có tiền mặt nhàn rỗi 2.000 đô la Mỹ để đầu tư (điều hơi đáng ngạc nhiên nhưng là sự thật - không nhiều “dân Tây” có 2.000 đô la Mỹ tiền mặt nhàn rỗi để đầu tư dài hạn như người ta tưởng).

Vì vậy, sự xuất hiện của Robinhood đã tạo ra một làn sóng tham gia đầu tư cổ phiếu, mua bán các sản phẩm hợp đồng hoán đổi giá trị (CFD), thậm chí là sản phẩm phái sinh như quyền chọn trên mạng mà không cần “vé vào cửa” đắt đỏ. Mà sự thật là ứng dụng của các nhà cung cấp phương tiện đầu tư giá rẻ như Robinhood rất tiện dụng, thân thiện so với ứng dụng trên điện thoại của nhiều công ty môi giới mà tôi trả phí rất mắc mỗi năm.

Mô hình này của Robinhood tạo ra một suy nghĩ cho một bộ phận nhà đầu tư mới tham gia cuộc chơi chứng khoán, trong đó có rất nhiều bạn trẻ rằng: chơi chứng khoán, kể cả chứng khoán phái sinh, cũng dễ như chơi trò chơi điện tử trên máy tính hay máy điện thoại của các bạn thôi.

Thế nhưng sự thật thì mô hình kinh doanh của Robinhood lại ít hào nhoáng hơn như vậy. Và trong tuần lễ cuối tháng 1-2021, những mặt tối của mô hình này được phơi bày rõ ràng hơn qua cuộc nổi dậy của những “nhà đầu tư Reddit” và mức tăng giá không thể tưởng tượng nổi của cổ phiếu một công ty đang thua lỗ triền miên là GameStop.

GameStop, Robinhood và những nhà đầu tư Reddit

Trước tiên là giải thích sơ qua vài cái tên và câu chuyện. Nhà đầu tư Reddit là cách mà truyền thông gọi những nhà đầu tư cá nhân trao đổi với nhau qua mạng xã hội Reddit, một dạng forum truyền thống như trang webtretho đình đám ở Việt Nam vậy.

Đó là tham vọng kiếm tiền của họ: mở cửa một thị trường mới của một lớp nhà đầu tư có chút ít tiền. Còn cách mà họ quảng bá nó thì thật hấp dẫn với thông điệp “dân chủ hóa thế giới tài chính cho tất cả mọi người” thể hiện ngay trên dòng giới thiệu tài khoản Twitter của công ty.

Vì nhiều lý do, trong đó có một lý do nổi bật là một vài người trên mục “tám” chuyện đầu tư “wallstreetbets” của Reddit phát hiện ra là công ty GameStop đang bị bán khống tới... 140% số cổ phiếu đang lưu hành (nghĩa là người ta không chỉ thực hiện nghiệp vụ “mượn” cổ phiếu để bán khống một lần, mà đang mượn rồi bán khống tới mấy lần). Một số chuyên gia bình luận chuyên nghiệp cũng bức xúc trên CNBC là lần này các tay bán khống GameStop cũng đã chơi “quá đáng”.

Chính vì vậy, người ta mới rủ nhau trên Reddit là nếu họ hùa vào mua cổ phiếu của GameStop và đẩy giá GameStop lên cao, các quỹ đầu tư bán khống GameStop sẽ bị lỗ nặng và sẽ buộc phải tranh mua lại cổ phiếu GameStop.

Với hơn 140% cổ phiếu đang lưu hành của GameStop đang bị bán khống, đây sẽ là một đợt “ép chết các nhà bán khống” (short-squeeze) lớn. Kết quả thì như nhiều người đã biết, cổ phiếu GameStop tăng từ 40 đô la Mỹ lên 365 đô la Mỹ trong tuần cuối tháng 1-2021, và khiến cho một số quỹ đầu tư tỉ đô như Melvin Capital phải đóng vị thế bán khống lại và báo lỗ 53% tổng tài sản chỉ trong tháng 1-2021 (xem thêm câu chuyện Nghiệp dư đấu với chuyên nghiệp trên TBKTSG Online).

Robinhood đúng ra đóng vai trò môi giới thôi thì phải trung lập, nhận lệnh mua, lệnh bán của nhà đầu tư, và cứ thế thi hành lệnh thôi. Thế là họ sẽ yên ổn kiếm tiền và chẳng có chuyện gì. Nhưng vào ngày 28-1, Robinhood lại thông báo rằng họ hạn chế không cho nhà đầu tư siêu nhỏ trên sàn giao dịch của mình mua cổ phiếu GameStop, mà chỉ được... bán cổ phiếu này thôi.

Điều này tạo ra một làn sóng phản đối dữ dội của nhà đầu tư nhỏ sử dụng ứng dụng của Robinhood và họ tố cáo Robinhood đã phản bội họ, đứng về phía bọn “cá mập” (chỉ các quỹ đầu tư tỷ đô đang bán khống GameStop) kia. Dường như người hùng Robinhood sau khi lừa họ nhập bọn đã quay ra cưới người nghèo giúp người giàu rồi chăng?

