Biểu tình rầm rộ
Đây được xem là phong trào biểu tinh rầm rộ nhất từng diễn ra kể từ khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc từ năm 1997. Mặt trận Nhân quyền Dân sự, tổ chức đứng ra kêu gọi người biểu tình, cho hay có khoảng 1,03 triệu người đã tham gia tuần hành – một con số rất lớn nếu đem ra so sánh với dân số 7,48 triệu người của Hồng Kông.
Cảnh sát Hồng Kông ước tính số lượng người biểu tình chỉ khoảng 240.000 người.
Giới phê bình nói rằng dự luật dẫn độ sẽ khiến cho bất cứ ai đang ở Hồng Kông chịu rủi ro bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ vì những mục đích chính trị hoặc những cáo buộc không thể đảo ngược….và làm xói mòn hệ thống pháp lý bán tự trị của thành phố.
Dự luật này đã gây ra thế bế tắc chính trị, sự phản ứng dữ dội từ cộng đồng doanh nghiệp có tư tưởng bảo thủ của Hồng Kông, và thậm chí khiến cho chính quyền Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Hồng Kông.
Chính quyền Hồng Kông nói rằng dự luật này được thiết kế để lấp một số lỗ hổng trong bộ luật hiện tại bằng cách cho phép Hồng Kông xét trên từng trường hợp cụ thể để quyết định xem liệu có nên gửi người bị truy nã tới các vùng lãnh thổ mà họ không có thỏa thuận dẫn độ chính thức hay không – như Đài Loan, Macau và Đại lục Trung Quốc. Giới lập pháp Hồng Kông còn nói rằng, việc đảm bảo một phiên tòa công bằng sẽ không được ghi vào dự luật.
Trong chiều Chủ nhật vừa qua, người biểu tình đã tập trung tại Công viên Victoria ở trung tâm Hồng Kông, giơ cao nhiều khẩu hiệu và mặc áo trắng – tượng trưng cho phong trào biểu tình này. “Hồng Kông, không bao giờ từ bỏ!” – một biểu ngữ viết. Nhiều người biểu tình khác sử dụng biểu ngữ như “phản đối dẫn độ về Trung Quốc”…và kêu gọi bà Carrie Lam – Trưởng đặc khu Hồng Kông – từ chức. Có ít nhất 7 người biểu tình bị bắt giữ - cảnh sát Hồng Kông thông báo trên Twitter.
Vào khoảng 7h30 chiều Chủ nhật (giờ Hồng Kông), có 5 – 6 người đàn ông mang mặt nạ định chiếm trục đường chính trong thành phố - cảnh sát Hồng Kông cho hay, đồng thời nói rằng, lực lượng của họ đã buộc phải sử dụng hơi cay để giải tán đoàn người biểu tình.
Cuộc biểu tình chủ yếu diễn ra một cách hòa bình trong phần lớn thời gian trong ngày, nhưng đến đêm thì biến thành biểu tình bạo lực, khi cảnh sát cố gắng giải tán người biểu tình bằng gậy.
Hàng nghìn người khác cũng đã tổ chức biểu tình dự luật dẫn độ của Hồng Kông ở nhiều thành phố của Australia trong hôm cuối tuần trước. Các cuộc tuần hành tương tự cũng được lên kế hoạch tổ chức ở nhiều thành phố trên toàn thế giới – tổ chức chính trị Demosisto ở Hồng Kông nói trong một tuyên bố.
Vào khoảng 10h30 tối Chủ nhật (giờ Hồng Kông), các nhà tổ chức tuyên bố rằng cuộc tuần hành của họ đã kết thúc. Đám đông biểu tình sau đó giải tán, chỉ còn một số nhóm người tru lại xung quanh tòa nhà Hội đồng Lập pháp. Đến đêm cùng ngày, chính quyền Hồng Kông đưa ra một tuyên bố nói rằng họ đã nắm được thông tin về các cuộc biểu tình, nhưng một lần nữa khẳng định dự luật gây tranh cãi vẫn sẽ được đem ra tranh luận như kế hoạch vào ngày 12/6.
“Chúng tôi kêu gọi Hội đồng Lập pháp xem xét kỹ lưỡng dự luận theo cách hợp lý, từ tốn và tôn trọng nhằm đảm bảo Hồng Kông luôn là một thành phố an toàn đối với người dân và doanh nghiệp” – chính quyền đặc khu hành chính cho hay.
Cảnh sát sử dụng hoi cay để giải tán người biểu tình (Ảnh: AP)
|
Từ vụ du khách bị ám sát ở Đài Loan
Dự luật gây tranh cãi một phần là do một vụ án mạng rùng rợn xảy ra ở Đài Loan, khi một phụ nữ 20 tuổi ở Hồng Kông bị bạn trai sát hại khi đang có kỳ nghỉ tại đây. Hiện tại, nghi phạm không thể bị dẫn độ từ Hồng Kông để chịu xét xử ở Đài Loan.
Thế nhưng, chính quyền Đài Bắc đã tuyên bố từ trước rằng họ từ chối hợp tác với bộ luật mới của Hồng Kông nếu như nó đặt công dân của Đài Loan vào chỗ rủi ro bị dẫn độ tới Trung Quốc. Hòn đảo tự trị này trước đây từng chứng kiến nhiều công dân của mình bị cáo buộc phạm tội ở một số nước không công nhận Đài Loan về mặt ngoại giao bị dẫn độ về Trung Quốc, bất chấp sự phản đối của Đài Loan.
