Cũng giống như cuộc tranh luận lần thứ hai, lần này tỷ phú địa ốc lại tung ra thêm những chiêu trò hiểm mới. Ông Trump đã mời ông Malik Obama - người anh em cùng cha khác mẹ với tổng thống Barack Obama - tới dự cuộc tranh luận. Ông Malik được cho là rất tức giận khi không được mời tham gia đại hội của Đảng Dân chủ và đã quay sang ủng hộ Donald Trump.
Ngoài ra, ông Trump còn mời bà Pat Smith là mẹ của Sean Smith, người đã thiệt mạng tại Benghazi (Lybia) - vụ việc vốn bị quy lỗi cho bà Hillary Clinton thời giữ chức Ngoại trưởng Mỹ. Tờ Daily Mail của Anh còn đăng bài mô tả không khí kình địch gay gắt giữa hai đối thủ Clinton và Trump khi hai đối thủ đáp xuống sân bay McCarran International Airport ở thành phố Las Vegas ra sao.
Cuộc đối đầu được phát trực tiếp trên hầu hết các kênh truyền hình lớn ở Mỹ như Fox News, CNN hay MSNBC, cũng như trên mạng xã hội Youtube và Twitter. Phiên tranh luận diễn ra trong 90 phút. Chris Wallace, người dẫn chương trình Fox News Sunday, sẽ đảm nhận vai trò điều phối viên. Wallace từng ba lần đoạt giải Emmy ở hạng mục người dẫn chương trình xuất sắc nhất nước Mỹ. Ông nổi tiếng với phong cách chất vấn quyết liệt.
Tại trận quyết đấu cuối cùng, lần đầu tiên các ứng viên phải trả lời những câu hỏi khó về những tin tức gần đây liên quan đến họ. Ông Trump sẽ đối mặt với các chất vấn về việc có đến 9 phụ nữ công khai cáo buộc ông tấn công tình dục. Trong khi đó, Clinton sẽ phải giải thích về nội dung các bài nói chuyện được trả công hậu hĩnh của bà cùng những lãnh đạo tài chính Phố Wall mà Wikileaks vừa tung ra.
Theo giới quan sát, ông Trump đang ở thế yếu nên sẽ không từ thủ đoạn nào nhằm lật ngược tình thế. Trump dường như đã đặt cược rằng chiến thuật duy nhất còn lại đánh vào điểm yếu chết người của đối thủ: Clinton không trung thực. Chiến thuật này được cho là nhằm kích thích tối đa lòng nhiệt huyết của những người ủng hộ và đẩy các cử tri còn dao động ra xa khỏi bà Clinton.
Gần như các cuộc thăm dò đều cho thấy ông Trump đang tụt lại phía sau ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton trong những cuộc khảo sát ý kiến toàn quốc, trong những ngày gần đây ông đã nêu nghi vấn về tính chính danh của cuộc bầu cử.
Tỷ phú bất động sản lớn tiếng khẳng định tình trạng gian lận bầu cử đang diễn ra trong khi một số bang đang tiến hành bầu cử sớm, mà không đưa ra bất cứ bằng chứng nào. Ông Trump tuyên bố sẽ có thêm vấn đề nữa vào ngày bầu cử, và rằng cuộc bầu cử toàn quốc "bị gian lận". Ông còn tiếp tục cho rằng giới truyền thông tin tức toàn quốc đang âm mưu với cựu Ngoại trưởng Clinton để bảo đảm bà trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ.
Thực tế có tới hơn 80 tờ báo uy tín đã công khai lên tiếng hậu thuẫn bà Clinton trở thành tổng thống Mỹ, trong đó có cả những tờ có truyền thống hậu thuẫn Đảng Cộng hòa gần 200 năm nay. Trước cuộc tranh luận lần ba, bà Clinton còn nhận được cú hích lớn nữa khi có tới 70 nhà khoa học từng đoạt giải Nobel đã công bố thư ngỏ tuyên bố "ủng hộ hoàn toàn và mạnh mẽ" bà Clinton làm tổng thống Mỹ.
Ông Trump có vẻ như đang núng thế nên cáo buộc truyền thông Mỹ thiên vị bà Clinton và "đầu độc đầu óc cử tri Mỹ". Trump còn tố cáo có một âm mưu quốc tế ngăn cản ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Thậm chí, ông Trump còn chỉ trích lãnh đạo phe Cộng hòa ở Hạ viện Paul Ryan là muốn ông thua cuộc để ông Ryan có thể rộng đường trở thành tổng thống Mỹ vào cuộc bầu cử năm 2020.
Trước đó, tổng thống Mỹ Barack Obama đã chỉ trích Donald Trump về tuyên bố rằng cuộc bầu cử tổng thống bị gian lận theo hướng bất lợi cho ông ta, nói rằng ứng cử viên Đảng Cộng hòa phải "ngừng than vãn" và thay vào đó hãy thuyết phục cử tri lựa chọn ông vào ngày 8/11 tới.
"Trong đời tôi hoặc trong lịch sử chính trị hiện đại tôi chưa từng thấy bất kỳ ứng cử viên tổng thống nào lại tìm cách khiến cử tri mất niềm tin vào những cuộc bầu cử và tiến trình bầu cử thậm chí trước khi những cuộc bỏ phiếu bắt đầu," ông Obama phát biểu tại một cuộc họp báo tại Nhà Trắng cùng với Thủ tướng Ý. "Chuyện này chưa từng có. Không có chút sự thật nào làm cơ sở cho chuyện này".
Tổng thống Obama nói: "Tôi khuyên ông Trump đừng ca cẩm nữa mà hãy cố gắng đưa ra lập luận để thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho mình. Và nếu ông nhận được nhiều phiếu nhất, tôi cho rằng bà Hillary Clinton sẽ có bài diễn văn chấp nhận thua cuộc đúng mực và cam kết làm việc với ông để bảo đảm rằng người dân Mỹ hưởng lợi từ một chính phủ hữu hiệu.
"Và bổn phận của tôi là sẽ nghênh đón ông Trump, bất chấp những gì mà ông ấy đã nói về tôi, hay những khác biệt của tôi với ông ấy hoặc quan điểm của tôi, và sẽ đưa ông ấy đến Điện Capitol trong ngày nhậm chức vào tháng 1 năm tới, nơi sẽ có một sự chuyển giao quyền lực ôn hòa. Đó là điều mà người Mỹ làm", ông Obama nói thêm.
Có rất ít bằng chứng về tình trạng gian lận phiếu bầu trong những cuộc bầu cử ở Mỹ. Một nghiên cứu cho biết chỉ có 31 trường hợp mạo danh cử tri từ năm 2000 đến năm 2014.
Ông Obama, người ủng hộ nhiệt thành bà Clinton, cũng chỉ trích ca ngợi của ông Trump dành cho tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Obama nói việc ông Trump "tâng bốc" nhà lãnh đạo Nga là "chưa từng có trong nền chính trị Mỹ." Tổng thống nói ông ngạc nhiên khi những nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa lại thuận theo quan điểm thân Putin của ông Trump.
Ông Trump nói rằng ông xem mối quan hệ tốt hơn giữa Mỹ và Nga là một cơ hội để hai nước chiến đấu như hai đối tác chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo. Ông Trump mới đây đã tuyên bố rằng nếu ông đắc cử, ông có thể đến thăm Mátxcơva thậm chí trước khi ông nhậm chức tổng thống.