Biên giới Trung - Ấn lại căng thẳng, Ấn Độ tăng quân, Trung Quốc cảnh báo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ấn Độ đã điều thêm ít nhất 50.000 quân tới biên giới Trung-Ấn và áp dụng thế trận chuyển từ phòng thủ sang tấn công để đối phó Trung Quốc.
Nhiều nguồn tin Ấn Độ và nước ngoài cho biết Ấn Độ đã tăng thêm 50 ngàn quân ra biên giới Trung Ấn và thay đổi thế trận bố trí (Ảnh: Deutsche Welle).
Nhiều nguồn tin Ấn Độ và nước ngoài cho biết Ấn Độ đã tăng thêm 50 ngàn quân ra biên giới Trung Ấn và thay đổi thế trận bố trí (Ảnh: Deutsche Welle).

Theo các cơ quan truyền thông Ấn Độ như The Times of India ngày 28/6, mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ đã xảy ra chiến tranh trên dãy Himalaya vào năm 1962, nhưng trọng tâm chiến lược của New Delhi vẫn là Pakistan. Hai bên đã giao tranh tổng cộng 3 lần. Tuy nhiên, kể từ khi cuộc xung đột đẫm máu nổ ra ở biên giới Trung Quốc - Ấn Độ vào năm ngoái, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tìm cách xoa dịu căng thẳng với Islamabad và tập trung nỗ lực đối phó Bắc Kinh.

Theo 4 người nắm rõ tình hình tiết lộ, trong những tháng gần đây, Ấn Độ đã điều động quân đội và máy bay chiến đấu tới 3 khu vực dọc biên giới với Trung Quốc. Hai trong số các nguồn tin nói rằng Ấn Độ đã tập kết khoảng 200.000 quân tại biên giới, nhiều hơn 40% so với năm ngoái. Tuy nhiên, hiện cả quân đội Ấn Độ và người phát ngôn của Văn phòng Thủ tướng Modi đều không phản hồi về thông tin này.

Một trong những nguồn tin cho biết, trước đây mục đích của quân đội Ấn Độ ở biên giới là ngăn cản Trung Quốc tiến công, còn việc tái bố trí lần này sẽ giúp các chỉ huy Ấn Độ có thêm lựa chọn, sử dụng cái gọi là chiến lược “offensive defence” (phòng thủ mang tính tấn công) để tấn công khi cần thiết và chiếm đóng lãnh thổ. của Trung Quốc.

Ngày 15/6/2020 đã xảy ra vụ đụng độ đẫm máu ở Thung lũng Galwan (Ảnh: CCTV).

Ngày 15/6/2020 đã xảy ra vụ đụng độ đẫm máu ở Thung lũng Galwan (Ảnh: CCTV).

Sự tái bố trí này bao gồm việc sử dụng nhiều máy bay trực thăng hơn để vận chuyển binh lính giữa các thung lũng, cũng như các loại vũ khí như lựu pháo M777 do do hãng BAE Systems của Anh chế tạo. Mặc dù hiện không rõ có bao nhiêu binh sĩ PLA đóng ở biên giới Trung - Ấn, nhưng Ấn Độ nhận thấy rằng Trung Quốc gần đây đã triển khai thêm quân từ Tân Cương tới để tăng quân cho Quân khu Tây Tạng, nơi chịu trách nhiệm tuần tra các khu vực tranh chấp trên dãy Himalaya.

Ngoài ra, hai nguồn tin cho biết Trung Quốc đang xây dựng các đường băng mới và boong-ke chống đạn dọc theo biên giới tranh chấp ở Tây Tạng để chứa máy bay chiến đấu và lập sân bay mới. Họ nói rằng trong mấy tháng gần đây, Bắc Kinh cũng đã bổ sung lực lượng pháo binh, xe tăng, tên lửa tầm xa và máy bay chiến đấu hai động cơ tới. Điều đáng lo ngại hiện nay là trong trường hợp phán đoán sai có thể xảy ra xung đột với thương vong thảm trọng. Gần đây, Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức một số vòng đàm phán cấp chỉ huy quân đoàn, họ muốn khôi phục tình trạng hòa bình đã duy trì trong nhiều thập kỷ, nhưng tiến triển rất ít.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh bắt đầu chuyến thị sát khu vực Ladakh ở biên giới Trung - Ấn từ 27/6 (Ảnh: Indian Army).

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh bắt đầu chuyến thị sát khu vực Ladakh ở biên giới Trung - Ấn từ 27/6 (Ảnh: Indian Army).

Ông D.S. Hooda, cựu Tư lệnh quân đoàn miền Bắc Ấn Độ cho biết, vào thời điểm hiệp định quản lý biên giới bị phá vỡ, việc hai bên tập trung nhiều quân như vậy ở biên giới thực sự rất nguy hiểm. "Cả hai bên đều có khả năng tích cực tuần tra biên giới tranh chấp, các sự cố nhỏ cục bộ có thể gia tăng, dẫn đến mất kiểm soát và hậu quả khôn lường".

