Ngày càng nhiều bằng chứng rằng những hoạt động xây dựng đảo (chứ không phải bồi lấp) tại Biển Đông đang tạo nên một mạng lưới các căn cứ quân sự của Trung Quốc với các hệ thống radar và các cơ sở ngầm, cũng như hoạt động hàng không và những đơn vị giám sát trên biển.
Theo ông Goldrick, hiệu ứng tích lũy có ý đồ của các nhà lập kế hoạch Trung Quốc có vẻ đã khiến nó trở nên quá nguy hiểm trong một cuộc xung đột với các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ, khi tiến hành các hoạt động quân sự quy mô trong khu vực, cho dù ở bên trên hay bên dưới Biển Đông. Và chắc chắn bảo đảm rằng không có gì không bị phát hiện vào thời bình.
Mục tiêu của Trung Quốc có khả năng liên quan đến vùng biển phía nam đảo Hải Nam, được xem là một thiên đường an toàn cho lực lượng hải quân của nước này, nhất là đối với lực lượng tàu ngầm Trung Quốc, cũng như một điểm xuất phát cho các chiến dịch xa hơn.
Đó không phải là một sự phát triển được chào đón với Mỹ, Washington đã xem những hòn đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông là “Bức trường thành cát”. Quy mô cũng như kích cỡ của các công trình Trung Quốc ráo riết xây dựng cũng khiến các nước tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông hết sức quan ngại, và cũng là sự xác nhận không được hoan nghênh về sức mạnh hàng hải đang gia tăng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, tự thân các đảo nhân tạo do Trung Quốc tạo ra không phải vấn đề cốt lõi, mà chính là việc quân đội nước này mưu đồ hỗ trợ cho cái gọi là yêu sách “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với vùng biển và thái độ hung hăng xác lập “chủ quyền” của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, các đảo nhân tạo của Trung Quốc đã tạo ra một “sự đã rồi” với các quốc gia khác mà họ có thể hoặc phải chung sống với thực tế này. Mỹ sẽ dành năng lực để đối phó với các công nghệ và chiến lược chống tiếp cận của Trung Quốc. Hiển nhiên, trong một cuộc xung đột cường độ cao, các “tàu sân bay không chìm” (nhưng cũng không thể di chuyển được” như vậy sẽ là những mục tiêu hàng đầu trong danh sách và rất dễ tổn thương.
Vấn đề quan trọng hơn là những hành động khác của Trung Quốc hiện nay cũng như trong tương lai sẽ có ý nghĩa thế nào trong quan hệ dài hạn với vùng biển Đông Nam Á. Việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo khác tại bãi cạn Scarborough cũng như tuyên bố thiết lập một khu nhận diện phòng không trên Biển Đông chắc chắn sẽ đẩy căng thẳng leo thang thêm.
Tuy nhiên, nguy hiểm thực sự là Trung Quốc sẽ áp đặt quan điểm của mình về cái gọi là “chủ quyền” trên Biển Đông và các lực lượng bán quân sự của nước này sẽ được sử dụng để xua đuổi tàu cá và lực lượng của các nước ven biển khác, nhiều khả năng bắt đầu với Philippines. Việc này có thể xảy ra như một phản ứng cảm tính trước một phán quyết không có lợi trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài thường trực quốc tế, nhưng cũng có thể xảy đến do sự tranh chấp ngư trường Biển Đông.
Chính quyền tỉnh Hải Nam đã thừa nhận rằng đã hỗ trợ cho các ngư dân tỉnh này, tạo điều kiện cho phép họ hoạt động ở những ngư trường xa hơn và trong thời gian lâu dài hơn. Cả chính quyền tỉnh và chính quyền trung ương Trung Quốc dường như chịu sức ép thậm chí là hỗ trợ mạnh hơn cho lực lượng ngư dân và việc này có thể dẫn đến hành động trực tiếp đối đầu ngư dân các nước khác.
Ông Goldrick nhận định, nếu Trung Quốc xua đuổi các nước khác khỏi khu vực, Bắc Kinh thay vì thế sẽ hứng chịu nguy cơ đánh mất hòa bình. Trái ngược với mong muốn thống trị Biển Đông sẽ được chấp nhận như “một sự đã rồi”, tình thế sẽ đảo ngược. Các nước tuyên bố chủ quyền khác sẽ không bao giờ chấp nhận việc bị ép cắt đứt khỏi các khu vực hoạt động truyền thống của mình, và đặc biệt nhạy cảm với bất cứ hành vi xâm phạm chủ quyền quốc gia nào.
Với tư cách một nước tìm kiếm vai trò lãnh đạo cả ở cấp độ khu vực cũng như trên toàn cầu, Trung Quốc sẽ phải cân nhắc rất kỹ quả "bom nổ chậm" hẹn giờ này.