Biểu tình thành bạo động
Lực lượng cảnh sát đã phải sử dụng đạn cao su, hơi cay, khí ga và gậy để giải tán đám đông những người biểu tình mặc áo đen – phần lớn là sinh viên và những người trẻ tuổi – kêu gọi chính quyền hủy dự luật mà chính quyền Bắc Kinh ủng hộ.
Cảnh sát trưởng Hong Kong cho hay người biểu tình giờ đã trong trạng thái “bạo động” và cảnh báo người dân tránh xa khu vực Admiralty. Nhiều xe cứu thương cũng được triển khai tới khu vực biểu tình này.
Các cuộc đụng độ bùng phát vào khoảng 15h00 – thời hạn chót mà người biểu tình đưa ra đối với chính quyền để hủy bỏ dự luật gây tranh cãi. Nhiều hàng rào cảnh sát chống bạo động đã được nhanh chóng lập ra, áp đảo số lượng người biểu tình – rất nhiều trong số đó mang mặt nạ, kính, mũ bảo hiểm, khẩu trang – tụ tập ở trung tâm thành phố ngay trước khi cuộc tranh luận về dự luật này được tổ chức bên trong tòa nhà Nghị viện. Trước đó, vào cuối giờ sáng, người biểu tình bắt đầu tụ tập khiến cho nhiều tuyến phố bị tê liệt.
Cảnh sát dùng gậy trấn áp người biểu tình (Ảnh: Reuters)
|
Hội đồng Lập pháp Hong Kong (Legco) đã phải tuyên bố tạm hoãn phiên tranh luận thứ hai về dự luật sang một ngày khác, tuy nhiên không nêu cụ thể là ngày nào.
Những hình ảnh đầy căng thẳng trên khiến người ta nhớ lại Phong trào biểu tình Occupy diễn ra tại Hong Kong vào năm 2014 khiến nhiều phần của thành phố này tê liệt suốt nhiều tháng liền. Trong sự kiện mới nhất, người biểu tình tràn ra các tuyến phố lớn và các trục giao thông, kéo các rào chắn ra nhiều tuyến cao tốc và buộc chúng lại với nhau. Nhiều người biểu tình còn sử dụng gạch cậy từ vỉa hè.
Sau khi thời hạn chót mà người biểu tình đưa ra không được đáp ứng, họ đã bắt đầu di chuyển tới khu vực các văn phòng của Hội đồng Lập pháp và cố gắng thâm nhập vào bên trong. Nhiều người biểu tình còn ném các vật thể - như gạch đá, các miếng sắt – về phía lực lượng cảnh sát chống bạo động. Có ít nhất 1 cảnh sát bị thương do trúng phải “vật thể lạ”.
Lực lượng cảnh sát sau đó cũng phản ứng trước dòng người biểu tình, đầu tiên là bằng gậy và bình xịt hơi cay, sau đó là bằng đạn cao su. Họ cũng sử dụng súng phóng lựu đnạ cay để giải tán đám đông đang bao vây một phần của tòa nhà Nghị viện.
Số lượng người biểu tình áp đảo số lượng cảnh sát chống bạo động (Ảnh: AFP)
|
Cảnh sát trưởng Hong Kong Stephen Lo đã lên tiếng bảo vệ hành động của lực lượng cảnh sát, nói rằng họ đã cố gắng kiềm chế trước những kẻ “bạo động” cố gắng tràn vào tòa nhà Nghị viện. “Những người biểu tình bạo động này cứ cố gắng lao về phía hàng rào của chúng tôi và sử dụng cả những thứ vũ khí nguy hiểm…họ ném các mảnh kim loại và gạch đá về phía chúng tôi” – ông Lo nói.
Matthew Cheung – Tổng thư ký hành chính Hong Kong – từ sáng hôm 12/6 đã kêu gọi người biểu tình rút lui, đây cũng là phản ứng chính thức đầu tiên của chính quyền Hong Kong đối với làn sóng biểu tình.
“Tôi cũng kêu gọi những người đang tụ tập nên kiềm chế nhất có thể, giải tán một cách hòa bình và không vi phạm luật pháp” – ông Cheung nói trong một thông điệp hình ảnh.
