Ông Cao Phúc, Giám đốc CDC Trung Quốc gây nên lùm xùm khi phát biểu về hiệu quả của vaccine do Trung Quốc sản xuất (Ảnh: Reuters). |
Lãnh đạo CDC Trung Quốc thừa nhận vaccine Trung Quốc hiệu quả kém
Theo trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 12/4, ông Cao Phúc đã đưa ra tuyên bố này tại Hội nghị Quốc gia về vaccine và sức khỏe được tổ chức tại Thành Đô. Trong bài phát biểu của mình, ông nói: “Nhất định phải chú ý đến vaccine mRNA. Chúng ta không thể bỏ qua vaccine mRNA (sử dụng công nghệ gen axit ribonucleic truyền tin) chỉ vì đã có một số loại vaccine ngừa COVID-19 ở nước ta. Chúng ta cần có tư duy đổi mới, sáng tạo để làm ra vaccine mRNA”.
Hiện tại, ở Trung Quốc có tổng cộng 5 loại vaccine ngừa COVID-19 đã được phê duyệt “đưa ra thị trường có điều kiện” hoặc “sử dụng khẩn cấp”, trong đó ba loại được sử dụng nhiều nhất là vaccine virus bất hoạt kiểu truyền thống. Theo dữ liệu do Tập đoàn Sinopharm công bố, tỷ lệ bảo vệ của vaccine bất hoạt của họ là 79%.
Ông Cao Phúc chỉ ra trong bài phát biểu của mình rằng vaccine bất hoạt có những ưu điểm của phương pháp bào chế truyền thống cổ điển, hệ thống kỹ thuật hoàn thiện và tiêu chuẩn pha chế rõ ràng; trong khi vaccine mRNA có "tốc độ nghiên cứu và phát triển nhanh, chu kỳ sản xuất ngắn, dễ dàng tăng quy mô sản lượng và giá thành thấp". Trước vấn đề "tỷ lệ bảo hộ của vaccine hiện có không cao", ông Cao Phúc đề xuất có thể áp dụng các phương pháp như "tối ưu hóa quy trình tiêm chủng và tiêm chủng với các tuyến kỹ thuật khác nhau". Tuy nhiên, ông không mô tả chi tiết hơn về đề xuất "tiêm chủng thay thế".
Người dân thành phố Thanh Đảo đi tiêm vaccine ngừa COVID-19 (Ảnh: Deutsche Welle). |
Cao Phúc cũng cho biết: "Do virus liên tục biến đổi nên khi phát triển các loại vaccine truyền thống cổ điển, không nên bỏ qua những khả năng vô hạn mà vaccine mRNA mang lại".
Theo RFI, trong một động thái hiếm thấy, ông Cao Phúc nói vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc có những thiếu sót và thẳng thắn thừa nhận rằng hiệu quả của nó là thấp. Ông nói, khả năng bảo vệ của vaccine Trung Quốc không cao lắm, và hiện họ đang chính thức xem xét có nên sử dụng vaccine với các lộ trình kỹ thuật khác nhau để tiêm chủng hay không. Theo hãng tin AP, Cao Phúc không nói rõ chi tiết về những thay đổi có thể có trong chiến lược, nhưng ông đã đề cập đến vaccine mRNA (sử dụng công nghệ gen axit ribonucleic truyền tin) tại cuộc họp. Các nhà phát triển vaccine phương Tây đã sử dụng công nghệ này, trong khi các nhà máy dược phẩm của Trung Quốc đã sử dụng công nghệ truyền thống. Trước đây, các nhà nghiên cứu Brazil đã phát hiện ra rằng vaccine của Sinovac Biotech chỉ có 50,4% khả năng bảo vệ; ngược lại, vaccine Pfizer sử dụng công nghệ mRNA có khả năng bảo vệ tới 97%. Bắc Kinh đã phân phối hàng trăm triệu liều vaccine cho các quốc gia khác. Các cơ quan truyền thông nhà nước, y tế công cộng và các blog khoa học của Trung Quốc đều đặt câu hỏi về tính an toàn và hiệu quả của vaccine Pfizer. Bắc Kinh đã không chấp thuận cho bất kỳ loại vaccine nước ngoài nào được sử dụng ở Trung Quốc. Theo ông Cao Phúc, tính đến ngày 2/4, khoảng 34 triệu người Trung Quốc đã được tiêm hai liều vaccine trong nước và khoảng 65 triệu người đã được tiêm một liều.
Mới đây, Trung Quốc đã phát động phong trào tiêm chủng, khuyến khích dân chúng đi tiêm vaccine ngừa COVID-19 (Ảnh: Tân Hoa xã). |
Thời báo Hoàn cầu: Truyền thông hiểu nhầm tuyên bố của CDC Trung Quốc
Ngày 11/4, Thời báo Hoàn cầu, truyền thông chính thức của Trung Quốc đã đăng một bài phản hồi độc quyền của ông Cao Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC), nói rằng có người đã "thổi phồng" cách nói của ông Cao Phúc; đồng thời nhấn mạnh rằng Cao Phúc nói "đây hoàn toàn là sự hiểu lầm".
