HoSE liệt hai mã cổ phiếu của “bầu” Đức vào diện cảnh báo

VietTimes -- Hai mã cổ phiếu của “bầu” Đức, là HAG (CTCP Hoàng Anh Gia Lai) và HNG (CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai), sẽ bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 12/05/2017.
hai mã cổ phiếu của “bầu” Đức, là HAG và HNG, sẽ bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 12/05/2017. (Ảnh: Internet)
hai mã cổ phiếu của “bầu” Đức, là HAG và HNG, sẽ bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 12/05/2017. (Ảnh: Internet)

Đó là thông tin vừa được Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM (HoSE) công bố, căn cứ vào hai Quyết định về việc đưa cổ phiếu vào diện cảnh báo mà Tổng Giám đốc Sở này ký ban hành vào ngày 05/05/2017.

Theo Quyết định số 150/QĐ-SGDHCM, lý do khiến HAG vào diện cảnh báo đến từ việc: Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2016 là -1.115,36 tỷ đồng và Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 1.412,44 tỷ đồng căn cứ Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2016.

Còn theo Quyết định số 149/QĐ-SGDHCM, lý do khiến HNG vào diện cảnh báo là: Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2016 là -984,86 tỷ đồng và Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 1.141,71 tỷ đồng căn cứ Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2016.

Cả hai trường hợp – HAG, HNG – đều thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định tại Điểm b Khoản 1.1 Điều 22 Quy chế Niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định số 346/QĐ- SGDHCM ngày 23/08/2016.

Cũng theo Quy chế này: “SGDCK sẽ xem xét đưa chứng khoán ra khỏi diện cảnh báo và thực hiện dỡ bỏ ký hiệu cảnh báo trong trường hợp tổ chức niêm yết/công ty quản lý quỹ khắc phục được các nguyên nhân dẫn đến chứng khoán bị cảnh báo.”

Mảng mía đường của “bầu” Đức về tay ai?

Báo cáo tài chính sau kiểm toán mà HAG công bố đã hé lộ một thông tin rất đáng quan tâm. Đó là thương vụ chuyển nhượng nhóm công ty mía đường.

Cụ thể, ngày 31/8/2016, HAG đã bàn giao các chức vụ quản lý chủ chốt của CTCP Mía đường HAGL và Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu (nhóm công ty mía đường) cùng với quyền vận hành, quản lý kinh doanh đối với nhà máy đường, nông trường mía và các tài sản liên quan cho một bên thứ ba.

HAG cho biết, 2 bên đang tiến hành các thủ tục pháp lý để hoàn tất giao dịch chuyển nhượng cổ phần của nhóm công ty mía đường này.

Tính đến cuối tháng 4/2017, các thủ tục pháp lý cần thiết vẫn chưa được hoàn thành. Tuy nhiên, Ban giám đốc HAG xác định đã chấm dứt toàn bộ quyền kiểm soát đối với 2 công ty trên sau ngày 31/8/2016. HAG cũng khẳng định, sẽ không có khoản lỗ nào phát sinh từ nghiệp vụ chuyển nhượng dự án mía đường này.

Vậy đâu là đối tác đã thâu tóm nhóm công ty mía đường – vốn từng là một niềm tự hào của “bầu” Đức?

Một số thông tin cho hay, đó là Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) của “đại gia” Đặng Văn Thành.

Theo tìm hiểu của VietTimes, thông tin trên có cơ sở. Nhiều văn bản, quyết định của CTCP Đường Biên Hòa (mã chứng khoán: BHS; thành viên của TTC) phản ánh rõ sự “can dự” này.

Nhiều văn bản, quyết định của BHS phản ánh sự thâu tóm của TTC với nhóm công ty mía đường của Hoàng Anh Gia Lai.

Có thể kể đến như Quyết định số 194/2016/QĐ-HĐQT ngày 15/10/2016 của BHS. Quyết định đã phê duyệt việc mua và bán máy thu hoạch John Deere CH570 bánh hơi cho Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu.

Hay như Quyết định số 197/2016/QĐ-HĐQT ngày 20/10/2016, về việc mua hệ thống tưới cho Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu.

Như vậy, có thể hiểu rằng, BHS đã tham gia quản lý Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu ít nhất từ Quý III/2016.

Đến thời điểm này, BHS vẫn chưa công bố Báo cáo tài chính Quý IV và cả năm 2016, nên chưa rõ giá trị thương vụ thâu tóm trên là bao nhiêu. Tại các báo cáo trước đó, không thấy thông tin về việc nhận chuyển nhượng Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu./.