Học giả Trung Quốc: Tình hình biên giới Trung - Ấn giống hệt trước khi chiến tranh năm 1962

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chỉ huy quân đội Ấn Độ và Trung Quốc lại bế tắc trong cuộc đàm phán rút quân khỏi các khu vực biên giới quan trọng đã xảy ra va chạm mà không giải quyết được cuộc đối đầu kéo dài suốt 17 tháng qua.
Hình ảnh lính Trung Quốc và lính Ấn Độ hỗn chiến năm 2020 mới được đăng tải trên mạng xã hội Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).
Hình ảnh lính Trung Quốc và lính Ấn Độ hỗn chiến năm 2020 mới được đăng tải trên mạng xã hội Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).

Hôm Chủ nhật (10/10), quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức vòng đàm phán cấp chỉ huy quân đoàn lần thứ 13 tại Muldo bên phía Trung Quốc ở khu vực Ladakh. Ấn Độ nói họ đã đưa ra "đề xuất mang tính xây dựng", nhưng phía Trung Quốc "không đồng ý" và "không thể đưa ra bất kỳ đề xuất tích cực nào". Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ấn Độ đưa ra ngày 10/11, trong khi hội đàm phía Ấn Độ cho rằng tình hình ở đường kiểm soát thực tế (LAC) hiện nay là do phía Trung Quốc đơn phương định thay đổi hiện trạng gây nên, vi phạm thỏa thuận giữa hai bên. Ấn Độ yêu cầu Trung Quốc có những bước đi thích hợp để khôi phục hòa bình và ổn định ở đoạn phía Tây LAC, nhưng phía Trung Quốc không đồng ý và cũng không đưa ra bất cứ đề nghị xây dựng nào. Vì vậy cuộc đàm phán không đạt được kết quả nào.

Long Thiệu Hoa, người phát ngôn của Chiến khu Miền Tây PLA lại nói phía Ấn Độ vẫn kiên trì những yêu cầu phi lý và phi thực tế, gây thêm khó khăn cho cuộc đàm phán. Long Thiệu Hoa khẳng định: "Trung Quốc có ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia; hy vọng phía Ấn Độ sẽ không đánh giá sai tình hình".

Vòng đàm phán cấp quân đoàn Trung - Ấn lần thứ 13 hôm 10/10 kết thúc thất bại, hai bên không đạt được thỏa thuận nào (Ảnh: Guancha).

Vòng đàm phán cấp quân đoàn Trung - Ấn lần thứ 13 hôm 10/10 kết thúc thất bại, hai bên không đạt được thỏa thuận nào (Ảnh: Guancha).

Điều này có nghĩa là Ấn Độ và Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai quân đội của họ tới khu vực Ladakh ở biên giới trong mùa đông lạnh giá thứ hai liên tiếp.

Kể từ tháng 2 năm nay, cả quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã rút khỏi các địa điểm đối đầu ở hồ Pangong, Gogla và Thung lũng Galwan.

Truyền thông Ấn Độ đưa tin rằng đã có thêm các đợt triển khai quân sự ở Dimchuk và đồng bằng Depsang. Trước cuộc đàm phán này, Tổng tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ đã bày tỏ bất bình về việc Trung Quốc triển khai quy mô lớn quân đội và vũ khí dọc theo biên giới nước này.

Tướng M.M Naravane nói hôm 10/10: “Trung Quốc đã có một đợt tập kết quân sự quy mô lớn ở biên giới phía họ, tiếp tục triển khai và để duy trì sự tập kết đó, họ cũng xây dựng cơ sở hạ tầng số lượng tương tự, đáng để chúng ta quan ngại".

Ông nói: "Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ đóng quân lâu dài ở đó. Chúng tôi đang chú ý theo dõi tất cả những diễn biến này. Nhưng nếu họ muốn ở lại đây, chúng ta cũng sẽ như vậy".

Lính Trung Quốc trong cuộc xung đột năm ngoái (Ảnh: Dwnews).

Lính Trung Quốc trong cuộc xung đột năm ngoái (Ảnh: Dwnews).

Nhiệt độ ở các vùng biên giới của Ladakh đã giảm xuống âm 30 độ C vào tháng 1. Cả hai quân đội khi đó đều rút lui về vị trí đóng quân mùa hè, nhưng họ vẫn tiếp tục ở lại gần khu vực biên giới tranh chấp này kể từ khi cuộc đối đầu bùng nổ vào tháng 5/2020.

Ấn Độ và Trung Quốc hiện có hàng chục nghìn binh sĩ ở cả hai bên biên giới được gọi là "đường kiểm soát thực tế" (LAC), với trang bị đại pháo, xe tăng và máy bay chiến đấu. Năm ngoái, binh sĩ hai bên đã đụng độ ở biên giới tranh chấp. Lính hai bên đã tấn công đối phương bằng gậy gộc, đá và nắm đấm khiến hơn 20 binh sĩ Ấn Độ tử vong, Trung Quốc nói họ có 4 binh sĩ bị giết.