Ba nguồn tin cho biết, khu vực phía bắc Ladakh, nơi nổ ra mấy vụ xung đột giữa Trung Quốc và Ấn Độ vào năm ngoái, là khu vực có số lượng quân tăng cường mạnh nhất, ước tính có khoảng 20.000 người, một số trong số đó ban đầu làm nhiệm vụ đối phó Pakistan và chống khủng bố nay cũng được triển khai tới đây. Việc tái bố trí này đồng nghĩa với việc New Delhi sẽ có thêm binh lính đã quen với việc chiến đấu trên dãy Himalaya. Số binh sĩ được triển khai ở biên giới phía tây để đối phó với Pakistan sẽ giảm bớt.

Trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 28/6 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã bắt đầu chuyến thị sát khu vực Ladakh gần Trung Quốc trong ba ngày bắt đầu từ Chủ nhật (27/6). Ông đã gặp gỡ các binh sĩ Ấn Độ trên tiền tuyến để nâng cao tinh thần cho binh sĩ.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh thị sát các đơn vị quân đội ở khu vực Ladakh (Ảnh: Indian Army).

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh thị sát các đơn vị quân đội ở khu vực Ladakh (Ảnh: Indian Army).

Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ đến thăm khu vực này kể từ sau khi quân đội hai nước rút khỏi các vị trí gần hồ Pangong vào tháng 2 năm nay. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết tình hình hiện tại trên biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ nhìn chung ổn định và hai bên đang đàm phán để giải quyết các vấn đề biên giới liên quan; Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ và quân đội không trả lời các câu hỏi của giới truyền thông.

Phía Trung Quốc đã lên tiếng phản ứng trước động thái này của phía Ấn Độ. Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chiều 28/6, khi phóng viên hãng Blooberg hỏi: “Theo các nguồn tạo tin, Ấn Độ đã đưa thêm ít nhất 50.000 binh sĩ tới biên giới và Ấn Độ đã tập kết tổng cộng khoảng 200.000 binh sĩ ở biên giới Trung-Ấn, tăng 40% so với năm ngoái. Trung Quốc bình luận gì về tin này?”; người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân trả lời: “Tình hình biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ hiện nay nhìn chung ổn định, hai bên đang đàm phán để giải quyết các vấn đề biên giới liên quan. Trong bối cảnh đó, lời nói, việc làm của lãnh đạo chính trị quân sự và cách bố trí quân sự cần có lợi cho việc làm dịu tình hình và tăng cường sự tin cậy lẫn nhau giữa hai bên chứ không phải ngược lại”.

Đồng thời, theo tin của Bloomberg ngày 28/6, Ấn Độ đã đưa thêm ít nhất 50.000 binh sĩ tới biên giới với Trung Quốc và chuyển sang áp dụng thế trận quân sự "phòng thủ mang tính tấn công" đối phó với Trung Quốc.

Các binh sĩ và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tuyên thệ bảo vệ biên giới (Video: ANI).

Thời điểm hiện nay là kỷ niệm 1 năm cuộc xung đột đẫm máu giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại Thung lũng Galwan. Vào ngày 15/6/2020, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã xảy ra một cuộc đụng độ đẫm máu ít thấy tại Thung lũng sông Galwan ở phía đông Ladakh, quân đội Ấn Độ tử trận 20 binh sĩ và PLA thiệt mạng 4 người. Cho đến tháng 2/2021 hai bên mới rút khỏi hồ Pangong, hiện hai bên đã hoàn tất việc cách ly tiếp xúc. Sau đó, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã tìm cách xoa dịu căng thẳng với kẻ thù truyền thống là Pakistan, tập trung sức lực vào việc đối phó với Trung Quốc và tăng cường hợp tác với Mỹ, Nhật Bản và Australia - các quốc gia thành viên của Đối thoại An ninh Bộ tứ (QUAD).

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình biên giới Trung - Ấn ngày càng căng thẳng. Ngày 22/6, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, khi tham dự Diễn đàn Kinh tế Qatar, tuyên bố Trung Quốc vẫn đang triển khai lực lượng quân sự dọc theo biên giới tranh chấp và không chắc chắn liệu Bắc Kinh có thực hiện cam kết giảm binh lực, gây nên thách thức trong quan hệ giữa hai nước.

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Việc triển khai quân sự của Trung Quốc trên khu vực phía tây của biên giới Trung Quốc - Ấn Độ là một phương án phòng thủ thông thường được thiết kế để ngăn chặn và đối phó với sự lấn chiếm và đe dọa của nước liên quan trên lãnh thổ Trung Quốc. Từ lâu nay, phía Ấn Độ liên tục tăng cường bố trí binh lực ở khu vực biên giới Trung - Ấn, không ngừng vượt qua ranh giới lấn chiếm lãnh thổ Trung Quốc, đây chính là nguồn cơn gây căng thẳng ở biên giới Trung - Ấn”.