Kế hoạch lãi nghìn tỷ năm 2015, Eximbank đang chờ đợi "phép màu" đến từ Nam Á?

Kết quả kinh doanh 2014 khá bi quan và phủ một màu u ám, nhưng Eximbank lại đang vẽ nên một triển vọng tươi sáng ở năm 2015 với lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – EIB) vừa công bố tài liệu chuẩn bị cho Đại hội cổ đông thường niên 2015 diễn ra ngày 22/4/2015 tới đây.

Kết quả 2014 thê thảm

Năm 2014, Eximbank đạt tổng tài sản 161 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 5% so với năm 2013. Huy động vốn tăng 22,7% đạt hơn 101 nghìn tỷ đồng; tín dụng tăng trưởng 10,7% đạt gần 98 nghìn tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay hơn 87 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% so với 2013. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 2,46% trên tổng dư nợ với 2.144 tỷ đồng nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5.

Lợi nhuận trước thuế cả năm chỉ đạt vỏn vẹn 69 tỷ đồng, bằng chưa đến 4% so với kế hoạch được đại hội cổ đông 2014 thông qua. Trong đó quý 4 ngân hàng lỗ 678 tỷ đồng, xóa tan gần như mọi nỗ lực của 3 quý trước đó và là quý có kết quả kinh doanh thê thảm nhất kể từ khi ngân hàng này lên sàn chứng khoán tới nay.

Eximbank cho biết, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của NHNN nên Eximbank phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, tăng năng lực tài chính và chất lượng tài sản dẫn đến lợi nhuận thấp. Theo báo cáo tài chính thì khoản dự phòng năm 2014 đã tăng gấp 3 lần so với 2013.

Đồng thời, Eximbank cũng không chia cổ tức cho cổ đông vì "phải thực hiện theo thông báo của NHNN" (thông báo ngày 25/3/2015).

Kỳ vọng phép màu 2015?

Kết quả kinh doanh 2014 khá bi quan và phủ một màu u ám, nhưng Eximbank lại đang vẽ nên một triển vọng tươi sáng ở năm 2015 với lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng. Tổng tài sản cũng dự định tăng 12% lên 180 nghìn tỷ; huy động vốn tăng 24%; tín dụng tăng 11% và cổ tức dự kiến ở mức 4,8%.

Trong năm 2011 và 2012, Eximbank luôn nằm trong top đầu ngân hàng có lợi nhuận cao nhất, nhưng tình hình bắt đầu đi xuống thê thảm từ 2013 và rớt xuống vực thẳm vào quý 4/2014 khi lỗ 678 tỷ đồng. Cùng với những con số xấu về kết quả kinh doanh, thị trường cũng xuất hiện thông tin về việc sáp nhập Eximbank với ngân hàng khác, cụ thể là Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank). Nam A Bank là ngân hàng nhỏ, với tổng tài sản chỉ hơn 33 nghìn tỷ đồng, nhưng lại được cho là bên nhận sáp nhập!

Tin đồn về Nam A Bank và Eximbank phần nào được sáng tỏ khi gần đây, hai "trụ cột" của Nam Á là ông Trần Ngô Phúc Vũ (người vừa thôi nhiệm chức Tổng giám đốc cách đây 1 tuần) và ông Trần Ngọc Tâm (cũng mới thôi nhiệm chức Phó Tổng giám đốc) nằm trong danh sách ứng cử vào Hội đồng quản trị Eximbank nhiệm kỳ 2015 - 2019. Thông tin từ Eximbank cho biết, ông Tâm và ông Vũ đại diện cho hơn 20% cổ phần có quyền biểu quyết ở Eximbank để ứng cử nhiệm kỳ này.

Về điều hành Nam A Bank từ tháng 4/2013, ông Trần Ngô Phúc Vũ được đánh giá là đã "thổi một luồng sinh khí mới" vào ngân hàng bằng cách điều hành, quản trị vừa mang tầm lại vừa có tâm. Hình ảnh Nam A Bank đã thay đổi rõ rệt trong 2 năm qua, từ một ngân hàng nhỏ bé và ít được chú ý, nay trở nên lớn mạnh hơn với một hình ảnh hoàn toàn mới, hệ thống mạng lưới phủ rộng, nhân sự tăng mạnh. Trước khi về Nam Á, ông Trần Ngô Phúc Vũ đã công tác ở Sacombank dưới thời nguyên chủ tịch Đặng Văn Thành, đảm nhiệm vị trí Giám đốc Sacombank khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Ông Trần Ngọc Tâm, người đã có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, cũng được đánh giá cao không kém và được coi là "cánh tay phải đắc lực" của ông Phúc Vũ.

Năm 2014, Nam A Bank đạt lợi nhuận hơn 243 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với của Eximbank, các chỉ tiêu khác cũng đều tăng mạnh và vượt kế hoạch. Cổ đông của ngân hàng này cũng được thống nhất chia cổ tức tỷ lệ 7%.

Với những gì đã làm được ở Nam Á, nhiều ý kiến cho rằng sự góp mặt của hai trụ cột ngân hàng này tại Eximbank nhiệm kỳ tới sẽ giúp Eximbank thay đổi và sớm khởi sắc trở lại.

Theo trí thức trẻ