Mới đây, Huawei Technologies đã hoàn thành việc xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) trị giá 10 tỉ nhân dân tệ (1,4 tỉ USD) tại Thượng Hải, nơi nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty - Nhậm Chính Phi kỳ vọng các nhà khoa học nước ngoài sẽ bị thu hút bởi những đặc quyền như hơn 100 quán cà phê trong khuôn viên của trung tâm.
Theo thông báo trên trang web của chính quyền thành phố trích dẫn nguồn tin chính thức Jiefang Daily, Huawei đã đặt tên cho cơ sở mới của mình là Trung tâm R&D Lianqiu Lake, tọa lạc tại Jinze, một thị trấn thuộc quận Thanh Phố của Thượng Hải.
Khuôn viên trung tâm gồm 104 tòa nhà – tạo nên một khu phức hợp gồm các phòng thí nghiệm, văn phòng và khu vực giải trí – được kết nối thông qua hệ thống đường sắt nội bộ. Trong khi đó một số dự án xây dựng cầu vẫn đang được hoàn thiện, tờ Jiefang Daily đưa tin vào tuần trước.
Theo đó, khoảng 30.000 nhân viên R&D dự kiến sẽ chuyển đến cơ sở mới của Huawei tại Thượng Hải để phát triển chất bán dẫn, mạng không dây và Internet vạn vật, người đứng đầu quận Thanh Phố - Yang Xiaojing cho biết tại một cuộc họp báo của chính phủ vào tháng 1.
Theo thông báo trước đó của chính quyền địa phương, cơ sở Lianqiu Lake của Huawei có diện tích 160 ha sẽ đóng vai trò là trung tâm R&D toàn cầu và bắt đầu hoạt động trong năm nay.
“Chúng tôi hướng đến việc tạo ra một bầu không khí phù hợp để các nhà khoa học nước ngoài làm việc và sinh sống”, Nhậm Chính Phi nói với các nhân viên trong một cuộc họp nội bộ năm 2021. Ông đã hình dung ra những đặc quyền như hơn 100 quán cà phê trong khuôn viên trung tâm để thu hút những tài năng trẻ từ nước ngoài.
Việc Huawei bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen về cơ sở hạ tầng R&D trong nước cho thấy nỗ lực mà công ty có trụ sở tại Thâm Quyến này đang thực hiện để vượt qua các lệnh trừng phạt công nghệ hà khắc do Washington áp đặt.
Tuy nhiên, các hạn chế của Hoa Kỳ áp dụng vào tháng 10 năm 2022 đã khiến các giám đốc điều hành người Mỹ tại các công ty chip Trung Quốc gặp khó bởi Washington cấm "người Mỹ" hỗ trợ các doanh nghiệp này. Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa ra những quy tắc "hạn chế khả năng của người Mỹ hỗ trợ phát triển hoặc sản xuất" chip tại "một số 'cơ sở' chế tạo chất bán dẫn đặt tại Trung Quốc mà không có giấy phép".
Vào tháng 8 năm ngoái, công ty tư nhân Huawei đã bất ngờ quay trở lại thị trường điện thoại thông minh 5G khi tung ra một mẫu điện thoại được trang bị bộ xử lý 7 nanomet - một bước đột phá được ca ngợi ở Trung Quốc đại lục, tuy nhiên động thái này lại khiến Washington giám sát chặt chẽ hơn nữa những hạn chế hiện tại về việc tiếp cận công nghệ của doanh nghiệp.
Năm ngoái, Huawei đã đầu tư 23% tổng doanh thu của mình - khoảng 164,7 tỉ nhân dân tệ - vào hàng loạt sáng kiến R&D, theo báo cáo thường niên của công ty. Khoảng 114.000 nhân viên, hay 55% lực lượng lao động của Huawei, tham gia vào các hoạt động R&D.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Reuters đầu tháng này, chính quyền Biden đã thu hồi tám giấy phép trong năm nay cho phép một số công ty Hoa Kỳ vận chuyển hàng hóa cho Huawei, nhà cung cấp thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới.
Được biết, Huawei kỳ vọng sẽ phá vỡ sự thống trị của các hệ điều hành di động phương Tây tại Trung Quốc khi phát hành HarmonyOS Next. Trong quý đầu tiên, Huawei đã đánh bại Samsung Electronics để trở thành thương hiệu điện thoại thông minh có thể gập lại bán chạy nhất thế giới.
Theo SCMP