Cụ thể, tính đến cuối tháng 6/2016, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào cuối tháng 5/2016.
Theo số liệu do các TCTD và VAMC báo cáo, tổng các khoản nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm 2016, đạt 59,71 nghìn tỷ đồng (giảm 14,55% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, bán nợ cho VAMC (8,88 nghìn tỷ đồng), khách hàng trả nợ (30,98 nghìn tỷ đồng), sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu (7,24 nghìn tỷ đồng).
Thông tin tại buổi họp báo, ông Đoàn Văn Thắng, Phó TGĐ VAMC cho hay, cập nhật đến thời điểm hiện nay VAMC mua lũy kế được 251 nghìn tỷ đồng nợ xấu. “VAMC cũng nỗ lực giải quyết khối nợ xấu đó, lũy kế thu hồi được khoảng 34 nghìn tỷ đồng, tương ứng khoảng 15% khối lượng nợ mua vào. Tốc độ thu hồi nợ luôn tăng qua từng năm. Nếu như năm 2014, VAMC chỉ thu được 5 nghìn tỷ đồng, thì đến năm 2015 đã thu được 12 nghìn tỷ đồng và cập nhật đến thời điểm này của năm 2016 thì đã thu được 11 nghìn tỷ đồng”, ông Thắng nói.
Vị lãnh đạo của VAMC cũng cho biết, trên thực tiễn, tốc độ thu hồi nợ luôn tăng trong những tháng cuối năm. Do đó, cơ quan này tin tưởng là năm nay kết quả thu hồi nợ sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, Phó TGĐ VAMC Đoàn Văn Thắng cũng kêu khó, rằng hành lang pháp lý hiện thời vẫn bó buộc việc xử lý nợ xấu. “Chẳng hạn như việc bán nợ xấu của các DNNN thì theo các quy định hiện hành, VAMC chỉ được phép bán nợ xấu cho các đơn vị có chức năng mua bán nợ xấu. Điều này hạn chế khá nhiều, hoạt động bán nợ xấu ra thị trường của VAMC”, ông Thắng than
Cũng theo đại diện NHNN, cập nhật đến ngày 29/7/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,45%, huy động vốn tăng 9,94% (huy động bằng VND tăng 12,28%, bằng ngoại tệ giảm 6,25%) so với cuối năm 2015.
Về tín dụng, NHNN đã đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2016 khoảng 18 -20% và thông báo cho từng TCTD để thực hiện, đồng thời theo dõi sát dienx biến tín dụng để có biện pháp xử lý phù hợp. Trong bối cảnh những tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế khó khăn do tình hình hạn hán, xâm nhập mặn…, từ 1/6/2016, NHNN cho phép TCTD tự xem xét quyết định cho vay bằng ngoại tệ trưở lại để đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn trong nước nhằm thực hiện SXKD hàng hóa xuất khẩu đến hết 31/12/2016; đồng thời chỉ đạo các TCTD tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng.
Cập nhật đến 29/7/2016, tín dụng nền kinh tế tăng 8,54% so với cuối năm 2015, cao hơn so với cùng kỳ.
Đánh giá về tốc độ tăng trưởng tín dụng, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng - người chủ trì họp báo, cho biết, đầu năm 2016, Nghị quyết Quốc hội đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6,7%, lạm phát dưới 5%.
NHNN bám sát vào các mục tiêu này với mục tiêu xuyên suốt là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Từ đó đưa ra định hướng tín dụng 18 – 20%, tổng phương tiện thanh toán tăng 16 – 18%.
"Theo các số liệu cập nhật, thì các chỉ tiêu M1, M2 phù hợp vs các các chỉ tiêu tiền tệ định hướng đã đặt ra từ đầu năm. Từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ vẫn tiếp tục điều hành bám sát theo các chỉ tiêu tiền tệ định hướng”, bà Hồng nhấn mạnh.
Về định hướng điều hành trong 5 tháng cuối năm, NHNN cho biết sẽ tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, Bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và hoạt động ngân hàng để điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT; điều tiết chủ yếu thông qua nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn với thời hạn, khối lượng và lãi suất hợp lý để hỗ trợ thanh khoản và nguồn vốn cho các TCTD nhưng đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tiếp tục chỉ đạo các TCTD thực hiện các biện pháp cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Thứ hai, Kiểm soát tăng trưởng tín dụng của hệ thống TCTD đảm bảo an toàn, hiệu quả; tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khởi sự doanh nghiệp; kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thực hiện các giải pháp tạo điều kiện trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Thứ ba, Tiếp tục công bố tỷ giá trung tâm hằng ngày phù hợp với mục tiêu điều hành CSTT, thực hiện các giải pháp nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý có hiệu quả thị trường ngoại hối, đảm bảo phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chống đô la hóa của Chính phủ.
Thứ tư, Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, theo dõi sát diễn biến thị trường, vốn khả dụng của các TCTD, kế hoạch phát hành, giải ngân TPCP để chủ động, kịp thời trong điều hành CSTT.
Ninh Giang