Kế hoạch chuyển sang năng lượng sạch của châu Âu: Vấn đề không chỉ ở 27.000 tỉ USD...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, số tiền mà châu Âu phải chi cho lĩnh vực năng lượng sạch có thể lên tới 27.000 tỉ USD. Số tiền khổng lồ này có thể dẫn đến một hệ quả khác, đó là 'lạm phát xanh'.
Ảnh minh họa: Getty
Ảnh minh họa: Getty

Cái nóng cực độ đang bao trùm phần lớn lãnh thổ Anh và châu Âu trong mùa hè năm nay, cho thấy sự cần thiết phải chuyển đổi sang năng lượng sạch và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Điều ít rõ ràng hơn ở đây là chi phí để chuyển dịch sang năng lượng sạch – và quyết định xem ai là bên chi tiền. Bản báo cáo mà Luke Templeman - chuyên gia phân tích của Deustch Bank, và nhà kinh tế học Eric Heymann đưa ra mới đây có thể giải quyết vấn đề này, hay ít nhất là đưa ra được luận điểm rằng sự chuyển dịch này sẽ dẫn tới tình trạng “lạm phát xanh” (Greenflation) trầm trọng và kéo dài.

Dựa trên định nghĩa của Deutsche Bank Research, “lạm phát xanh” có nghĩa là tình trạng nguyên vật liệu tăng giá, các chi phí liên quan, và các biện pháp quản lý liên quan tới các sản phẩm “xanh”, đi cùng với sự đồng thuận chung và các sáng kiến xanh của doanh nghiệp.

Templeman và Heymann tính toán rằng, “để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, số tiền cần phải chi cho năng lượng vào năm 2030 có thể gấp 3 lần quy mô tổng tài sản tăng lên trên bảng cân đối kế toán kể từ đại dịch Covid-19 của ngân hàng trung ương châu Âu và Mỹ cộng lại". Nói cách khác, số tiền đó khoảng 27 nghìn tỉ USD.

Tác động của lạm phát xanh sẽ có thể cảm nhận được ở nhiều cấp độ, từ các đường ống dẫn khí ga cho tới các ngân hàng trung ương.

“Các ngân hàng trung ương sẽ đóng vai trò chủ chốt hơn so với mọi người nghĩ trong việc đối phó với lạm phát xanh. Dù cho họ có muốn hay không", Templeman nói.

“Các ngân hàng trung ương sẽ là người đưa ra quyết định sau cùng, xem liệu có nên ưu tiên các công ty đi tiên phong trong chuyển đổi năng lượng xanh với nhiều sáng kiến hay không, và họ cũng đóng vai trò quan trọng trong trường hợp xảy ra tình trạng lạm phát có liên quan tới sự chuyển dịch này".

Và lạm phát xanh chính là thứ mà họ cần phải ngăn chặn sớm.

“Lạm phát xanh là không thể tránh khỏi,” báo cáo nêu rõ. “Trong ngắn hạn, nó sẽ gây ra tình trạng tăng giá. Khi chúng tôi nhìn xa hơn, càng có thêm nhiều các yếu tố gây lạm phát sẽ sản sinh từ chính sách khí hậu và các nhân tố ESG (môi trường, xã hội và quản lý) khác".

Nhưng một số nhân tố nhất định, bao gồm tiến bộ trong công nghệ, sẽ “ngăn chặn đà tăng giá, hoặc ít nhất là, xoa dịu nó bằng cách nào đó", báo cáo nêu.

Điều gì gây nên 'lạm phát xanh'?

Báo cáo này nhận diện một số yếu tố gây lạm phát xanh trong ngắn hạn, bao gồm chuyển dịch năng lượng và các sự kiện thời tiết cực đoan. Chi phí liên quan tới việc chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái sinh “có thể là nguyên nhân hàng đầu” gây lạm phát xanh.

Cũng góp phần gây nên lạm phát xanh là giá cả gia tăng của các kim loại, khoáng sản như đồng, nhôm, lithium – tất cả đều là thành phần quan trọng để sản xuất điện mặt trời, điện gió, xe hơi chạy điện và các loại công nghệ tái sinh khác. Các sản phẩm bền vững có thể yêu cầu nguyên liệu đầu vào đắt hơn so với các sản phẩm truyền thống, báo cáo viết.