Bài báo đề cập rằng Cao Phúc nói với phóng viên Thời báo Hoàn cầu: "Số liệu thử nghiệm tỷ lệ bảo vệ của vaccine toàn cầu có cao có thấp. Làm thế nào để nâng cao tỷ lệ bảo vệ của vaccine là một vấn đề cần được các nhà khoa học trên thế giới xem xét". Ông còn nói “Trung Quốc đã ban hành Hướng dẫn kỹ thuật tiêm vaccine ngừa COVID-19 (Phiên bản đầu tiên), đây là phương án tốt nhất hiện nay”.
Nội dung nhấn mạnh rằng "WHO yêu cầu hiệu quả bảo vệ của vaccine SARS-CoV-2 phải từ 50% trở lên. Hiện tại, hầu hết các loại vaccine được đưa ra thị trường trên thế giới tỉ lệ bảo vệ là trên 70%".
Vaccine mRNA chưa được bán ở Trung Quốc đại lục
Các loại vaccine BioNTech/Pfizer và Moderna sử dụng công nghệ mRNA có tỷ lệ bảo vệ đạt trên 90%. Tại cuộc họp cùng ngày, Tập đoàn Dược phẩm Fosun Thượng Hải, đơn vị chịu trách nhiệm thử nghiệm lâm sàng và quảng bá vaccine BioNTech ở khu vực Trung Quốc, Hồng Kông, Ma Cao, cũng đã lên tiếng. Giám đốc y tế của công ty là Hồi An Dân chỉ ra rằng kết quả thử nghiệm lâm sàng toàn cầu lần thứ 3 vaccine mRNA của BioNTech cho thấy hiệu quả của vaccine này đã đạt hơn 95%, và tỷ lệ bảo vệ đối với người già trên 65 tuổi cũng đạt 94%.
Hiện tại, vaccine BioNTech do Tập đoàn Fosun Pharma làm đại lý mới chỉ có bán ở Hồng Kông và Ma Cao, vẫn chưa được phê duyệt ở Trung Quốc đại lục.
Các công ty bản địa của Trung Quốc cũng đang độc lập nghiên cứu phát triển loại vaccine COVID-19 dựa trên công nghệ mRNA: Vào tháng 6 năm 2020, vaccine mRNA được phát triển bởi Công ty TNHH Công nghệ sinh học Suzhou Aibo liên kết với Viện Quân y thuộc Học viện Khoa học Quân sự và Viện Công nghệ sinh học Watson Vân Nam, đã được Cục quản lý dược quốc gia phê duyệt và bước vào giai đoạn nghiên cứu lâm sàng I, trở thành vaccine mRNA đầu tiên của Trung Quốc bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, nhóm phát triển vaccine sau đó đã không công bố cập nhật tiến độ nghiên cứu.
Trung Quốc đặt ra mục tiêu đến tháng 6/2021 tỷ lệ dân số tiêm chủng đạt 60% (Ảnh: Đa Chiều). |
Trung Quốc tiêm chủng 28 triệu liều một tuần
Chính quyền Trung Quốc có kế hoạch đạt tỷ lệ tiêm chủng quốc gia lên 40% vào tháng 6 năm nay. Vì hầu hết các loại vaccine đều yêu cầu phải tiêm hai liều, điều này có nghĩa là Trung Quốc cần phải tiêm phòng tổng cộng khoảng 1,1 tỷ liều vaccine COVID-19 vào cuối tháng 6.
Trong bài phát biểu ngày 10/4, ông Cao Phúc cũng nhấn mạnh rằng với việc tiêm chủng rộng rãi vaccine trên toàn thế giới, nó đã được khẳng định một cách mạnh mẽ trong việc làm giảm tỉ lệ lây nhiễm, giảm tỉ lệ bệnh nặng và tử vong của những người bị bệnh. Ông kêu gọi cơ quan kiểm soát dịch bệnh ở tất cả các cấp trên toàn quốc tăng cường tuyên truyền phổ biến về tiêm chủng vaccine COVID-19, chú ý đến việc nhà nước ban hành các hướng dẫn tiêm chủng cập nhật, thực hiện nghiêm quy trình tiêm chủng và cơ chế xử lý phản ứng có hại, “phải để công chúng hiểu rằng lợi ích của việc tiêm chủng vượt xa nguy cơ”.
Theo thông báo từ Ủy ban Y tế và Sức khỏe quốc gia Trung Quốc, tính đến ngày 10/4, tổng cộng 164 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm ở Trung Quốc đại lục, tăng 28 triệu liều so với một tuần trước. Để đạt được mục tiêu tiêm 1,1 tỷ liều vào cuối tháng 6, Trung Quốc cần tăng tốc độ tiêm chủng lên khoảng 80 triệu liều mỗi tuần, tức là gấp khoảng 3 lần so với hiện nay.