Ông Thang Văn Hóa - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Hào Hưng (Ảnh: Internet) |
Công ty TNHH Hào Hưng (Hào Hưng) vừa đề xuất với tỉnh Cà Mau về việc xây dựng cảng biển khu vực Gành Hào tại xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, với quy mô từ 50.000 - 70.000 tấn, chuyên làm đầu mối nhập dầu phân phối nội địa và tổng hợp vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, phục vụ chuyên chở hàng hóa nông, lâm, thủy, hải sản.
Theo tính toán của Hào Hưng, 1 tháng cảng có thể nhập khoảng 100.000 tấn dầu, dự kiến nộp ngân sách tỉnh khoảng trên 5.000 tỉ đồng/năm.
Đánh giá về đề xuất này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết khu vực Gành Hào phía Bạc Liêu có cảng biển được quy hoạch với tải trọng khoảng 5.000 tấn. Tuy nhiên, nơi đây hiện vẫn chưa đầu tư cảng biển, vì vậy nếu Hào Hưng muốn đầu tư cảng biển tổng hợp khu vực Gành Hào thì phải rà soát tính khả thi, thuyết phục để tỉnh trình Bộ Giao thông vận tải trong việc điều chỉnh quy hoạch vị trí cảng biển sang phía Cà Mau.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cũng gợi ý 2 vị trí nhà đầu tư có thể nghiên cứu thêm là cảng Năm Căn và cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.
Trước đó, đầu tháng 5/2021, Hào Hưng cũng xin chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ván công nghiệp và chế biến dăm gỗ xuất khẩu tại ấp 18, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, tỉnh Càu Mau với quy mô 25 ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 500 tỉ đồng. Dự án dự kiến sản xuất ván ép công suất 100.000 m3/năm, ván sợi MDF công suất 80.000 m3/năm, sản xuất dăm gỗ xuất khẩu công suất 100.000 m3/năm.
Hào Hưng của ai?
Theo tìm hiểu của VietTimes, Hào Hưng thành lập vào trung tuần tháng 3/2000, trụ sở chính đóng tại số 47/46 - 48 Lạc Long Quân, phường 1, quận 11, TP. HCM, hoạt động chính trong lĩnh vực chế biến dăm gỗ (woodchip), viên nén (wood pallet), kinh doanh vận chuyển tàu biển, vận chuyển hàng hóa bằng ô tô, đường thủy nội địa, chế tạo máy cơ khí.
Bên cạnh đó, Hào Hưng còn đẩy mạnh lĩnh vực xây dựng cầu cảng, một số dự án từng triển khai như: Bến số 3 - Cảng Chân Mây (Huế); bến cảng chuyên dung phục vụ chung Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi).
Cập nhật tại ngày 6/11/2020, Hào Hưng có vốn điều lệ đạt 120 tỉ đồng. Trong đó, ông Thang Văn Hóa (SN 1967), Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc góp 119,76 tỉ đồng, sở hữu 99,8% vốn điều lệ. Phần vốn còn lại tương đương 0,2% vốn điều lệ thuộc về ông Thang Văn Long.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, doanh thu của Hào Hưng trong giai đoạn 2016 - 2019 tăng trưởng tương đối ấn tượng. Chỉ tiêu này đã tăng gấp 3,4 lần trong vòng 4 năm, từ mức 389,6 tỉ đồng năm 2016 lên mức 1.369,8 tỉ đồng năm 2019. Tuy nhiên, hiệu suất sinh lời rất khiêm tốn và có xu hướng giảm dần.
Cụ thể, năm 2016, Hào Hưng ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức 1,57 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 0,4%. Đến năm 2019, chỉ tiêu này tăng lên mức 4,29 tỉ đồng, biên lợi nhuận lại giảm xuống còn 0,31%. Các năm 2017 và 2018, biên lợi nhuận của Hào Hưng cũng chỉ quanh mức 0,35%.
Tại ngày 31/2/2019, tổng tài sản của Hào Hưng đạt 1.128,8 tỉ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Nợ phải trả là hơn 1.000 tỉ đồng, chiếm 88,7% tổng nguồn vốn và gấp 7,8 lần vốn chủ sở hữu (127,1 tỉ đồng).
Lưu ý rằng, các số liệu trên mới chỉ là kết quả kinh doanh riêng lẻ của Hào Hưng, ông Thang Văn Hóa còn sở hữu cả chục công ty khác trải dài từ Bắc vào Nam, như: Công ty TNHH Sài Gòn Hào Hưng, Công ty TNHH Hào Hưng Huế, Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi, Công ty TNHH MTV Khánh Hào Quảng Ngãi, Công ty TNHH Hoàng Ngân Quảng Nam, Công ty TNHH Giấy Phú Mỹ Quảng Ngãi, Công ty TNHH Thương mại Sản xuất và Dịch vụ Tân Thành Phú, Công ty TNHH Hào Hưng Quảng Bình, Công ty TNHH Hào Hưng Phú Yên, Công ty TNHH Hào Hưng Quảng Ninh, Công ty TNHH Hào Hưng Long An.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, doanh thu hàng năm của các doanh nghiệp trên đều đạt trên mức trăm tỉ, thậm chí là nghìn tỉ đồng, song hiệu suất sinh lời khá thấp.
Như Công ty TNHH Hào Hưng Long An (Hào Hưng Long An), năm 2019, doanh thu của công ty này tăng trưởng tới 69,4% so với năm trước, đạt 2.557,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt mức 3,38 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 0,13%.
Cả giai đoạn 2016 - 2019, Hào Hưng Long An mang về vỏn vẹn 7,58 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, trong khi doanh thu thuần 4 năm là gần 6.324 tỉ đồng.
Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Hào Hưng Long An đạt 231,8 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 34,8 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 65% và 123% so với hồi đầu năm.
Một pháp nhân đáng chú ý khác trong hệ sinh thái của ‘đại gia’ Thang Văn Hóa là Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi (Hào Hưng Quảng Ngãi). Công ty này được thành lập vào tháng 10/2009, trụ sở chính đặt tại thôn Tuyết Diêm 3, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hàng hóa bằng đường bộ.
Năm 2018 và 2019, Hào Hưng Quảng Ngãi ghi nhận doanh thu thuần đạt lần lượt 1.516,5 tỉ đồng và 2.343,8 tỉ đồng, lãi sau thuế ở mức 3,35 tỉ đồng và 5,68 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 0,22% và 0,24%. Trước đó, năm 2017, công ty này còn báo lỗ sau thuế 2,7 tỉ đồng.
Kết niên 2019, tổng tài sản của Hào Hưng Quảng Ngãi đạt 1.699,7 tỉ đồng, gấp gần 4,7 lần so với vốn chủ sở hữu (361,8 tỉ đồng)./.