Mỹ dồn dập “tung chiêu” đối phó Trung Quốc

Ngày 28/4, Mỹ cho biết Trung Quốc sẽ mất uy tín trầm trọng nếu phớt lờ phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực về Biển Đông, đồng thời thúc giục các nước Đông Nam Á kề vai sát cánh với nhau sau khi phán quyết được đưa ra.
Quốc hội Mỹ đã hối thúc Nhà Trắng tăng cường tuần tra thực thi tự do hàng hải ở Biển Đông
Quốc hội Mỹ đã hối thúc Nhà Trắng tăng cường tuần tra thực thi tự do hàng hải ở Biển Đông

Mỹ đang tăng cường hợp tác với những nước đồng minh châu Á để đối phó với hành vi hung hăng và khiêu khích ở Biển Đông" của Trung Quốc, vốn đang thách thức quyền tự do hàng hải ở thủy lộ hệ trọng này, theo phát biểu của Phó Ngoại trưởng Anthony Blinken trước các nhà lập pháp ngày 28/4 tại một buổi điều trần của Ủy Ban Đối ngoại Hạ viện.

Phát biểu của ông Blinken được đưa ra sau khi một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ giới thiệu Đạo luật Sáng kiến An ninh Hàng hải Châu Á-Thái Bình Dương, luật mà họ nói sẽ tăng cường trợ giúp an ninh cho những nước đối tác trong khu vực Đông Nam Á và gia tăng những cuộc tuần tra hải quân của Mỹ gần những đảo tranh chấp ở Biển Đông.

Những quan chức quốc phòng chưa công khai xác nhận tần suất những cuộc tuần tra của Hải quân Mỹ trong vùng biển tranh chấp, mặc dù một số nhà lập pháp Mỹ đã yêu cầu chính quyền tăng tốc những hoạt động thực thi quyền tự do hàng hải trong khu vực đó trên cơ sở hàng tuần hoặc hàng tháng.

"Điều một chiếc tàu đi mỗi quý đơn giản là không đủ để gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc," Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Cory Gardner từ bang Colorado cho biết hôm 27/4. Ông là chủ tịch Tiểu ban Đông Á Quan hệ Quốc tế của Thượng viện, và là một trong những người bảo trợ dự luật về an ninh hàng hải mới này.

Đề xuất này khiến Bắc Kinh hết sức tức tối. Hôm 28/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trích dẫn số liệu từ một tạp chí của Mỹ (Tạp chí National Interest) trong đó chỉ ra rằng để vận hành một nhóm tàu tấn công tiêu tốn của Mỹ "6,5 triệu USD/ngày". Hoa Xuân Oánh lên án dự luật và nói rằng Washington đã "đang cố tình phóng đại" chống lại Bắc Kinh trong khi người đóng thuế ở Mỹ chịu thiệt.

"Với nợ quốc gia của Mỹ vượt quá 19 ngàn tỉ USD, liệu những người ở Mỹ có được người đóng thuế ủng hộ khi họ cố công cố sức thúc đẩy cái gọi là hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông?", bà Hoa đặt câu hỏi.

Mặc dù Mỹ không phải là một bên có yêu sách chủ quyền đối với những đảo tranh chấp ở Biển Đông, những quan chức cấp cao đã nói rằng việc các bên tranh chấp khác nhau theo đuổi yêu sách của mình một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế là điều thiết yếu đối với những lợi ích của Mỹ.

Ông Blinken nói với những nhà lập pháp rằng bất cứ điều gì "đe dọa quyền tự do hàng hải" và việc giải quyết hòa bình những tranh chấp là "một vấn đề" đối với Mỹ.

Theo Reuteurs, Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye sẽ ra phán quyết trong vài tuần tới về vụ Philippines kiện Trung Quốc về đường «lưỡi bò», tức là về việc Bắc Kinh đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông. Phán quyết của tòa án này được dự báo là có lợi cho Philippines. Nếu đúng như vậy, căng thẳng trong khu vực có nguy cơ sẽ gia tăng, vì Trung Quốc đã không chấp nhận thẩm quyền của tòa án.

Nhưng tuyên bố trong một cuộc điều trần trước Hạ viện Mỹ, thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken, nói rằng Trung Quốc không thể là nước đã ký Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, mà lại phủ nhận các điều khoản của công ước này, trong đó có điều khoản về «hiệu lực bắt buộc của bất kỳ quyết định nào của trọng tài». Hơn thế nữa, nếu Trung Quốc phớt lờ phán quyết, uy tín của Trung Quốc sẽ bị tổn hại nghiêm trọng, khiến các nước trong khu vực xích lại với nhau gần hơn và thậm chí gần với Mỹ hơn.

Mỹ đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng cộng đồng 10 nước Đông Nam Á (ASEAN) thành một tổ chức lấy số lượng thành viên làm lợi thế để đối phó với những khó khăn, như vấn đề Biển Đông. Mỹ cũng đã nỗ lực vận động các nước Đông Nam Á đưa ra tuyên bố rằng phán quyết của Tòa án Thường trực phải mang tính chất bắt buộc thi hành.

Lãnh đạo Mỹ và các nước Đông Nam Á trong một cuộc gặp hồi tháng 02/2016 đã đồng ý với nhau rằng các tranh chấp về lãnh thổ nên được giải quyết một cách hòa bình và thông qua các công cụ pháp lý. Trung Quốc cũng nỗ lực vận động nhằm chia rẽ ASEAN trong vấn đề Biển Đông và cho biết hôm 24/4 rằng Brunei, Campuchia và Lào đã đồng ý với Trung Quốc rằng tranh chấp Biển Đông không nên ảnh hưởng đến quan hệ giữa Bắc Kinh và khối ASEAN. Tuy nhiên Campuchia đã phủ nhận thông tin này.