6 năm trước, "Chuyện tình Khau Vai” đã xuất hiện với phiên bản kịch cải lương và đã được VTV1 lựa chọn chiếu trong chương trình Nhà hát truyền hình sau những đêm diễn luôn đầy ắp khán phòng. Giờ đây, "Chuyện tình Khau Vai" được Nguyễn Thế Kỷ "dẫn lối" vào tiểu thuyết. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông, dù trước đó, Nguyễn Thế Kỷ đã có một hành trang khá đầy đặn với 2 tập thơ, 7 kịch bản và 3 cuốn sách nghiên cứu về văn hóa.
Mạch truyện có nhiều yếu tố quá khứ hiện tại đồng hiện, như một bộ phim điện ảnh, vô cùng hấp dẫn, lôi cuốn người đọc đi qua gần 240 trang sách của “Chuyện tình Khau Vai”.
Tiểu thuyết kể lại câu chuyện tình đầy bí ẩn và cuốn hút của cô Út - con gái tộc trưởng người Giáy, với chàng Ba- người con trai dân tộc Nùng khôi ngô, tuấn tú, hát hay, thổi sáo giỏi, nhưng là con nhà nghèo, khác tộc, không cùng chung tập quán nên không lấy được nàng về làm vợ. Hai người đưa nhau trốn lên đỉnh núi sống chung nhưng quá đau lòng trước cảnh hai tộc người lao vào đánh nhau, họ đành ngậm ngùi trở lại đối diện với thực tại bộn bề.
Câu chuyện đau buồn của họ là sự lặp lại của quá khứ, của cha mẹ họ: "Mối tình dữ dội như sấm sét, tưởng như có thể đánh sập cả ngọn núi, vùi lấp cả vực sâu nếu như cần làm thế để được ở với nhau. Thế mà cuối cùng cũng phải chịu thua một dòng họ, một tộc người, một luật tục, một nếp nhà”.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ có nhiều đầu sách đã xuất bản nhưng đây là tiểu thuyết đầu tiên
|
Cuộc sống trong “Chuyện tình Khau Vai” không phải chỉ khu biệt trong một vùng núi, với những lề thói bản địa và rào cản riêng của người Nùng, người Giáy, có cảm giác như câu chuyện trong tiểu thuyết được kết cấu trên nền tảng của một xã hội Việt cổ đặc trưng. Trong đó, tộc trưởng người Giáy là một biểu tượng dũng mãnh, đầy uy lực, cuộc đời của ông chẳng khác nào một sử thi, vừa oai hùng, vừa chất chứa tâm trạng, suy tư.
Bên ngoài ngôi nhà huyền bí của tộc trưởng là công việc quản trị một vùng, còn bên trong, là trĩu nặng những câu chuyện tình. Cả người đàn bà ông yêu và người đàn bà yêu ông đến lúc chết đều có những tố chất tuyệt vời. Còn cô con gái hòa quyện được cả huyết thống của hai con người đã quyết định sống chung dù mỗi người có một lý do riêng, thì vừa mềm mại như mẹ nhưng đồng thời lại quyết liệt như bố. Cô nổi loạn, chống lại đất lề quê thói, khi trái tim trót trao cho chàng trai Nùng.
Tiểu thuyết "Chuyện tình Khau Vai"
|
Tình yêu giăng mắc giữa những con người ở vùng núi ấy như những mối dây tơ đan chéo, như chiếc mạng nhện dính kết họ lại với nhau, có lúc giằng xé, có cả đứt lìa, vừa đau đớn bạo liệt, vừa dịu ngọt xót xa.
Chàng Ba ngồi dưới gốc cây lớn ở phiên chợ Khau Vai ngày 27/3
|
Cô gái trẻ dù không thoát được khỏi sự săn đuổi của quyền lực và cái ác, nhưng cô đã sống đủ với tự do trong sâu thẳm trái tim. Mẹ của cô cũng vậy, bà đã tạm biệt cuộc đời bằng một nụ cười viên mãn, dù cả cuộc đời bà là nước mắt chan hòa.
Hình ảnh những người đàn bà, dù là nhân vật chính hay nhân vật phụ, xuyên suốt trong cả cuốn tiểu thuyết, đều là những biểu tượng của cái đẹp thuần khiết, cứu rỗi, của sinh sôi và sự sống. Những người đàn bà vùng núi, vừa hoang dã, mạnh mẽ bứt phá, vừa nhẫn nhịn chịu đựng, biết trao đi những giá trị nhân bản. Ngay cả khi họ đã chết đi, tác giả vẫn đưa tới cho người đọc cảm giác họ vẫn luôn sống mãi, với tình yêu tràn trề, trong những không gian tự do của chính tâm hồn họ.