Khi người hùng hiện nguyên hình là một tay môi giới cò con

Nếu tìm hiểu kỹ mô hình kinh doanh của Robinhood, chúng ta sẽ hiểu là thật ra đây là điều có thể đoán trước. Cụ thể là phải xem Robinhood kiếm tiền như thế nào? Một dòng doanh thu chính của Robinhood đến từ việc làm môi giới chuyển các lệnh của khách hàng đặt trên ứng dụng qua cho một công ty thực sự đóng vai trò thực thi lệnh. Có nghĩa là Robinhood chỉ là một “cò con” đi chuyển tiền cho một “đầu nậu” chính trong một tổ chức thanh toán mua bán cổ phiếu (còn gọi là các trung tâm thanh toán - clearing house), có thể hiểu là các “nhà cái” nhận lệnh lớn.

Các trung tâm thanh toán, hay “nhà cái” này, xử lý hàng trăm triệu lệnh mua bán như vậy mỗi ngày, và họ kiếm tiền nhờ ăn chênh lệch vài xu, thậm chí vài phần trăm xu giữa giá nhà đầu tư giao dịch trên Robinhood với giá thực sự thực thi của mỗi lệnh. Chỉ chút ít tiền như vậy thôi, nhưng mỗi ngày mấy triệu đến mấy trăm triệu lệnh thì quả là lợi nhuận khổng lồ.

Tuy nhiên, hoạt động thanh toán đó cũng có rủi ro, đặc biệt với những cổ phiếu biến động quá lớn như GameStop. Vì vậy, các trung tâm thanh toán này sẽ buộc các “cò nhỏ” như Robinhood phải đặt tiền “thế chân”, đề phòng trường hợp các nhà đầu tư qua Robinhood thua sạch tiền không còn đủ tiền mặt nộp vào để thực thi lệnh.

Trong trường hợp của GameStop, CEO và nhà đồng sáng lập của Robinhood giải thích là họ bị đòi tiền “thế chân” gấp 10 lần so với bình thường. Theo Bloomberg, ban đầu một chi nhánh của trung tâm thanh toán, National Securities Clearing Corp, đã đòi Robinhood phải nộp 3 tỉ đô la tiền ký quỹ, sau đó giảm xuống 700 triệu đô la. Nhiều người đoán rằng số tiền ký quỹ được giảm đi là do Robinhood đã quyết định không cho nhà đầu tư được mua cổ phiếu GameStop nữa.

Có thể hình dung vụ việc này như một trung tâm thanh toán cá cược lớn chuyên nhận cá cược từ đủ các bạn “cò” nhỏ mà Robinhood là một trong số đó. Nay khách hàng của “cò nhỏ” Robinhood cược vào những ván cược quá rủi ro, khiến “đầu nậu” lớn buộc Robinhood phải đóng tiền “thế chân” gấp 10 lần thì mới nhận cược. Để giảm tiền thế chân phải đóng, Robinhood quyết định đóng lại cửa cược đó.

Thế nhưng, vấn đề gây tranh cãi là nhiều người cho rằng Robinhood chỉ “lo thân mình trước”, dụ khách vào chơi rồi thì đóng cửa nhận lệnh mua lên, chỉ mở cửa nhận lệnh bán xuống (không bị đòi tiền thế chân cao). Nghĩa là họ ưu tiên lợi nhuận của công ty mình trước, chứ không có chăm lo gì cho khách hàng cả.

Người hùng Robinhood muốn “dân chủ hóa thế giới tài chính cho tất cả mọi người” bây giờ hiện nguyên hình chỉ là một tay cò môi giới con con, dụ nhà đầu tư siêu nhỏ vào một cuộc chơi mới. Mà thật ra ngay từ đầu, đồng sáng lập công ty đã ngầm thừa nhận rồi đó, là họ chỉ là muốn tìm cách mở ra một ngách thị trường mới - thị trường các nhà đầu tư siêu nhỏ thôi mà. Chỉ là qua thời gian, người ta quên dần và tung hô Robinhood dưới những cái tên thời thượng như “công ty FinTech tỉ đô” hay là kẻ phá bĩnh, dân chủ hóa thế giới tài chính gì đó thôi.

Về bản chất, cách gọi tên chính thức định chế tài chính trung gian cũng đã khẳng định rằng dù là ngân hàng lớn, hay những tổ chức FinTech phủ lên mình bộ áo của tên cướp giàu giúp nghèo, thì cũng chỉ là những nhà môi giới mà thôi. Chẳng qua để thâm nhập vào thị trường những nhà đầu tư siêu nhỏ, họ cần một chiếc áo khác mà thôi. Họ không ăn mặc như những ông chủ ngân hàng mặc áo vest sang trọng, tạo cảm giác xa lạ và ác cảm với những nhà đầu tư nhỏ. Cái mác Robinhood chống lại người giàu dễ được chấp nhận hơn.

