Trụ sở chính của Nam Tiến Group tại Tp Lào Cai (Ảnh: Internet) |
Ngày 20/7/2021, CTCP Tập đoàn Nam Tiến (Nam Tiến Group) đã phát hành thành công 150 tỉ đồng trái phiếu, loại hình không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có bảo đảm.
Lô trái phiếu này có kỳ hạn 1 năm, lãi suất cố định 11,5%/năm, được bảo đảm bằng 3,84 triệu cổ phần CTCP Nha Trang Bay - thành viên của Nam Tiến Group - thuộc sở hữu của bên thứ ba. Thương vụ được thu xếp bởi CTCP Chứng khoán Dầu Khí (Mã CK: PSI).
Nam Tiến Group cho biết, toàn bộ 150 tỉ đồng thu được từ đợt phát hành trái phiếu sẽ dùng để đầu tư vào Cụm nhà máy thủy điện Nậm Tha bằng cách mua lại cổ phần của CTCP Thủy điện Nậm Tha hoặc các dự án thủy điện khác.
Theo tìm hiểu của VietTimes, Cụm nhà máy Thủy điện Nậm Tha gồm 6 nhà máy (Nậm Tha 1 đến Nậm Tha 6) nằm trên suối Nậm Tha, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Dự án có tổng công suất 85 MW, tổng mức đầu tư trên 1.500 tỉ đồng, do CTCP Đầu tư xây dựng và phát triển năng lượng Phúc Khánh làm chủ đầu tư.
CTCP Thủy điện Nâm Tha mới được thành lập vào tháng 4/2021, có vốn điều lệ ban đầu ở mức 259,6 tỉ đồng. Tháng 7/2021, công ty này đã nhận chuyển nhượng các công trình thuộc dự án Nậm Tha 3, Nậm Tha 4, Nậm Tha 5.
Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Duy Thái (SN 1974) - Thành viên HĐQT của Nam Tiến Group.
Hệ sinh thái của Nam Tiến Group
Thành lập năm 1999, Nam Tiến Group tiền thân là một công ty xây dựng tại tỉnh Lào Cai có quy mô vốn ban đầu 700 triệu đồng. Từ những ngày đầu thành lập, công ty đã tham gia nhiều dự án trọng điểm của tỉnh như kè sông Hồng, dự án đường Trần Hưng Đạo, 4D, 4E.
Những năm sau đó, Nam Tiến Group bắt đầu mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực khác như bất động sản (năm 2004), thủy điện (năm 2005), hóa chất (năm 2014) và bất động sản nghỉ dưỡng (năm 2017).
Dự án Scenia Bay Nha Trang của Nam Tiến Group (Nguồn: Nam Tiến) |
Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Nam Tiến Group là chủ đầu tư nhiều dự án địa ốc, như: tiểu khu đô thị 1,3,5 thuộc Khu đô thị Lào Cai - Cam Đường; dự án Symphony Garden có quy mô 11,77 ha.
Năm 2017, tập đoàn đã thực hiện bước ‘Nam tiến’ đầu tiên với dự án Scenia Bay Nha Trang tọa lạc tại Tp. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Dự án này có tổng vốn đầu tư lên đến 2.971 tỉ đồng.
Đối với lĩnh vực công nghiệp hóa chất, Nam Tiến sở hữu tổ hợp nhà máy hóa chất Photpho Vàng và Axit Photphoric rộng gần 25 ha tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng (Lào Cai). Trong đó, nhà máy Photpho Vàng rộng 15,44 ha có công suất 9.800 tấn/năm, tổng vốn đầu tư hơn 400 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, Nam Tiến còn sở hữu Nhà máy xi măng VinaFuji, tiền thân là nhà máy Cam Đường, có công suất 90.000 tấn xi măng/năm.
Ở lĩnh vực thủy điện, Nam Tiến là chủ đầu tư của loạt dự án tại tỉnh Lào Cai như: Nhà máy thủy điện Minh Lương (công suất 30 MW, tổng vốn đầu tư 1.090 tỉ đồng); cụm dự án thủy điện Đăk Di gồm 2 dự án Đăk Di 1 (công suất 28 MW) và Đăk Di 2 (công suất 20 MW); cụm thủy điện Ngòi Xan - Lào Cai, bao gồm các nhà máy: Vạn Hồ, Ngòi Xan I, Ngòi Xan II, Sùng Vui và Trung Hồ với tổng công suất lắp máy 49,5 MW, chi phí đầu tư hơn 1.550 tỉ đồng.
Tháng 7/2016, nhóm Nam Tiến Group đã chuyển nhượng 70% vốn CTCP Thuỷ điện Leader Nam Tiến (doanh nghiệp dự án cụm thuỷ điện Ngòi Xan - Lào Cai) cho Leader Energy (Malaysia).
Nam Tiến Group mạnh cỡ nào?
Theo tìm hiểu của VietTimes, sự hình thành và phát triển của Nam Tiến mang đậm dấu ấn của ông Hoàng Minh Tuấn (SN 1952). Ông Tuấn từng có nhiều năm là cổ đông lớn nhất, đồng thời đảm nhận các chức vụ chủ chốt như Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật của công ty.
Tháng 9/2018, vợ chồng ông Hoàng Minh Tuấn - bà Trần Thị Thúy (SN 1955) đã chuyển nhượng cổ phần ở Nam Tiến Group cho những thành viên trong gia đình của họ, bao gồm vợ chồng ông Hoàng Giang Nam (SN 1978) - bà Cao Thị Thu Hiền (SN 1977) và ông Hoàng Trung Tiến (SN 1980). Lúc này, Nam Tiến Group có vốn điều lệ 503,8 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Hoàng Giang Nam (50% VĐL), bà Cao Thị Thu Hiền (40% VĐL) và ông Hoàng Trung Tiến (10% VĐL). Vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật do bà Cao Thị Thu Hiền đảm nhận.
Cập nhật gần nhất tại ngày 13/4/2020, quy mô vốn của Nam Tiến Group đã được điều chỉnh xuống còn 463 tỉ đồng.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2019, Nam Tiến Group (công ty mẹ) chỉ báo lỗ một lần vào năm 2018. Tới năm 2019, doanh thu thuần của Nam Tiến Group đạt 866,3 tỉ đồng, tăng 17% so với năm trước; lãi thuần ở mức 11,2 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 1,3%.
Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Nam Tiến Group đạt 1.284,4 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 323,3 tỉ đồng, lần lượt giảm 42% và 47% so với đầu năm./.