Kể từ khi bắt đầu cuộc đối đầu năm ngoái, Trung Quốc đã xây dựng hàng chục dãy nhà dọc theo "đường kiểm soát thực tế" ở phía Đông Ladakh để quân đội của họ có thể sống qua mùa Đông ở đây. Truyền thông Ấn Độ đưa tin, một sân bay trực thăng mới đã được thiết lập ở đây với đường băng được mở rộng và doanh trại mới, các trận địa tên lửa đất đối không và radar mới.

Hình ảnh Trung Quốc công bố cho thấy lính PLA đã kiểm soát được khu vực tranh chấp ở Thung lũng Galwan sau vụ đụng độ đẫm máu tháng 6/2020 (Ảnh: Dwnews).

Hình ảnh Trung Quốc công bố cho thấy lính PLA đã kiểm soát được khu vực tranh chấp ở Thung lũng Galwan sau vụ đụng độ đẫm máu tháng 6/2020 (Ảnh: Dwnews).

Vòng đàm phán mới bế tắc và đối đầu ở biên giới Trung-Ấn có thể gia tăng. Một số học giả Trung Quốc cho rằng việc Ấn Độ kiên quyết đòi khôi phục lại tình trạng kiểm soát thực tế vào đầu năm ngoái là do được sự hỗ trợ của Mỹ, Ấn Độ tin rằng tình hình thế giới hiện có lợi cho họ.

Ông Lâm Dân Vượng, Phó chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Nam Á, Đại học Phục Đán nói: "Ấn Độ cho rằng tình hình thế giới đang có lợi cho họ. Trung – Mỹ hiện đang ở trong thời kì cạnh tranh chiến lược. Mỹ đã gây áp lực chiến lược lớn lên Trung Quốc. Đồng thời Ấn Độ đang ở vào thế có lợi trong quan hệ giữa các nước lớn. Trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của mình, Mỹ rất coi trọng Ấn Độ. Sau khi ông Biden nắm quyền, Mỹ và Ấn Độ thường xuyên qua lại và tăng cường hợp tác, cùng nhau thực hiện kiềm chế Trung Quốc. Vì vậy Ấn Độ cho rằng họ có đủ niềm tin và khí thế để đưa ra những yêu cầu bất hợp lý đối với Trung Quốc".

Mạng xã hội Trung Quốc gần đây đăng tải hình ảnh binh sĩ Ấn Độ bị bắt sau vụ xung đột đẫm máu ở Thung lũng Galwan (Ảnh: Dwnews).

Mạng xã hội Trung Quốc gần đây đăng tải hình ảnh binh sĩ Ấn Độ bị bắt sau vụ xung đột đẫm máu ở Thung lũng Galwan (Ảnh: Dwnews).

Tờ Lianhe Zaobao của Singapore dẫn lời các học giả Trung Quốc được phỏng vấn nói rằng Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức hơn mười vòng đàm phán cấp chỉ huy quân đoàn về vấn đề biên giới. Tuyên bố mới nhất của PLA cũng gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới quân đội Ấn Độ rằng sự kiên nhẫn của Trung Quốc là có hạn, ngụ ý rằng Ấn Độ không nên đánh giá rằng môi trường quốc tế hiện tại là có lợi cho mình và “được đằng chân lân đằng đầu” trong cuộc đàm phán biên giới.

Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức vòng đàm phán cấp chỉ huy quân sự lần thứ 13 tại điểm họp Moldo/Chushul của phía Trung Quốc vào ngày 10/10. Ông Long Thiệu Hoa cho rằng Trung Quốc đã rất nỗ lực thúc đẩy tình hình biên giới bớt căng thẳng và thể hiện đầy đủ thành ý của mình trong cuộc hội đàm, nhưng Ấn Độ vẫn kiên trì những yêu cầu phi lý và thiếu thực tế, gây thêm khó khăn cho cuộc đàm phán. Ông kêu gọi Ấn Độ thể hiện thành ý và hành động để cùng Trung Quốc duy trì hòa bình và yên tĩnh ở khu vực biên giới.

Quân đội Ấn Độ ra tuyên bố phản bác, cho rằng phía Ấn Độ đã đưa ra các đề xuất mang tính xây dựng để giải quyết tranh chấp, "nhưng Trung Quốc không chấp nhận và cũng không thể đưa ra bất kỳ đề xuất có tính xây dựng nào".

Lính Trung Quốc dùng đá tấn công lính Ấn Độ - hình ảnh mới được công bố trên mạng xã hội (Ảnh: Dwnews).

Lính Trung Quốc dùng đá tấn công lính Ấn Độ - hình ảnh mới được công bố trên mạng xã hội (Ảnh: Dwnews).

Tuyên bố nêu rõ hai bên nhất trí duy trì liên lạc và ổn định trên thực địa, đồng thời bày tỏ hy vọng Trung Quốc sẽ xem xét tổng thể mối quan hệ song phương, nỗ lực giải quyết các vấn đề còn lại càng sớm càng tốt.

Các cơ quan truyền thông Ấn Độ chỉ ra rằng vòng đàm phán Trung-Ấn mới nhất diễn ra vào thời điểm quân đội Ấn Độ bất bình trước việc PLA triển khai quy mô lớn quân đội và vũ khí dọc theo biên giới.