Ví dụ, cần tới 3 triệu tấn khoáng sản và kim loại mới có thể sản sinh năng lượng gió, mặt trời, năng lượng địa nhiệt, và các công nghệ dự trữ năng lượng cần thiết để hạn chế mức tăng nóng lên toàn cầu dưới ngưỡng 2 độ C, theo các tác giả. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã từng cảnh báo về sự không cân xứng giữa các tham vọng khí hậu và sự sẵn có của các kim loại sử dụng trong năng lượng sạch.

Điều đó có nghĩa rằng các lĩnh vực khác sẽ cần phải cạnh tranh nhau để có được nguyên liệu thô sản xuất năng lượng xanh, từ đó gây sức ép giá. Ví dụ, chế tạo xe hơi chạy điện có thể sử dụng lượng khoáng sản – như đồng, lithium, kền, cobalt – cao gấp 6 lần so với xe động cơ đốt trong. Báo cáo nhấn mạnh rằng giá cả nhiều loại hàng hóa trong số này đã tăng do nhu cầu xe điện tăng.

Một nhân tố khác gây ra lạm phát xanh chính sự tập trung của chính quyền vào các mục tiêu bền vững.

“Chi phí thực thi và kiểm soát cũng gây ra lạm phát xanh,” các tác giả viết. “Nhiều công ty đang đưa ra cam kết và sáng kiến, trong khi các yêu cầu về minh bạch lớn hơn – hoặc bắt buộc hoặc tự nguyện – khiến họ cần phải thuê thêm nhân viên".

Ví dụ, số lượng công ty công khai rằng họ sử dụng nước nhiều hơn đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Thêm nữa, quy định về công khai thông tin liên quan tới khí hậu mà Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) đề xuất, nếu như được phê duyệt, sẽ đòi hỏi các công ty phải báo cáo về khí thải ở “Phạm vi 1” – tức khí thải phát sinh trực tiếp từ hoạt động của họ - và “Phạm vi 2” – khí thải gián tiếp từ việc mua điện năng hoặc các dạng năng lượng khác. Các công ty cũng sẽ được yêu cầu công khai khí thải ở “Phạm vi 3” – tất cả các loại khí thải gián tiếp liên quan tới hoạt động của họ, nếu đủ lớn.

“Các sáng kiến được coi là “Chén thánh”, như tính toán về khí thải Phạm vi 3, sẽ đòi hỏi sự tham gia của toàn bộ đội ngũ nhân viên trong một công ty cỡ lớn,” báo cáo nói.

Các sự kiện thời tiết cực đoan “có lẽ là nhân tố quan trọng nhất của lạm phát xanh” và tần suất của các sự kiện đó sẽ tăng lên trong tương lai gần, theo dự đoán của Deutsche Bank Research. Ví dụ như việc hạn hán sẽ ảnh hưởng tới mùa màng, làm tăng giá lương thực.

​​Các tác giả cũng cảnh báo rằng các cuộc chiến tranh, như cuộc chiến ở Ukraine, “không khác gì một dạng thời tiết cực đoan nghiêm trọng xét về tác động tiềm tàng của nó đối với giá lương thực". Những quan ngại về tình trạng khan nguồn cung thực phẩm đã tăng cao kể từ khi cuộc chiến này bắt đầu, do một lượng lớn nguồn cung phân bón, lúa mì và nhiều mặt hàng lương thực xuất khẩu khác bắt nguồn từ khu vực này.

Điều gì có thể giảm thiểu lạm phát xanh (?!). Các tác giả nhấn mạnh về một số nhân tố kết hợp với nhau, bao gồm bước tiến trong công nghệ giúp cho các dự án năng lượng tái sinh rẻ hơn so với các lựa chọn nhiên liệu hóa thạch.

Deutsche Bank Research cho hay, năng lượng tái sinh có thể có sức nặng lớn hơn đối với các chỉ số giá tiêu dùng trong tương lai. Hiện tại nó vẫn còn nhỏ, nhưng với sự chuyển dịch năng lượng mới chỉ hoàn thành dưới 10%, được đo bởi “tỷ lệ đầu tư năng lượng tích lũy cần có vào năm 2050, hiện đã diễn ra”, sức nặng đó “chắc chắn sẽ tăng”, theo báo cáo.

Điều đó có thể sớm hơn so với dự kiến. “Nhân tố chính ở đây là cách mà cuộc chiến của Nga ở Ukraine thúc đẩy tiến trình chuyển đổi sang năng lượng tái sinh, đặc biệt là ở châu Âu,” các tác giả nhấn mạnh./.

Theo Barron's