Theo truyền thông Nga, ban đầu 63 binh sĩ Nga đã thiệt mạng, chiến dịch giải cứu hiện tại vẫn đang tiếp tục và tổng số thương vong của quân đội Nga có thể vượt quá 110 người. Trong khi đó phía Ukraine thông báo con số lính Nga tử thương thực tế là 400 người. Mặc dù có sự khác biệt lớn trong số liệu thống kê, nhưng đây đã là thương vong tập thể lớn nhất của quân đội Nga kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine.
Câu hỏi đặt ra là tại sao quân đội Ukraine lại gây ra tổn thất lớn như vậy cho quân Nga trong cuộc tấn công kiểu tập kích này? Ngoài khả năng phòng thủ lỏng lẻo của phía Nga, mạng lưới tình báo của NATO đóng vai trò gì? Qua vụ tập kích này, giới quân sự các nước có thể rút ra bài học gì?
Có một số nguyên nhân khiến quân đội Nga bị thiệt hại nặng trong vụ tập kích này. Trước hết, binh lính đang đón giao thừa, phòng thủ tương đối lỏng lẻo, địa điểm bị tấn công là một trường kỹ thuật dạy nghề ở thành phố Makiivka, thuộc khu vực Donetsk do Nga kiểm soát, nơi thiếu các biện pháp an ninh như boongke. Thứ hai, có một số lượng lớn tân binh trong số những người lính bị tử thương lần này, và rõ ràng là không nên tổ chức các hoạt động đón giao thừa ở nơi gần mặt trận. Thứ ba, hệ thống phòng không của Nga vẫn rất sơ hở về an ninh, đối mặt với đòn tập kích của tên lửa HIMARS, khả năng chống trả không đủ, lần này quân đội Ukraine đã phóng tổng cộng 6 quả tên lửa, quân đội Nga chỉ đánh chặn được 2 quả.
Truyền thông Nga đưa tin về vụ tập kích hỏa lực bằng tên lửa HIMARS. |
Ngoài ra, cuộc đột kích này còn liên quan đến hệ thống tình báo của phía Ukraine, nói chính xác là mạng lưới tình báo hùng mạnh của NATO đóng vai trò rất quan trọng. Một vấn đề đáng kinh ngạc là kết quả điều tra sơ bộ của Nga cho thấy nguyên nhân vụ quân đội Nga bị tấn công lần này thực sự có liên quan đến việc binh lính Nga sử dụng điện thoại di động làm lộ bí mật! Qua điều tra được biết, những tân binh này đã tới tấp sử dụng điện thoại di động để gọi về nhà trong thời khắc giao thừa; các tín hiệu bất thường này đã bị hệ thống tình báo của NATO và quân đội Ukraine chặn bắt được, và vụ tập kích đã xảy ra.
Theo báo chí nước ngoài, còn có binh sĩ Nga đã chụp vài bức ảnh kỷ niệm tại cuộc liên hoan đón giao thừa ở trường học nơi đóng quân, sau đó đăng lên tài khoản cá nhân của mình trên mạng xã hội.
Kết quả là bức ảnh do người lính đăng lên đã được tình báo Ukraine (hay cơ quan tình báo NATO) phân tích để tìm ra địa điểm chụp, sau đó quân đội Ukraine đã dùng tên lửa HIMARS tấn công địa điểm này. Vì vậy, tổn thất nặng nề của quân đội Nga lần này có liên quan nhiều đến công tác bảo mật yếu kém của quân đội Nga.
Binh sĩ Nga tham gia "Chiến dịch Quân sự đặc biệt" ở Ukraine (Ảnh: QQ). |
Cuộc tấn công này cũng cảnh báo giới quân sự các nước rằng trong chiến tranh hiện đại, ngoài các điều kiện sát thương cứng như vũ khí tối tân và binh lính, còn có hai điều kiện sát thương mềm rất quan trọng, một là chiến tranh tình báo, hai là chiến tranh nhận thức.
Trước hết nói về chiến tranh tình báo. Kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine mà Nga gọi là “Chiến dịch Quân sự đặc biệt” nổ ra, NATO cho nhiều loại máy bay do thám thu thập thông tin tình báo xung quanh Ukraine, thường đó là các máy bay của quân đội Mỹ. Ví dụ, máy bay trinh sát E-8C của Mỹ có thể sử dụng radar có độ phân giải cao để chụp ảnh các động thái ở mặt đất mà không bị ảnh hưởng bởi các đám mây và có thể trực tiếp giám sát hoạt động của quân đội Nga trên mặt đất. Máy bay trinh sát RC-135V/W do Anh và Mỹ cùng vận hành mang theo hệ thống nghe trộm có thể nhanh chóng phát hiện radar và các nút thông tin liên lạc của quân đội Nga, thậm chí có thể trực tiếp giải mã mệnh lệnh chiến đấu điện tử của quân đội Nga.