Bloomberg hôm 11/10 chỉ ra rằng Ấn Độ đã tăng thêm khoảng 50.000 quân đến khu vực biên giới với Trung Quốc vào đầu năm nay và chuyển sang áp dụng một thế trận quân sự tấn công với Trung Quốc.

Ông Thành Hiểu Hà, giáo sư tại Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân của Trung Quốc, khi trả lời phỏng vấn Lianhe Zaobao nói rằng khi Trung Quốc và Mỹ đang cạnh tranh chiến lược, Ấn Độ hiện sử dụng Cơ chế Đối thoại An ninh Bộ Tứ Ấn Độ - Thái Bình Dương (Quad) và hợp tác an ninh song phương với Mỹ, Nhật Bản, Australia để củng cố vị thế và ảnh hưởng trong cộng đồng quốc tế, hy vọng có được vị thế thuận lợi hơn trong vấn đề biên giới Trung-Ấn và gia tăng vị thế thương lượng.

Sau khi ông Joe Biden lên nắm quyền, quan hệ Mỹ - Ấn Độ ngày càng chặt chẽ hơn (Ảnh: Dwnews).

Sau khi ông Joe Biden lên nắm quyền, quan hệ Mỹ - Ấn Độ ngày càng chặt chẽ hơn (Ảnh: Dwnews).

Ông Thành Hiểu Hà cho rằng tình hình hiện tại tương tự như trước khi nổ ra Chiến tranh biên giới Trung-Ấn năm 1962. Tức là vào thời điểm đó Ấn Độ đánh giá rằng Trung Quốc đang ở thế bất lợi vì bất hòa với Mỹ và Liên Xô. Ông nói trong cuộc đàm phán mới nhất, PLA bày tỏ sự bất bình với quân đội Ấn Độ, đồng thời gửi đi một tín hiệu quan trọng: “Đừng nghĩ rằng môi trường quốc tế hiện tại của Trung Quốc là tương đối phức tạp và có lợi cho Ấn Độ để được đằng chân lân đằng đầu ở biên giới... Không loại trừ tới đây sẽ không đàm phán được, thậm chí tình hình ở biên giới sẽ tiếp tục nóng lên. Đây là một tín hiệu rất mạnh".

Cũng đã xuất hiện cuộc chiến dư luận giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong những ngày gần đây. Tờ India Today hôm 8/10 đưa tin, các lực lượng vũ trang Trung Quốc và Ấn Độ đã có một cuộc đối đầu vào tuần trước. Khoảng 200 binh sĩ PLA đã vượt qua đường kiểm soát thực tế ở bang Arunachal Pradesh (Trung Quốc nói đó là khu vực Tạng Nam của Trung Quốc), một số binh sĩ Trung Quốc đã bị bắt giữ trong thời gian ngắn.

Tờ China Daily ngày 9/10 đã đưa ra phản bác, nói rằng ngày 28/9, các lính PLA đã bị quân đội Ấn Độ chặn đường một cách vô lý trong khi tuần tra thường lệ ở khu vực Dongzhang trên đất Trung Quốc, các sĩ quan và binh sĩ Trung Quốc đã kiên quyết chống trả và quay trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ tuần tra. Báo này nói, truyền thông Ấn Độ nói lính Trung Quốc vượt biên giới bị bắt giữ là “bịa đặt, nói không thành có, không đúng sự thật".

Cảnh tượng hỗn chiến khi binh sĩ Trung Quốc tấn công chiếm một điểm cao do quân Ấn Độ chốt giữ hồi năm ngoái (Ảnh: Dwnews).

Cảnh tượng hỗn chiến khi binh sĩ Trung Quốc tấn công chiếm một điểm cao do quân Ấn Độ chốt giữ hồi năm ngoái (Ảnh: Dwnews).

Các ý kiến phân tích chỉ ra rằng các cuộc đàm phán mới nhất giữa Trung Quốc và Ấn Độ tuy căng thẳng nhưng sẽ không vượt khỏi tầm kiểm soát và gây ra xung đột biên giới quy mô lớn do hai bên hiện đều không có động cơ muốn thay đổi hiện trạng.

Một sự thay đổi tinh tế khác cũng được phản ánh qua những bức ảnh được tiết lộ gần đây trên mạng Trung Quốc về những người lính Ấn Độ bị bắt trong cuộc xung đột năm ngoái có thể là động tác đáp lại truyền thông Ấn Độ, nhằm cảnh báo Ấn Độ về kết quả của các hành vi khiêu khích.

Liệu tình hình biên giới Trung-Ấn có trở nên căng thẳng hơn trong thời gian tới? Ông Lâm Dân Vượng cho rằng điều đó vẫn cần được quan sát. Lực lượng cả hai bên ở biên giới đều đang trong trạng thái sẵn sàng. Nhìn chung, tình hình không mấy lạc quan. Đây là một phép thử cho cả Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, có lẽ không bên nào muốn xảy ra một vòng xung đột mới, "cục diện nói chung có thể kiểm soát được".