Hồi đầu tuần trước, Chris Patten, Thị trưởng người Anh cuối cùng của Hồng Kông, đã chỉ trích dự luật dẫn độ.
“Từ nhiều năm nay, người ta đã biết chính xác lý do tại sao mà không nên có một thỏa thuận dẫn độ với Trung Quốc” – ông Patten nói trong một đoạn thông điệp hình ảnh – “Tranh luận mà họ đưa ra là, việc dẫn độ theo một hiệp ước còn tốt hơn là bắt cóc người ta một cách phi pháp khỏi Hồng Kông – ai mà lại tin vào điều này?”.
Tháng trước, nhiều đại diện của EU đã có cuộc gặp với bà Carrie Lam – Trưởng đặc khu Hồng Kông – để thể hiện quan ngại sâu sắc liên quan tới dự luật này. Các thành viên thuộc Ủy ban Điều hành Nghị viện Mỹ về Trung Quốc (CECC) cũng công khai phản đối dự luật này, cảnh báo bà Lam rằng nó có thể “gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới mối quan hệ giữa Mỹ và Hồng Kông”.
Không mong muốn, không cần thiết!
Các tổ chức doanh nghiệp ở Hồng Kông thường thể hiện quan điểm trung lập về các vấn đề chính trị gây tranh cãi, thì lần này cũng nhập cuộc phản đối gay gắt dự luật dẫn độ. Trong nỗ lực nhằm duy trì sự ủng hộ từ người dân, chính quyền Hồng Kông đã phải hạn chế tầm bao phủ của các cáo buộc có thể bị dẫn độ - nhưng đối với nhiều người thì đó vẫn chưa đủ.
Phòng Thương mại Mỹ ở Hồng Kông hồi tuần trước cảnh báo rằng có “quá nhiều điều bất ổn trong nhiều phần cơ bản của dự luật này” khiến nó không thể được thông qua nếu ở dưới dạng hiện tại. “Hồng Kông chưa sẵn sàng để thông qua dự luật này và chúng tôi không thể tìm ra lý do mà họ cố gắng thúc đẩy nó trong khi lỗ hổng luật pháp mà họ muốn sửa đã tồn tại suốt 20 năm qua” – tuyên bố của Phòng Thương mại Mỹ cho hay.
Tuy nhiên, phát ngôn viên chính quyền Hồng Kông, ông Matthew Cheung, cho hay động thái trên là nhạy cảm về mặt thời gian. “Nghi phạm trong vụ ám sát ở Đài Loan hiện đang chịu án vì các cáo buộc phạm tội khác ở Hồng Kông, nhưng dự kiến sẽ được trả tự do vào tháng 10 tới” – ông Cheung nói – “Bởi vậy chúng ta cần phải đưa ra cơ sở pháp lý để chúng ta có thể hỗ trợ phía Đài Loan, trước khi cơ quan lập pháp tạm nghỉ từ giữa tháng 7 tới tháng 10 năm nay”.
Ông Cheung tuy nhiên không xua tan mối quan ngại của Đài Loan về dự luật này. Trong khi đó, Trưởng đặc khu Lam nói rằng sẽ là “vô căn cứ” khi cho rằng chính quyền Hồng Kông “sẽ chỉ nghe theo các chỉ đạo của Chính phủ Trung ương và sẵn sàng giao nộp những người bị truy nã mà Chính phủ Trung ương muốn”.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, Washington “quan ngại về việc chính quyền Hồng Kông đề xuất sửa đổi đối với Sắc lệnh về người phạm tội bị truy nã (Fugitive Offenders Ordinance), trong đó cho phép cá nhân bị dẫn độ tới Đại lục Trung Quốc theo đề nghị của chính quyền nước này, và đang theo dõi chặt chẽ diễn biến”.
Người biểu tình với khẩu hiệu chống dự luật dẫn độ (Ảnh: Independent)
|
Sự phản đối mạnh mẽ
Dự luật dẫn độ, và đặc biệt là nỗ lực của chính quyền Hồng Kông trong việc thúc đẩy nó được thông qua nhanh chóng, đã làm dấy lên làn sóng tuần hành biểu tình ở thành phố này sau một thời gian lặng tiếng.
Các nhà tổ chức từng tuyên bố có 130.000 người tham gia biểu tình chống dự luật này trong tháng 4 vừa qua. Dù phía cảnh sát chỉ đưa ra con số 22.800 người, thì đây vẫn là cuộc biểu tình lớn nhất ở Hồng Kông kể từ sau Phòng trào Umbrella (Cây dù) năm 2014 – phong trào kêu gọi cải cách chính trị bất thành từng khiến nhiều phần của Hồng Kông bị tê liệt suốt nhiều tháng.
Nỗi lo sợ về dự luật dẫn độ - cùng lời chỉ trích từ nhiều cộng đồng người dân Hồng Kông – còn khiến chúng ta nhớ lại sự kiện năm 2003, khi nửa triệu người dân đổ xuống đường biểu tình việc thông qua một dự luật chống nổi loạn. Dự luật này sau đó bị chặn, nhưng vấn đề này đã trở thành đề tài nóng ở Hồng Kông khi kể từ sau đó, chính quyền Hồng Kông không dám đem dự luật này ra tranh luận lại.