Một cách nào đó, Robinhood và những ứng dụng tương tự như Revolut, Etoro, Interactive Brokers đã thành công khai phá một mảng thị trường mới trong đầu tư tài chính, tạo ra doanh thu mới cho các trung tâm thanh toán và các đại công ty tài chính như Citadel.

Chỉ là khi mở ra mảng thị trường nhà đầu tư siêu nhỏ này, họ có thể cũng đã mở ra một chiếc hộp Pandora. Nhà đầu tư siêu nhỏ, với tất cả những đặc tính tốt và xấu của họ, sẽ ở lại với thị trường tài chính và trở thành một cấu thành mới của thị trường.

Và Robinhood vẫn làm một số người giàu lên, dù một số đông nghèo đi

Những thông tin vào ngày giao dịch đầu tiên của tháng 2 đầy tương phản.

Người hùng Robinhood muốn “dân chủ hóa thế giới tài chính cho tất cả mọi người” bây giờ hiện nguyên hình chỉ là một tay cò môi giới con con, dụ nhà đầu tư siêu nhỏ vào một cuộc chơi mới.

Giá cổ phiếu GameStop tuột từ 325 đô la Mỹ xuống 225 đô la Mỹ, và những giao dịch sau khi thị trường chính đóng cửa đã cho thấy mức giá 180 đô la Mỹ.

Cơ bản, trong một ngày, những nhà đầu tư mua vào ở giá hơn 300 đô la Mỹ để hưởng ứng lời kêu gọi “giữ cổ phiếu chứ không bán” trên Reddit, có thể đã lỗ hơn 50% tiền (và có thể là mất sạch nếu họ mua các quyền chọn).

Trong khi đó, một số người nhanh tay kịp thoát ra khỏi GameStop vào tuần trước đó đã trở thành triệu phú qua đêm, và giới đầu tư chuyên nghiệp đồn với nhau là có một vài quỹ đầu tư đã âm thầm trợ giúp các nhà đầu tư nhỏ rồi nhanh chóng tháo lui trước khi đóng cửa ngày giao dịch cuối cùng của tháng 1. Ai đảm bảo trong các tài khoản ẩn danh trên Reddit không có một vài người của các quỹ đầu tư trà trộn và kích thích đám đông?

Ở một mặt khác, bất chấp ai lời ai lỗ, Robinhood tiếp tục mượn việc thiếu vốn ký quỹ để huy động thêm hơn 3 tỉ đô la Mỹ từ các nhà đầu tư giàu có, trong đó có các quỹ nổi tiếng với giới đầu tư mạo hiểm như Ribbit Capital, Iconiq Capital và Sequoia Capital.

Nghĩa là các nhà tài phiệt đang tiếp tục “châm vốn” cho Robinhood. Các nhà đầu tư này cũng không phải ngu ngơ gì đâu. Robinhood đang dự kiến tiến hành phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) ra công chúng vào tháng 5 năm nay (nhưng có thể sẽ bị trì hoãn sau vụ lộn xộn lần này).

Số tiền đầu tư 3 tỉ đô la này đang định giá Robinhood khoảng 30 tỉ đô la. Tháng 9 năm ngoái, Robinhood đã gọi vốn với mức định giá hơn 11 tỉ đô la. Nghĩa là mới vài tháng mà những nhà đầu tư hồi tháng 9 đã lời gần gấp ba so với những người mới bỏ tiền vào.

Vì đâu mà người ta tin vào Robinhood như vậy? Bloomberg và CNBC vừa công bố rằng số lượt tải về ứng dụng của Robinhood lại tăng thêm 600.000/ngày, ngay trong ngày thứ Sáu 29-1, tức là một ngày sau khi Robinhood hạn chế không cho khách hàng mua cổ phiếu GameStop nữa, mà chỉ được bán cổ phiếu.

Hình như càng nhiều tin giật gân thì người ta lại càng nổi tiếng và càng dễ kiếm tiền. Hãy nghe Micky Malka, quản lý quỹ Ribbit vừa bơm tiền cho Robinhood nói: “Chúng tôi tin rằng Robinhood sẽ trở nên lớn mạnh hơn nữa sau khi vượt qua giai đoạn phát triển và đối mặt với nhu cầu giao dịch chưa từng thấy này”.

Có lẽ ông ta đúng. Khi Robinhood làm xong IPO, các nhà đầu tư giàu có đã cấp vốn cho Robinhood từ trước sẽ giàu lên nhiều nữa. Và khi đó người đẩy giá cổ phiếu Robinhood có thể là chính những khách hàng siêu nhỏ của ứng dụng này chứ ai nữa.

Một đồng nghiệp của người viết rất ghét Robinhood sau khi quan sát cả vụ việc này. Nhưng anh nói anh sẽ mua cổ phiếu Robinhood nếu nó lên sàn, vì “nó giỏi kiếm tiền của mấy nhà đầu tư nhỏ”.

(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh

Theo TBKTSG