Không chỉ lực lượng trinh sát trên không của NATO cung cấp thông tin tình báo chiến trường với độ chính xác cao giúp Ukraine mà một số lượng lớn các công ty vệ tinh thương mại ở phương Tây cũng nhúng tay vào cuộc xung đột Nga-Ukraine. Các công ty này liên tục cung cấp hỗ trợ tình báo cho Ukraine thông qua các vệ tinh thông tin và hình ảnh chụp từ vệ tinh. Ví dụ, một công ty công nghệ Mỹ cung cấp công nghệ nhận dạng khuôn mặt cho quân đội Ukraine. Thông tin hình ảnh thu được trên chiến trường được công ty này sử dụng để so sánh với 2 tỷ khuôn mặt từ mạng công cộng nhằm xác định ai là sĩ quan quân đội Nga và ai là người bị thương hoặc thiệt mạng trong trận chiến.
Nguyên nhân khiến xung đột Nga-Ukraine không nghiêng hẳn về một bên giống như thế giới bên ngoài dự báo là do tình báo chiến trường của NATO đóng vai trò rất quan trọng. Thậm chí có thể nói, hệ thống tình báo hùng mạnh của NATO đã lật nhào mọi phán đoán của thế giới bên ngoài. Trên chiến trường, các tổ hợp tên lửa phòng không của Ukraine đã nhiều lần bắn hạ máy bay chiến đấu hiện đại của Nga, các tuyến đường tiếp tế của quân đội Nga cũng thường xuyên bị quân đội Ukraine tấn công; đặc biệt gần đây các sân bay sâu trong nội địa Nga liên tiếp bị máy bay không người lái Ukraine tập kích, những lỗ hổng chết người của hệ thống phòng không Nga bộc lộ khiến thế giới bên ngoài rất bất ngờ. Đằng sau tất cả những điều tưởng như bất thường này, chính là hệ thống tình báo NATO đang phát huy uy lực của nó.
Ngoài ra, trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, phương Tây đã lợi dụng ưu thế dư luận của họ để mô tả Nga như một kẻ tội đồ ghê tởm bằng mọi cách có thể, thổi phồng tâm lý chống Nga trên toàn thế giới. Chiến tranh nhận thức dường như thuộc lĩnh vực phi chiến trường, nhưng so với "giết người" thì "giết lòng người" còn tàn khốc hơn. Các nước phương Tây cũng đang thâm nhập vào dư luận ở Nga, tìm cách làm tan rã ý chí của người Nga và gây rối loạn tư tưởng ở Nga. Xét từ góc độ này, chiến tranh nhận thức còn khó đối phó hơn chiến tranh tình báo. Thực tế cho thấy khống chế trí não còn quan trọng hơn kiểm soát được trên bộ, trên không, trên biển và trong không gian.
Dàn tên lửa phóng loạt cơ động cao HIMARS của Ukraine khai hỏa (Ảnh: QQ). |
Trên thực tế, "sự kiện điện thoại di động làm lộ bí mật" lần này phản ánh tình trạng kỷ luật quân sự yếu kém của quân đội Nga. Xét theo tình hình chung, quân đội Nga hiện nay đang trong tình trạng chiến tranh và mức độ sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị có liên quan phải rất cao.
Trong những trường hợp như vậy, binh lính Nga vẫn có thể sử dụng điện thoại di động mà không bị hạn chế và kiểm soát, thậm chí còn đăng ảnh chụp nơi đóng quân lên mạng xã hội, bản thân điều này đã là vi phạm nghiêm trọng kỷ luật quân đội.
Chưa nói đến thời chiến, ngay cả trong thời bình việc binh sĩ sử dụng điện thoại di động cũng bị quân đội các nước hạn chế và quản lý khá chặt, chứ đừng nói đến việc chụp ảnh nơi đồn trú rồi đưa lên mạng xã hội.
Có câu nói “Giữ bí mật để đánh thắng”, công tác giữ bí mật thành công là một điểm rất quan trọng để một quân đội giành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh tương lai.