Kế hoạch của Mỹ là duy trì 100.000 binh sĩ ở Đông Âu trong tương lai gần, thậm chí có thể tăng thêm số lượng nếu như họ nhận thấy mối đe dọa từ Nga đối với NATO hoặc 2 thành viên có khả năng được kết nạp là Thụy Điển và Phần Lan, một số quan chức nói với CNN.
Nếu NATO tổ chức thêm các cuộc tập trận trong khu vực này hay có thay đổi về “môi trường an ninh”, Mỹ có thể điều thêm binh sĩ hoặc thậm chí xây thêm các căn cứ quân sự mới trong khu vực, các quan chức trên cho hay. Kế hoạch này hiện đang được xem xét, sau khi diễn ra một cuộc họp các tướng lĩnh quân đội NATO hôm 19/5 ở Brussels, và họ sẽ đưa ra kế hoạch trong cuộc gặp các Bộ trưởng Quốc phòng của khối trong tháng tới. Lãnh đạo các nước NATO sau đó sẽ gặp gỡ ở Madrid trong tháng 6.
Mặc dù Thụy Điển và Phần Lan đã đệ đơn xin gia nhập NATO, nhưng Mỹ vẫn chưa cam kết điều thêm binh sĩ tới bảo vệ các nước này, mặc dù bất kỳ hành động triển khai vũ khí nào của Nga cũng có thể khiến Mỹ điều thêm quân. Tuy nhiên, một số nước thành viên NATO đã nhất trí hỗ trợ các nước đang trong quá trình gia nhập NATO.
Mỹ đã nâng số lượng binh sĩ đồn trú ở châu Âu lên 100.000 trong tháng 3, lần đầu tiên mà họ duy trì lượng binh sĩ nhiều như vậy ở lục địa này kể từ năm 2005. Bộ Tư lệnh Mỹ ở châu Âu, EUCOM, cho rằng “hành động hung hăng của Nga” đã buộc họ phải tăng số lượng binh sĩ. Phần lớn binh sĩ Mỹ đồn trú ở Ba Lan và Đức, tiếp đến là Italy và Anh. Các nước Baltic đã kêu gọi sự hiện diện của binh sĩ Mỹ nhiều hơn trong khu vực, trong bối cảnh xung đột Ukraine.
Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ có khoảng 60.000 binh sĩ đồn trú ở châu Âu. Trong khi Mỹ không chính thức triển khai binh sĩ tới Ukraine, nhưng Washington lại chi hàng tỉ USD viện trợ quân sự cho Kiev.