Hơn 50% doanh nghiệp Nhật “ngại” thủ tục thuế, phí ở Việt Nam

Sáng 23.2, Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố báo cáo cho thấy, môi trường đầu tư ở Việt Nam đang tăng tính rủi ro. Hơn 50% số doanh nghiệp (DN) Nhật tại Việt Nam nhận định, thủ tục thuế là những vấn đề cần phải nhanh chóng được hoàn thiện.
Hơn 50% doanh nghiệp Nhật “ngại” thủ tục thuế, phí ở Việt Nam

Cuộc khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của DN Nhật Bản tại Việt Nam do JETRO tiến hành từ cuối năm 2015. Kết quả cho thấy, Việt Nam đã tăng 4 điểm ở hạng mục “rủi ro trong môi trường đầu tư” so với năm 2014, nằm ở vị trí thứ 3/15 quốc gia được tiến hành khảo sát tại châu Á và châu Đại Dương.

Ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện văn phòng JETRO Hà Nội cho rằng, những rủi ro trong đầu tư mà DN Nhật Bản tại Việt Nam phải đối mặt ngày càng xấu đi so với năm trước. Trong đó, những vấn đề được nhắc nhiều nhất là hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch; thủ tục hành chính phức tạp, quy định về giờ làm thêm…

Bên cạnh đó, kết quả cuộc khảo sát cũng chỉ ra các DN Nhật đang gặp khó khăn trong vấn đề thu mua nguyên vật liệu, linh kiện tại nước sở tại, 80% DN lo ngại về vấn đề lương cho nhân viên tại nước sở tại tăng.

Các DN Nhật đánh giá tỉ lệ nội địa hóa của Việt Nam chỉ đạt 32,1%, giảm 1,1% điểm so với năm trước, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (65%), Thái Lan (56%), Indonesia (41%), Malaysia (36%)… Trong đó tỉ lệ ở khu vực miền Nam (47,3%) cao hơn ở miền Bắc (32,0%). Tỉ lệ cung ứng từ các DN nội địa cũng chỉ đạt 41,2%, giảm 2,3% điểm so với năm 2014. Tỉ lệ cung ứng từ DN nước ngoài khác không phải Việt Nam hay Nhật Bản vẫn còn cao cho thấy việc cần thiết tăng cường thu mua từ các DN trong nước.

Để tận dụng tốt cơ hội từ Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), 64% DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam kỳ vọng lớn nhất vào việc các thủ tục hải quan sẽ được đơn giản hóa. Những mục tiêu tiếp theo được kỳ vọng là thuế nhập khẩu được dỡ bỏ, chính sách thuế thông thoáng hơn và việc vận dụng – giải thích quy tắc nguồn gốc xuất xứ được thống nhất.

Với Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), kỳ vọng về “thuận lợi hóa trong thương mại và thuế quan” chiếm 66%, tỷ lệ cao nhất, theo sau là “tiếp cận thị trường hàng hóa”, “quy tắc nguồn gốc xuất xứ”.

Tín hiệu đáng mừng là có tới 63,9% DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong năm 2016 và tiếp tục coi đây là địa điểm đầu tư quan trọng với mục đích chính là tăng doanh thu (85% DN). Con số này cao hơn Trung Quốc (38,1%) và nhiều quốc gia khác.

Theo Lao Động