Theo Nikkei Asia Review ngày 28/8, Google và các đối tác vào mùa hè này đã bắt đầu chuyển đổi một nhà máy Nokia cũ thành một nhà máy sản xuất điện thoại di động Pixel ở tỉnh Bắc Ninh. Samsung đã phát triển chuỗi cung ứng điện thoại thông minh ở tỉnh này mười năm trước, vì vậy Google sẽ có một đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm.
Ngày 28/8, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) cho biết trong Công báo Liên bang (Federal Register), từ ngày 1/9 Mỹ sẽ áp thuế 15% đối với một phần trong 300 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc; phần còn lại, bao gồm điện thoại di động và máy tính xách tay... sẽ phải chịu mức thuế 15% từ ngày 15/12. Ban đầu Mỹ dự định chỉ áp thuế 10% đối với những sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc này.
Việc Google mở cơ sở sản xuất tại Việt Nam phản ánh các nỗ lực của công ty để thoát khỏi hai tầng áp lực gồm chi phí lao động ở Trung Quốc gia tăng và sự leo thang thuế quan trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Theo các nguồn tin, Google dự định cuối cùng sẽ chuyển phần lớn sản xuất phần cứng của Mỹ ra bên ngoài Trung Quốc, bao gồm cả điện thoại Pixel và loại loa thông minh nổi tiếng Google Home rất được ưa chuộng.
Dây chuyền sản xuất điện thoại di động Pixel sẽ được chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam trước cuối năm nay. (Ảnh: Getty Images)
|
Gần 70% điện thoại thông minh Google được bán tại thị trường Mỹ
Dây chuyền sản xuất tại Việt Nam sẽ là bộ phận then chốt trong sự tăng trưởng của Google trên thị trường điện thoại thông minh. Các nguồn tin nói với Nikkei Asia Review, Google có kế hoạch xuất xưởng khoảng 8 triệu đến 10 triệu điện thoại thông minh trong năm nay, gấp đôi số lượng năm trước. Theo công ty phân tích nghề nghiệp Counterpoint, mặc dù thương hiệu điện thoại thông minh Google Pixel vẫn còn nhỏ, chưa lọt được vào top 10 trên thế giới, nhưng điện thoại di động này đang phát triển với tốc độ rất nhanh.
Với sự trợ giúp của điện thoại Pixel giá trung được ra mắt vào tháng 4, Google đã trở thành thương hiệu điện thoại di động lớn thứ năm tại Mỹ trong quý II/2019. Công ty nghiên cứu IDC nói, Google đã xuất xưởng 4,1 triệu smartphone trong nửa đầu năm nay, chủ yếu là Pixel 3A, giá bán 399 USD.
Bằng cách chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, để thực hiện đa dạng hóa, Google muốn đảm bảo tiếp tục sản xuất dòng Pixel, đây là một phần của việc mở rộng hơn nữa hệ điều hành Android - hệ điều hành được 80% điện thoại thông minh trên toàn thế giới sử dụng.
Theo IDC, năm 2018, gần 70% điện thoại thông minh Google đã được bán tại thị trường Mỹ, tiếp theo là Anh và Nhật Bản. Đối với loa thông minh, thị trường Mỹ cũng chiếm khoảng 64%.
Những nguồn thạo tin nói, theo kế hoạch hiện tại, Google sẽ chuyển một phần sản xuất điện thoại di động Pixel 3A từ Trung Quốc sang Việt Nam trước cuối năm nay. Một số công việc sản xuất loa thông minh có thể được chuyển sang Thái Lan. Nhưng họ nói, việc phát triển sản phẩm mới và sản xuất ban đầu dòng sản phẩm phần cứng của công ty vẫn ở Trung Quốc.
Hơn 50 công ty công nghệ toàn cầu nối nhau rời khỏi Trung Quốc
Cùng với việc cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ gia tăng, Google là công ty công nghệ mới nhất tìm cách tránh thuế thông qua đa dạng hóa sản xuất. Theo một báo cáo nghiên cứu gần đây đăng trên Nikkei Asia Review, hơn 50 công ty nổi tiếng quốc tế đã và đang chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc đại lục.
Các hãng Hewlett-Packard và Dell đã chuyển việc sản xuất máy chủ của họ ra khỏi Trung Quốc, chuyển sản xuất một số sản phẩm máy tính xách tay sang Đài Loan và các nước Đông Nam Á. (Ảnh: Sohu)
|
Hewlett-Packard và Dell đã chuyển việc sản xuất máy chủ của họ ra khỏi Trung Quốc, đồng thời đã chuyển sản xuất một số sản phẩm máy tính xách tay của họ sang Đài Loan và các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan và Philippines. Công ty Apple cũng đang bắt đầu xem xét phương thức đa dạng hóa chuỗi cung ứng như thế nào.
Hãng sản xuất điện tử Nhật Bản Kyocera ngày 2 tháng 8 thông báo, họ sẽ chuyển dây chuyền sản xuất máy photocopy và máy in đa chức năng được bán ở Mỹ từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế quan của Mỹ. Ngày 13 tháng 8 Inventec Corp cho biết, họ sẽ chuyển sản xuất máy tính xách tay cho thị trường Mỹ ra khỏi Trung Quốc trong vòng vài tháng tới.
Gần 70% công ty coi Việt Nam là điểm đến được lựa chọn đầu tiên, trong khi phần còn lại chọn Campuchia, Ấn Độ, Malaysia, Mexico, Serbia và Thái Lan.
Ông Roy Chun Lee ở Trung tâm WTO của Viện nghiên cứu kinh tế Đài Loan đã nói với Nikkei, bất kể có thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hay không, việc đa dạng hóa dây chuyền sản xuất sẽ tiếp tục vì tranh chấp giữa hai nền kinh tế lớn của thế giới sẽ là một vấn đề lâu dài.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần viết trên Twitter khuyên Trung Quốc đạt được thỏa thuận càng sớm càng tốt, để có thể giữ lại các công ty Mỹ trước khi họ bắt đầu rút khỏi Trung Quốc./.