HDBank chỉ có khoảng 1.000 tỉ đồng trái phiếu bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo lãnh đạo HDBank, tính đến cuối năm 2022, ngân hàng chỉ nắm giữ 4.300 tỉ đồng trái phiếu, chưa tới 2% dư nợ tín dụng, trong đó chỉ có khoảng 1.000 tỉ đồng liên quan đến lĩnh vực bất động sản.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của HDBank
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của HDBank

Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank – Mã CK: HDB) vừa tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 (AGM 2023) diễn ra ngày 26/4 với tất cả các tờ trình được thông qua.

Tại Đại hội, một vấn đề đang được nhiều cổ đông quan tâm là tình hình nắm giữ trái phiếu của HDBank. Trả lời cổ đông, ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank, cho biết, hiện ngân hàng đang phân bổ khoảng 8% tài trợ cho các dự án bất động sản, thuộc nhóm thấp nhất ngành và đa phần cho vay ở phân khúc giá “vừa túi tiền”.

Tại ngày 31/12/2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của HDBank ở mức 4.300 tỉ đồng, chưa tới 2% tổng dư nợ.

Trong số này, trái phiếu do các doanh nghiệp xây dựng phát hành là khoảng 2.000 tỉ đồng và chỉ có 1.000 tỉ đồng phát hành bởi các doanh nghiệp bất động sản, chiếm tỷ lệ 24%, còn lại là của các doanh nghiệp du lịch, sản xuất ô tô và cơ khí.

Theo ông Thanh, các trái phiếu này đang thanh toán, và triển khai đúng tiến độ, chưa có tình trạng trễ thanh toán, đang bám sát chủ đầu tư để đảm bảo tiến độ dự án, đảm bảo lợi ích cho các trái chủ.

Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, thông tin thêm: “Ngay cả trong đỉnh điểm của suy giảm niềm tin, các khách hàng của HDBank đều chi trả đúng hạn, trái phiếu không bị chiết khấu dưới mệnh giá, ngay cả khi các nhà đầu tư muốn rút tiền đúng hạn vẫn được các chủ đầu tư thanh toán đủ”.

Có thể được nới room ngoại lên 49%

Một nội dung quan trọng được cổ đông thông qua là việc tiếp tục tham gia tái cơ cấu, hỗ trợ một tổ chức tín dụng (TCTD) khác.

Trước đó, AGM 2022 của HDBank đã thông qua nội dung này nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của hệ thống ngân hàng, nền kinh tế.

Bà Thảo cho biết: “Chính phủ và NHNN đã có các quy định để tạo điều kiện cho các TCTD thực hiện việc tiếp quản các ngân hàng yếu kém, trong đó có thể nâng room ngoại lên 49%. Nhưng hiện tại, vẫn còn nhiều nội dung chưa có thông tin chính thức và trong phạm vi bảo mật. Do vậy, đến thời điểm thích hợp, chúng tôi sẽ thông tin đến các cổ đông”.

Mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 29%

Trong năm 2023, HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 13.197 tỉ đồng, tăng 29% so với năm 2022. Tổng tài sản dự kiến ở mức 520.024 tỉ đồng, tổng nguồn vốn huy động (bao gồm các khoản nợ Chính phủ và NHNN, tiền gửi khách hàng, phát hành giấy tờ có giá, vốn tài trợ ủy thác đầu tư, tiền gửi và vay các TCTD) ước đạt 459.398 tỉ đồng, tăng 25%.

Dư nợ tín dụng dự kiến đạt 333.553 tỉ đồng, tăng trưởng 24% nhưng không vượt quá mức NHNN cho phép. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát duy trì dưới 2%.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, cổ đông HDBank đã thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ tối đa 10% và bằng cổ phiếu tỷ lệ tối đa 15%.

Lợi nhuận năm 2022 còn lại sau khi trích lập các quỹ là 6.500,7 tỉ đồng. Lợi nhuận còn lại của năm 2021 chưa chia là 316,6 tỉ đồng. Lợi nhuận có thể sử dụng để chia cổ tức 2022 là 6.817,3 tỉ đồng.

Về phương án tăng vốn trong năm 2023, HDBank dự kiến tăng vốn điều lệ thêm tối đa 3.972,8 tỉ đồng thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng cho người lao động (ESOP). Dự kiến tổng vốn điều lệ sẽ tăng từ 25.303,4 tỉ đồng lên 29.276,3 tỉ đồng./.