Câu chuyện của nàng Út và chàng Ba thực sự là một bi kịch, nhưng dưới cái nhìn và cách xử lý của Nguyễn Thế Kỷ, "Chuyện tình Khau Vai" vẫn lấp lánh tính nhân văn, đọng lại trong lời hẹn thề sẽ gặp lại mỗi năm một lần trong phiên chợ Khau Vai, đã được các thế hệ trao truyền, lưu giữ, như muốn bước qua lời nguyền cho tới tận hôm nay, để làm nên một phiên chợ tình độc đáo và quyến rũ.
Phiên chợ tình Khau Vai trong tiểu thuyết, vốn dĩ đã ở trong huyền thoại từ hàng trăm năm. Đã rất nhiều huyền tích kể về phiên chợ nửa đêm về sáng này, nơi mà những người yêu không lấy được nhau có thể gặp gỡ trong một không gian đầy tính người. Người đàn ông đến chợ vẫn được vợ dậy sớm chuẩn bị cơm nắm mang theo. Người đàn bà cũng được bước tới nắm tay người không thể lấy, trong khi ông chồng buộc ngựa ngồi uống rượu chờ.
Cũng có những cặp vợ chồng cùng nhau đến chợ, mỗi người đi tìm bạn của mình, để tâm sự, sẻ chia, mỗi người đều tôn trọng mối duyên của người kia, không ai ghen với bạn đời của mình.
Phiên chợ huyền thoại đã được tái hiện đầy xúc động trong tiểu thuyết, khi những nhân vật ôm trong lòng khối tình quá lớn mà ngay cả cái chết cũng khó có thể chia lìa nổi.
Nghệ thuật tiểu thuyết truyền thống với lớp lang chương hồi cổ điển của tác giả Nguyễn Thế Kỷ vừa có yếu tố tâm linh huyền ảo nhưng đồng thời giữ mạch logic rất chặt chẽ. Mỗi nhân vật được xây dựng một tính cách, số phận riêng biệt, sắc nét.
Tất cả họ lại nằm trong một số phận lớn hơn, một cuộc đời bao trùm của xã hội Việt cổ, với sự thuần chất đáng yêu, đầy bản năng, nhân hậu, hiền hòa, những tâm hồn đẹp như những ngọn lửa cháy sáng giữa núi non lung linh, trập trùng, giữa huyền bí thẳm sâu của núi rừng.
Gấp lại trang cuối của cuốn sách, cảm thấy rất rõ như tác giả đã "rút ruột tằm" từ những trải nghiệm của chính mình, để có một "Chuyện tình Khau Vai" ngọt ngào và lắng sâu sự nhân ái đến thế ....
Viết một đề tài nào đó về vùng dân tộc thiểu số là một thử thách không nhỏ đối với các tác giả người Kinh. Chuyện tình Khau Vai đã vượt qua được thử thách ấy. Người đọc nhận ra rằng, đây là câu chuyện của những người dân tộc thiểu số. Nhận ra bởi sự ví von, đối đáp, tư duy được vật hóa gần gũi với đời sống. Nhận ra bởi tâm hồn con người luôn gắn liền, giao hòa với vật thể, từ ngọn núi, con suối tới hòn đá, nhành cây v.v... Nguyễn Thế Kỷ có lẽ là cán bộ chính trị cao cấp ít ỏi hiện nay vừa làm quản lý lại vừa say mê nghiên cứu lý luận và sáng tạo văn học, nghệ thuật. Liên tục từ năm 2013 đến nay, ông đã viết thành công hai tập sách dày dặn lý luận về văn hóa, văn nghệ; hai tập thơ (một tập thơ viết cho thiếu nhi); bảy kịch bản sân khấu được nhiều nhà hát ngoài Bắc, trong Nam dàn dựng và biểu diễn. Đó là Chuyện tình Khau Vai, Mai Hắc Đế, Hừng Đông, Thầy Ba Đợi, Hoa lửa Truông Bồn, Huyền thoại Gò Rồng Ấp, Ngàn năm mây trắng v.v...góp phần đổi mới và sinh động hóa đời sống sân khấu đất nước hiện nay. (Nhà văn Nguyễn Văn Thọ) |
Vở diễn “Chuyện tình Khau Vai” do NSƯT Triệu Trung Kiên đạo diễn và chuyển thể cải lương; nhạc sĩ, NSND Trọng Đài viết nhạc và ca khúc chủ đề (thơ Nguyễn Thế Kỷ); Đỗ Doãn Bằng thiết kế mỹ thuật.
|
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu