Giáo sư David Hui Shu-cheong, một chuyên gia về hô hấp thuộc Đại học Trung Quốc, cho biết những nghiên cứu sơ bộ cho thấy ca nhiễm mới là một kỹ sư 29 tuổi từ Dubai trở về Hong Kong, mang cả hai chủng đột biến N501Y và E484K có khả năng lây nhiễm cao.
Bạn của anh, một phụ nữ 31 tuổi, cũng được xác nhận nhiễm bệnh vào ngày hôm sau. Giới chức Hong Kong hôm 19/4 tiết lộ, người phụ nữ này làm việc tại phòng khám Sức khỏe Gia đình Tối ưu trong tòa nhà văn phòng Centrium tại 60 Wyndham Street, Central.
Tiết lộ về việc liệu biến thể được tìm thấy ở Hong Kong có phải là của Nam Phi hay không, ông cho biết: “Đây là những gì tôi đã nghe được cho đến nay, tất nhiên cần phải kiểm tra thêm từ cơ quan y tế trước khi công bố trước công chúng.”
Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh, ông Hui cho hay khả năng lây nhiễm của các chủng đột biến cao hơn từ 60% đến 70% so với dạng không biến thể của SAS-CoV-2.
Theo một nguồn tin từ chính quyền Hong Kong, các cơ quan y tế thành phố này sẽ sớm tiết lộ thêm thông tin chi tiết từ cuộc điều tra ca nhiễm mới chủng đột biến tại địa phương, bao gồm cả đường lây truyền.
Hiện Đại học Hong Kong và Đại học Bách khoa Hong Kong đều đang khẩn trương nghiên cứu trình tự bộ gen trong trường hợp lây nhiễm mới nhất. Trước đó, giới chuyên gia chỉ ra rằng vaccine ngừa COVID-19 của BioNTech kém hiệu quả hơn đối với biến thể B.1.351 của Nam Phi, sau khi so sánh với hiệu suất đối với các chủng được xác định ở Anh và Brazil.
Mặc dù các cấp độ bảo vệ mà vaccine của Sinovac – một công ty Trung Quốc – cung cấp đối với các biến thể là khác nhau, có khả năng hai loại vaccine sẵn có ở Hong Kong hiệu quả thấp hơn và thiếu dữ liệu, ông Hui vẫn khuyến khích công chúng nên đi tiêm phòng.
Ông nói: “BioNTech có nhiều dữ liệu hơn (về các chủng đột biến). Mặc dù mức độ kháng thể thấp hơn, nhưng dữ liệu công ty cung cấp cho thấy vaccine của Sinovac cũng có thể vô hiệu hóa virus, tuy vẫn chưa rõ ràng”.
Một nghiên cứu dữ liệu thực tế ở Israel vào đầu tháng này cho thấy vaccine của BioNTech kém hiệu quả hơn đối với chủng biến thể Nam Phi. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tel Aviv cũng cho chỉ ra rằng, chủng biến thể Nam Phi ở một mức độ nào đó có khả năng vượt qua sự bảo vệ của vaccine do Đức sản xuất.
Để ngăn chặn sự lây lan của các chủng biến thể trong cộng đồng, cơ quan y tế Hong Kong hôm 18/4 đã áp đặt lệnh cấm 2 tuần kể từ ngày 20/4 đối với các chuyến bay từ Ấn Độ, Pakistan và Philippines.
Hong Kong coi cả 3 quốc gia này là “những quốc gia có nguy cơ cực kỳ cao” sau khi ít nhất 5 du khách đến từ các quốc gia được phát hiện mang chủng đột biến trong khoảng thời gian 7 ngày.
Tính đến tối 19/4, ở Hong Kong đã có 741.332 người đã được tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên, chiếm gần 10% dân số thành phố. Con số này bao gồm 380.542 người nhận mũi tiêm Sinovac và 360.790 người đã tiêm vaccine của BioNTech.
Đến 7h00 sáng 20/4, chính quyền thành phố đã hoàn thành việc kiểm tra bắt buộc tại Vườn Belvedere và Tòa nhà Fu Yung ở Tsuen Wan, sau khi một trường hợp dương tính không rõ nguồn gốc được phát hiện trong tòa nhà. Hiện không có ca nhiễm mới nào được phát hiện.