Gỗ Trường Thành lộ “sai lệch nghiêm trọng”, ngân hàng nào đang “run”?

VietTimes – Sẽ không chỉ riêng nhà đầu tư đã trót bỏ tiền vào cổ phiếu TTF cảm thấy sốc. Những “sai lệch nghiêm trọng” liên quan đến hàng tồn kho và nợ khó đòi ở Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành chắc chắn cũng sẽ khiến các ngân hàng cấp vốn cho doanh nghiệp này “mất ăn mất ngủ”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước hết là bởi con nợ của họ đang lỗ. Không phải lỗ bình thường mà là lỗ nặng, lỗ cả nghìn tỷ đồng.

Tệ hơn nữa, là sự lỗ này lại đến quá đường đột.

Theo báo cáo tài chính trước đây, tại thời điểm đầu năm – tức là chỉ sáu tháng trước – TTF vẫn còn tích trữ được một khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến 188 tỷ đồng.

Song sự lãi đó, kỳ thực lại là “bánh vẽ”.

Công ty kiểm toán Ernst & Young đã soát xét và bóc dần hiện thực ở công ty này. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 188 tỷ đồng được điều chỉnh hồi tố thành -19 tỷ đồng.

Và chốt đến 31/06/2016, TTF lỗ lũy kế 1.082 tỷ đồng. Trong đó, số lỗ ghi nhận trong giai đoạn hoạt động nửa đầu năm 2016 là 1.073 tỷ đồng.

Giá trị vốn chủ sở hữu của TTF cũng thâm hụt nghiêm trọng, về chỉ còn 516 tỷ đồng, mặc dù vốn điều lệ lên đến 1.446 tỷ đồng. Chia cho 3.057 tỷ đồng Nợ phải trả, hệ số nợ của công ty là 1/6.

Đáng nói, phần lớn nợ phải trả của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (Gỗ Trường Thành) lại là các khoản vay ngắn hạn (2.206 tỷ đồng). Trong đó, vay ngắn hạn ngân hàng là 1.024 tỷ đồng.

Tất cả các khoản vay từ ngân hàng với mục đích vay là bổ sung vốn lưu động để phục vụ sản xuất kinh doanh, bao gồm thanh toán tiền mua gỗ nguyên liệu và các chi phí đầu vào khác, chiết khấu chứng từ hàng xuất khẩu theo phương thức L/C, D/P và D/A”, Gỗ Trường Thành cho biết.

Vậy thì với các kết quả hoạt động kinh doanh rất xấu như hiện tại, TTF sẽ lấy đâu ra tiền để trả nợ cho các nhà băng (?). Hay nói cách khác, là hệ thống ngân hàng có phải lại sắp có thêm cả nghìn tỷ đồng nợ xấu (?!).

Về mặt lý thuyết, các ngân hàng sẽ luôn nắm đằng chuôi. Bởi trong tình huống xấu nhất, họ sẽ phát mãi tài sản thế chấp, hoặc thanh lý tài sản đảm bảo để thu hồi món vay.

Hãy xem TTF đã thế chấp tài sản gì ở các ngân hàng để rút ra cả nghìn tỷ đồng.

Các khoản vay trên được đảm bảo bằng hàng hóa tồn kho luân chuyển, các tài sản cố định thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn, các khoản phải thu đã hình thành và sẽ hình thành trong tương lai từ các hợp đồng xuất khẩu” - TTF thuyết minh cho 1.024 tỷ đồng vay ngắn hạn ngân hàng.

Nhưng nên nhớ rằng, TTF đã có những “sai lệch nghiêm trọng” trong việc ghi nhận hàng tồn kho và nợ khó đòi.

Theo kết quả kiểm kê, Ernst & Young đã phát hiện, Gỗ Trường Thành thiếu tới 980 tỷ đồng hàng tồn kho so với báo cáo.

Tương tự là các khoản phải thu, rất nhiều trong số đó nằm trong tình trạng khó đòi. Và trên thực tế, theo hướng dẫn của đơn vị kiểm toán, dự phòng phải thu khó đòi ngắn hạn của TTF đã được điều chỉnh lên mức 258 tỷ đồng (cập nhật tại thời điểm 30/06/2016).

Vậy, ai dám chắc trong số hàng tồn kho hay các khoản phải thu mà ngân hàng đã nhận thế chấp từ Gỗ Trường Thành lại không có các tài sản chỉ là “hơi”

DongA Bank đã cho TTF vay cả trăm tỷ đồng.

TTF đang vay tiền từ ngân hàng nào?

Có 8 tổ chức tín dụng đang tiến hành cấp vốn ngắn hạn cho Gỗ Trường Thành.

Trong đó, DongA Bank cấp 124,5 tỷ đồng; SHB cấp 56,5 tỷ đồng; VietABank cấp 671 tỷ đồng; Vietinbank cấp 45,4 tỷ đồng; BIDV cấp 3,8 tỷ đồng; Kienlongbank cấp 60 tỷ đồng, Agribank cấp 50,1 tỷ đồng; VDB cấp 12,8 tỷ đồng.

Ngoài ra còn có hai ngân hàng cung cấp các khoản cho vay dài hạn cho TTF là Kienlongbank Chi nhánh Bình Dương (cấp 36 tỷ đồng) và Agribank Chi nhánh Buôn Mê Thuột cấp 3 triệu đồng.

Báo cáo tài chính của TTF xác tín 2 ngân hàng trong số 8 ngân hàng vừa được đề cập, có nhận thế chấp là hàng tồn kho của công ty này để cho vay ngắn hạn. “Một phần giá trị hàng tồn kho cuối kỳ (30/06/2016) đã được cầm cố, thế chấp tại các ngân hàng DongA Bank, SHB để đảm bảo cho các khoản vay ngắn hạn”, báo cáo viết.

Trích BCTC Quý II/2016 của TTF.

Theo một tài liệu cập nhật vào giữa tháng 6/2016 mà VietTimes thu thập được, TTF cũng đang thế chấp lô hàng tồn kho trị giá 100 tỷ đồng để vay vốn tại Vietinbank Chi nhánh Tp. HCM. Thêm vào đó là Quyền tài sản phát sinh từ 3 hợp đồng ký với Công ty TNHH MTV VinPearl Phú Quốc và CTCP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát.

Đặc biệt, tài liệu cũng tiết lộ, rằng Gỗ Trường Thành cũng đang thế chấp rất nhiều tài sản hình thành từ vốn vay (bao gồm: hàng hóa, nguyên vật liệu, phụ liệu, sản phẩm dở dang, thành phẩm hình thành trong tương lai), cũng như quyền đòi nợ hình thành trong tương lai phát sinh từ các hợp đồng xuất khẩu để vay vốn.

Một số doanh nghiệp đối tác từng có liên quan đến các hợp đồng vay vốn tại VietABank của TTF có thể kể đến như: CTCP Xây dựng Công nghiệp; Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng DLC; Công ty TNHH Tịnh Tiến Đăk Nông; Công ty TNHH TM & DV Lâm Nghiệp Minh Hoàng; CTCP Ván Công Nghiệp Trường Thành; CTCP chế biến gỗ Trường Thành; Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Hà Sơn Hải; CTCP Vũ Tuấn; Lapeyre Groupe;  Lumber Liquidators; Faith Furniture

Như đã nói, đơn vị kiểm toán đã phát hiện ra những “sai lệch nghiêm trọng” trong công tác hạch toán, ghi nhận giá hàng tồn kho và các khoản phải thu của TTF.

Ông Võ Trường Thành, người sáng nghiệp TTF.

Ninh Giang – Hoàng Nguyên