Quả bóng 10 ngàn tỷ USD
Sau hàng chục các biện pháp giải cứu “đặc thù", chứng khoán TQ tiếp tục tăng khá mạnh trở lại phiên thứ 3 liên tiếp. Tính tới đầu giờ chiều 13/7, chỉ số tổng hợp Shanghai tăng thêm gần 3,3% và lần đầu tiên trong gần 3 tuần qua lấy lại được ngưỡng 4.000 điểm.
Không ít NĐT đã quay trở lại để bắt đáy sau khi các chỉ số chứng khoán tại đất nước có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này đã giảm 30-40%. Tuy nhiên, sự hồi phục trong vài ba phiên chưa khiến nhiều người an tâm bởi lịch sử biến động chứng khoán của nhiều nước trên thế giới cho thấy những đợt sóng hồi có thể kéo dài vài tuần, thậm chí vài tháng với mức độ tăng khá ấn tượng, nhiều khi lên tới gần đỉnh cũ.
Chia sẻ trên Bloomberg, chủ tịch Mark Mobius của Templeton Emerging Markets Group, tổ chức quản lý Templeton Frontiers Market Funds, cho rằng, TTCK Trung Quốc vẫn quá đắt và cần phải giảm thêm nữa.
Theo đánh giá của chuyên gia chứng khoán trên đây, ở nhiều thời này, mức giá hiện tại của một số cổ phiếu Trung Quốc đã trở về mức hợp lý nhưng về tổng thể thị trường chưa chạm đáy. Và chiến lược của Templeton là chờ tới khi nào giá cổ phiếu đủ hấp dẫn mới tìm kiếm các cơ hội đầu tư dài hạn.
Diễn biến chứng khoán Trung Quốc mấy ngày qua đã khiến thị trường tài chính thế giới lo ngại. |
Thực tế, TTCK Trung Quốc đã giảm nhanh hơn bất cứ TTCK nào khác trên thế giới. Với mức giảm trên 30% trong vòng gần một tháng kể từ 12/6, tổng vốn hóa chứng khoán Trung Quốc rơi rụng đã tương đương với GDP của cả nước Anh.
Một câu hỏi đặt ra là: với mức giảm khủng khiếp như vậy, cổ phiếu Trung Quốc đã thực sự đủ sức hấp dẫn và đáng để các NĐT bắt đấy hay chưa?
Cho dù đã bị bán tháo và giảm mạnh như vậy, chỉ số Shanghai Composite vẫn cao hơn gần 90% so với trước đây 12 tháng và cao gấp 1,5 lần so với mức trung bình trong vòng 5 năm qua. Chỉ số lợi giá/lợi nhuận (P/E) trung bình của chứng khoán Trung Quốc hiện vẫn đắt nhất trong 10 TTCK lớn nhất thế giới.
Trước đó, hồi giữa tháng 6, theo Bloomberg, TTCK Trung Quốc bất ngờ vượt qua ngưỡng 10 ngàn tỷ USD, gấp đôi thị trường Nhật và bằng 40% TTCK Mỹ, và tương đương 13% vốn hóa chứng khoán toàn cầu. Tỷ lệ này trước đó 6 tháng chỉ là 5%.
Lời cảnh báo cho cú đổ dốc tại Việt Nam
Nhìn vào các chỉ số sinh lời của chứng khoán Trung Quốc thời điểm hiện tại, không ít NĐT giật mình bởi chúng quá thấp. Theo Bloomberg, chỉ số P/E (giá/lợi nhuận) của cổ phiếu tầm trung trên TTCK hôm 10/7 vừa qua là 57 lần, so với con số 19 của S&P 500, 16 lần tại Anh và 13 lần ở Hong Kong. Còn giá của các cổ phiếu hạng nhỏ ChiNext gấp tới 81 lần so với lợi nhuận mà các DN có được, tức NĐT cần 81 năm để hoàn vốn.