Tranh luận về dự luật tạm hoãn
Thông tin về phiên tranh luận bị tạm hoãn đưa ra sau đó cũng không đủ để khiến đám đông người biểu tình giải tán.
“Việc trì hoãn phiên tranh luận là không đủ” – Charles Lee, sinh viên 23 tuổi, nói – “Tạm hoãn không phải mục đích cuối cùng của chúng tôi. Chúng tôi cần họ hủy luôn dự luật này…Các cuộc đụng độ là khó tránh khỏi nếu họ cứ khăng khăng giữ thái độ như vậy với người dân”.
Hơn 100 doanh nghiệp ở Hong Kong cho hay họ đã phải tạm ngừng hoạt động trong hôm 12/6, một phần để thể hiện rõ sự đồng lòng với người biểu tình. Trong khi đó, các hội học sinh lớn của thành phố này cũng tuyên bố tẩy chay các lớp học để tham gia vào cuộc tuần hành trên đường phố.
Ngoài ra, các hiệp hội giao thông, mạng xã hội và cả một số hiệp hội giáo viên của Hong Kong cũng tham gia hoặc ủng hộ phong trào biểu tình. Hiệp hội các tài xế xe buýt còn điều nhiều thành viên của họ lái xe chậm đi cùng với đoàn người biểu tình để ủng hộ.
“Chính chính quyền đã buộc người dân phải có hành động như vậy, bởi vậy tôi nghĩ rằng cuộc đấu tranh lên tới mức căng thẳng như vậy là điều tất yếu” – Lau Ka-chun, sinh viên 21 tuổi tham gia biểu tình, cho hay.
“Điều có trách nhiệm duy nhất mà bà Carrie Lam (Trưởng đặc khu) có thể làm là hủy dự luật tồi tệ này, hoặc ít nhất là ngừng thông qua nó để giải quyết cuộc khủng hoảng này” – Fernando Cheung, một nhà lập pháp Hong Kong, cho hay – “Do tình hình hiện nay rất căng thẳng, nên nếu bà ấy cứ cố thúc đẩy dự luật và yêu cầu cảnh sát sử dụng vũ lực, tôi sợ rằng giới trẻ Hong Kong sẽ chịu tổn thương, sẽ đổ máu”.
Chính phủ Trung ương Trung Quốc đã thể hiện sự ủng hộ kiên định của họ đối với việc thông qua dự luật dẫn độ ở Hong Kong – Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lại quan điểm của mình trong hôm 12/6. Người phát ngôn Cảnh Sảng trong một buổi thông báo vắn nói rằng, bất cứ hành động nào gây tổn hại cho Hong Kong đều đi ngược lại ý kiến dư luận chính thống của Hong Kong. Ông cũng kêu gọi LHQ lên tiếng và hành động liên quan tới tình hình ở Hong Kong.
Một cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình (Ảnh: AFP)
|
“Triệu người” phản đối
Các nhà tổ chức tuần hành ở Hong Kong cho hay, có hơn 1 triệu người đã lên tiếng phản đối việc thông qua dự luật dẫn độ, điều này cho phép Hong Kong gửi kiến nghị lên các cơ quan tư pháp khác trên toàn thế giới – trong đó có cả Trung Quốc. Thế nhưng, con số kỷ lục này không làm lay chuyển vị lãnh đạo có tư tưởng thân Bắc Kinh Carrie Lam, người đã bác bỏ đề suất hủy dự luật dẫn độ.
Nhiều người phản đối dự luật này lo sợ rằng, khi chính thức có hiệu lực, nó sẽ khiến nhiều người bị kéo về các tòa án ở Đại lục để bị xét xử, khiến họ dễ chịu tổn thương hơn trước hệ thống pháp lý.
Giới lập pháp Hong Kong đã lên kế hoạch tranh luận về dự luật này vào sáng 12/6, và vòng bỏ phiếu cuối cùng dự kiến tổ chức vào ngày 20/6. Hiện chưa rõ phiên tranh luận về dự luật này sẽ được dời tới ngày nào.
Giới lãnh đạo Hong Kong nói rằng, dự luật dẫn độ là cần thiết để lấp lỗ hổng trong luật pháp và ngăn cho thành phố này không bị biến thành nơi ẩn náu của những kẻ bị truy nã.