Bản báo cáo vừa công bố của hai chuyên gia Ashlay Townshend và Rory Medcalf thuộc Viện Lowy về chính sách quốc tế nêu rõ, Bắc Kinh tập trung vào những hành động hung hăng nhằm củng cố thực trạng mới được tạo ra tại vùng biển châu Á.
Theo các chuyên gia Úc, chiến lược của Trung Quốc tập trung xung quanh chương trình xây đảo nhân tạo trái phép, và đã bồi lấp hơn 1.214 ha đất trên 7 thực thể địa lý mà Bắc Kinh cưỡng chiếm tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Những hành động của Trung Quốc đã châm ngòi căng thẳng với các nước tuyên bố chủ quyền khác, bao gồm Philippines và Việt Nam và thúc đẩy Mỹ thực hiện các chuyến tuần tra thực thi tự do hàng hải ở Biển Đông.
Trong khi hầu như không thể buộc Trung Quốc triệt thoái các tiền đồn trên, chính sách cấp bách hiện nay bên cạnh việc bảo vệ tự do hàng hải, là ngăn chặn thực trạng đẩy mạnh quân sự hóa hoặc thiết lập một vùng nhận diện phòng không mới để trả đũa ở Biển Đông, chuyên gia Úc đề xuất.
Trung Quốc đã tuyên bố một khu vực nhận diện phòng không vào tháng 11/2013 tại biển Hoa Đông, bao trùm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản. Trong bối cảnh Trung Quốc cố gắng áp đặt yêu sách chủ quyền phi lý, các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh có thể cố thiết lập một vùng nhận diện phòng không tương tự ở Biển Đông.
Mỹ đang lo ngại Trung Quốc có thể sắp bắt đầu khởi động việc bồi lấp, xây đảo nhân tạo tiếp theo tại khu vực bãi cạn Scarborough chiếm được của Philippines năm 2012. Ngày 19/4 vừa qua, Mỹ đã điều 6 máy bay quân sự tiến sát bãi cạn chỉ năm cách bờ biển Philippines khoảng 230km.
Đô đốc Harry Harris, chỉ huy bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã cảnh báo, bổ sung thêm một đường băng nữa vào mạng lưới đương băng và các địa điểm giám sát hiện hữu Trung Quốc sẽ “tạo ra một cơ chế kiểm soát thực tế toàn bộ Biển Đông trong bất cứ kịch bản chiến tranh chớp nhoáng nào”.
Hai chuyên gia Ashlay Townshend và Rory Medcalf gọi chiến lược hiện nay của Trung Quốc là “sự hung hăng tiêu cực”, nơi Bắc Kinh lợi dụng danh nghĩa sự ổn định của khu vực hòng thúc đẩy việc xây dựng đảo nhân tạo trái phép, quân sự hóa khu vực và bành trướng lực lượng hải quân, cũng như tuần tra cưỡng chế nhằm tạo ra khu vực chủ quyền quân sự mới.
Một phần của chiến lược này là mô tả Mỹ và các đồng minh như những kẻ xâm lược. Chiến thuật này đã được sử dụng trong cuộc họp báo hàng tháng mới đây của bộ quốc phòng Trung Quốc. “Cái gọi là chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ đã đẩy tình hình ở Biển Đông vào mất trật tự, hủy hoại sự ổn định khu vực và làm tổn hại đến lợi ích an ninh của các quốc gia ven biển”, phát ngôn viên bộ quốc phòng Trung Quốc Wu Qian cáo buộc.
“Phát biểu của Trung Quốc là ví dụ mới nhất về những cố gắng tuyên truyền của nước này nhằm phác họa Mỹ như một nhân tố khiêu khích chính trên biển. Bằng cách mô tả Mỹ và các đối tác của Mỹ như những lực lượng gây bất ổn, chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc có thể gây lẫn lộn về việc ai đang gây căng thẳng trên biển ở châu Á”, nhà nghiên cứu Townshend vạch rõ.
Để chiến đấu với chiến lược hung hăng của Trung Quốc, các nước có lợi ích nên thông qua những giải pháp nhằm áp đặt những cái giá phải trả gián tiếp và trực tiếp đối với Trung Quốc. Khuyến nghị bao gồm:
Tăng cường và mở rộng các biện pháp xây dựng lòng tin về hàng hải và hàng không nhằm đưa quy tắc ứng xử Trung Quốc-Nhật Bản và Trung Quốc-ASEAN lên cấp độ ngang với quy chế Trung Quốc-Mỹ. Bộ quy tắc về những va chạm ngẫu nhiên trên biển nên bao gồm cả các lực lượng tuần duyên và các cơ quan thực thi pháp luật dân sự trên biển khác.
Các quốc gia nên thực thi tự do hàng không và lưu thông trong phạm vi khu vực 12 hải lý của các đảo nhân tạo Trung Quốc yêu sách chủ quyền và vùng đặc quyền 200 hải lý tính từ bờ biển Trung Quốc.
Cũng nên mở rộng năng lực hàng hải cho tất cả các nước nhằm phản ứng trước sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc. Bao gồm việc chuyển giao các tàu bè, máy bay và các công nghệ giám sát cho phép các nước như Philippines và Malaysia tuần tra vùng biển của nước mình.
Mở rộng chiến dịch chỉ trích ngoại giao nhằm vào danh tiếng như một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế của Trung Quốc, bao gồm tăng cường ủng hộ vụ Philippines kiện Trung Quốc tại Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế.