Hơn 200 doanh nghiệp “chết” mỗi ngày

VietTimes -- Bình quân mỗi ngày có khoảng 203 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, căn cứ trên số liệu vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Hơn 200 DN “chết” mỗi ngày

Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố cho thấy, tính chung 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 54501 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 427,8 nghìn tỷ đồng, tăng 20% về số doanh nghiệp và tăng 51,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 26,2%.

Bên cạnh đó còn có 16125 lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 774,7 nghìn tỷ đồng, nâng tổng số vốn đăng ký và bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 1202,5 nghìn tỷ đồng.

Số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm nay là 14902 doanh nghiệp, tăng 75,2% so với cùng kỳ năm trước.

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 6 tháng là 5507 doanh nghiệp, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 5129 doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chiếm 93,1% và tăng 16,9%.

Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm nay là 31119 doanh nghiệp, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 12203 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, tăng 37,1% và 18916 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký, tăng 4,2%.

Như vậy, bình quân mỗi ngày có khoảng 203 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động.

DN nội nhập siêu 9,7 tỷ USD, DN FDI xuất siêu 11,2 tỷ USD

Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016 cũng cho biết những thống kê về kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ trong nửa đầu năm. Cụ thể:

Xuất khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Sáu ước tính đạt 14,80 tỷ USD, tăng 3,0% so với tháng trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 82,2 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 23,7 tỷ USD, tăng 3,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 58,5 tỷ USD, tăng 6,9%. Nếu loại trừ yếu tố giá (giá xuất khẩu bình quân giảm 3,85%), kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đạt 85,5 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Sáu ước tính đạt 14,90 tỷ USD, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu đạt 80,7 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước[5], trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 33,4 tỷ USD, tăng 1,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 47,3 tỷ USD, giảm 1,8%. Nếu loại trừ yếu tố giá (giá nhập khẩu bình quân giảm 7,8%), kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đạt 87,5 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2015[6].

Cán cân thương mại hàng hóa tháng Sáu ước tính nhập siêu 100 triệu USD. Tính chung 6 tháng đầu năm xuất siêu 1,5 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,7 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 11,2 tỷ USD.

Xuất, nhập khẩu dịch vụ

Xuất khẩu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2016 ước tính đạt 6,0 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt 4,1 tỷ USD, chiếm 68,1% tổng kim ngạch và tăng 14,3%.

Nhập khẩu dịch vụ 6 tháng ước tính đạt 8,2 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu dịch vụ vận tải đạt 4,2 tỷ USD, chiếm 51,5% kim ngạch và giảm 0,2%.

Nhập siêu dịch vụ 6 tháng đầu năm là 2,2 tỷ USD.

Doanh nghiệp vẫn... lạc quan!

Cũng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2016 cho thấy: Có 41,8% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II năm nay khả quan hơn quý trước; 18,9% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 39,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.

Dự kiến quý III so với quý II năm nay, có 47,7% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 13,2% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 39,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Xu hướng chung trong 6 tháng cuối năm 2016, phần lớn doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh lạc quan hơn 6 tháng đầu năm, trong đó 55,4% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 9,3% số doanh nghiệp cho rằng khối lượng sản xuất giảm và 35,3% số doanh nghiệp vẫn ổn định.

Về số đơn đặt hàng, có 48,5% số doanh nghiệp dự kiến số đơn đặt hàng tăng; 9,5% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 42,0% số doanh nghiệp cho rằng sẽ ổn định. Số đơn đặt hàng xuất khẩu tương ứng là 42,1%; 9,4% và 48,5%. Về quy mô lao động, có 26,5% số doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng quy mô lao động; 7,0% số doanh nghiệp cho rằng sẽ giảm và 66,5% số doanh nghiệp không có biến động quy mô lao động.

X.T