Ở Mỹ, nhiều người bàn luận rằng F-35 sẽ là mẫu chiến đấu cơ có người lái cuối cùng mà nước này chế tạo. Drone có giá rẻ hơn, chúng có thể hoạt động trên chiến trường lâu hơn, và điều quan trọng hơn cả là: Nếu chúng bị bắn hạ, không có thiệt hại về sinh mạng và cũng không có phi công để mà bị bắt làm tù nhân. Xét về mặt chính trị thì drone là thứ vũ khí đầy quyến rũ. Chúng sẽ giúp đảm bảo rằng sẽ không bao giờ có phi công bị bắt để trao đổi tù binh. Cũng bởi vậy mà ngày nay, các phương tiện bay không người lái (UAV) được sử dụng ngày càng rộng rãi để thay thế cho máy bay có người lái.
Đối với các nước nhỏ như Triều Tiên hay Iran, drone càng mang lại nhiều lợi ích. Đầu tiên là bởi drone không đắt đỏ, trong khi lại mở ra triển vọng chống lại được sự sức mạnh thống trị của Mỹ trên không. Đương nhiên thách thức từ drone vẫn còn khá nhỏ, nhưng trong một số môi trường nơi mà sức mạnh không lực vượt trội của Mỹ gần như toàn diện, thì drone lại có thể mở ra không gian và nhiều khả năng mới.
Sức mạnh thống trị của không quân Mỹ chủ yếu dựa vào các nền tảng đắt đỏ như máy bay có người lái, hàng không mẫu hạm và nhiều vũ khí khác...Trong khi đó, drone lại là một phương thức rẻ tiền để thực hiện nhiệm vụ do thám và tấn công - như đã thấy trong vụ tấn công cơ sở dầu khí Arab Saudi - nhằm vào các đồng minh của Mỹ trong một môi trường không gian không cân xứng. Trong bối cảnh không lực của Triều Tiên còn yếu hơn của Iran do hứng chịu các lệnh trừng phạt và thiếu nhiên liệu để tổ chức huấn luyện; thì drone càng trở nên hấp dẫn hơn với nước này.
Thứ hai, drone tạo ra một sự tranh cãi khi người ta cân nhắc xem việc sử dụng chúng có cấu thành hành động chiến tranh hay không. Nếu một máy bay có người lái vi phạm không phận một nước, chắn chắn sẽ bị coi là hành động chiến tranh. Nhiều cuộc xung đột trước đây đã chứng minh điều này. Thế nhưng, việc sử dụng sức mạnh robot trên không lại không bị coi là hành động chiến tranh. Các nước hoàn toàn có thể tuyên bố rằng drone của họ đang hoạt động trong không phận quốc tế, rằng đài kiểm soát không phát hiện ra nó đi vào không phận nước khác, hoặc phần mềm điều khiển bị lỗi v.v...Nói tóm lại, có nhiều cách để biện minh cho drone hơn là cho máy bay có người lái truyền thống.
Chúng ta từng chứng kiến hiện tượng tương tự trong các cuộc xung đột trên không gian mạng. Khái niệm về tấn công trên không gian mạng mơ hồ hơn là các cuộc đọ súng kiểu truyền thống.
Một số nước như Iran và Triều tiên có thể tận dụng được điểm này ở drone bởi sự đồng thuận của quốc tế về các đòn tấn công bằng drone vẫn còn yếu, khiến nhiều nước do dự trong việc tung đòn trả đũa. Trường hợp rõ ràng nhất chính là vụ tấn công cơ sở dầu khí của Arab Saudi bằng drone mới đây.
Đặc biệt đối với Triều Tiên, đòn tấn công bằng drone ở Arab Saudi mới đây đã mở ra cho họ một số lựa chọn mới.
Nếu chiến đấu kiểu truyền thống, Triều Tiên khó có thể so sánh với nhiều nước về không lực. Họ cũng thiếu khả năng do thám trên không, đặc biệt khi so sánh với mẫu máy bay do thám U2 của Mỹ hay tầm bao phủ vệ tinh theo dõi mà Mỹ và Nhật Bản thiết lập trên bán đảo Triều Tiên.
Triều Tiên đã bắt đầu triển khai nhiều UAV gắn các camera thô sơ đi vào không phận Hàn Quốc ít nhất là từ năm 2014. Điều này chắc chắn sẽ còn tiếp diễn. Drone vẫn là thiết bị rẻ ngay cả với một nước thiếu nguồn lực như Triều Tiên, và nếu xét về sự bất cân đối trong sức mạnh không lực giữa Mỹ và Triều Tiên, thì drone càng hấp dẫn hơn đối với Bình Nhưỡng.
Viễn cảnh đáng ngại nhất đối với Mỹ là Triều Tiên có thể bắt chước đòn tấn công nhằm vào Arab Saudi mới đây. Nếu sử dụng UAV, Triều Tiên có thể mở rộng phạm vi các đòn khiêu khích cả trên đất liền và trên biển, dọc khu phi quân sự (DMZ) hay đường ranh giới phía Bắc (NLL). Rất nhiều mục tiêu sẽ lọt vào tầm tấn công của họ. Thường thì các hành động khiêu khích của Triều Tiên chỉ diễn ra gần đường biên giới với Hàn Quốc, điều này cho thấy họ thiếu khả năng tấn công sâu hơn. Nhưng giới hạn đó sẽ bị gỡ bỏ, bởi nếu dùng drone, Triều Tiên có thể thâm nhập sâu hơn vào lãnh thổ Hàn Quốc và tung đòn công kích.
Viễn cảnh này càng đáng ngại hơn bởi thực tế là các vùng đô thị lớn nhất của Hàn Quốc lại nằm sát biên giới với Triều Tiên. Hành lang Seoul-Kyeonggi-Incheon chiếm tới 60% tổng dân số Hàn Quốc. Nhà Xanh - Phủ Tổng thống Hàn Quốc - chỉ cách DMZ chưa đầy 23 dặm.
Theo National Interest