Sự xì hơi của quả bong bóng chứng khoán hàng đầu trên thế giới này đã được thấy đâu đó ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. |
Sự bùng nổ của TTCK Trung Quốc trong hơn một năm qua khiến nhiều NĐT liên tưởng tới cú đạt đỉnh của chứng khoán Việt Nam hồi đầu năm 2007. TTCK Việt Nam đã cần rất nhiều thời gian để chạm đáy.
Trong thời kỳ cuối 2006 đầu 2007, cũng giống như Trung Quốc hiện nay, TTCK chứng kiến cảnh người người chơi chứng khoán, nhà nhà chơi chứng khoán. Tình trạng dân công sở bỏ việc đi đánh chứng khoán hay từ bà bán rau cho tới ông bán dạo dồn tiền vào chơi chứng khoán là bình thường.
Chỉ trong vòng vài tháng từ tháng 9/2006 đến 3/2007, VN-Index cũng đã tăng 150% (tương đương 2,5 lần) lên 1.170,7 điểm. Và cái tết chứng khoán 2007 thực sự là đáng nhớ cho nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, chỉ số P/E của 20 DN lớn nhất, chiếm tới 99% vốn hóa TTCK sàn Hose khi đó, theo IMF, đã lên tới trên 70 lần (cao nhất thế giới) và hàng loạt các cảnh báo đã được đưa ra nhưng không mấy người chú ý.
Trên thực tế, các NĐT chứng khoán khi đó đã kỳ vọng quá cao vào tăng trưởng của nền kinh tế. Cho dù tăng trưởng được dự báo là thiếu bền vững và trên đà suy giảm, nhưng dòng tiền khủng từ tín dụng và dòng vốn ngoại lớn được quy đổi ra VND và một phần không nhỏ đã được bơm vào BĐS và chứng khoán đã khiến TTCK bùng nổ.
Sau khi đạt đỉnh vào giữa tháng 3/207, VN-Index đã quay đầu giảm và chứng kiến 2 đợt hồi phục rất mạnh, lên suýt soát đỉnh cũ 1.170 điểm. Tuy nhiên, xu hướng giảm không thể tránh khỏi và TTCK đã tuột dốc kể từ cuối 2007 và 2 năm sau, tới đầu năm 2009 mới về tới đáy 235,5 điểm.
Trước đó, TTCK Việt Nam cũng chứng kiến “thị trường con gấu” (bear market) kéo dài trong vòng hơn 2 năm trời, từ cuối tháng 6/2001 cho tới cuối tháng 10/2003. VN-Index giảm từ 571 điểm về 131 điểm. Thị trường tăng quá nóng, cũng gấp 2,5 lần trong 6 tháng đầu năm 2001, là nguyên nhân dẫn tới việc bong bóng chứng khoán xì hơi trong hai năm sau đó.
Có thể thấy, cú xì hơi của TTCK Trung Quốc trong vài tuần gần đây có biểu hiện và diễn biến ban đầu khá giống với nhiều quả bóng chứng khoán trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trước những đợt giảm giá mạnh, các TTCK thường chứng kiến một đợt tăng rất nóng, lên mức cao kỷ lục. Chỉ số tổng hợp của sàn Thượng Hải hồi giữa tháng 6/2015 cũng đã lên trên ngưỡng 6.000 điểm, mức cao lịch sử. Và dường như sự kỳ vọng của thị trường đã vượt quá rất nhiều so nội lực và tăng trưởng của nền kinh tế.
Và thêm một điều cảnh báo từ các nỗ lực giải cứu thị trường theo đặc thù Trung Quốc từ việc bơm tiền thêm vào TTCK, nới lỏng các điều kiện cho vay mua chứng khoán, ký quỹ… Điều đó có nghĩa Vết nứt của quả bóng chỉ được vá và bơm căng phồng trở lại. Và tất nhiên điều đó không thể bền vững.
Theo VNN
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu