Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, tháng 4/2015, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước đạt 14,4 tỷ USD, giảm 2,3% so với tháng 3 và tăng 19,3% so với tháng 4 năm 2014. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 8,7 tỷ USD, giảm 2,6% so với tháng 3 và tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2014.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2015, kim ngạch nhập khẩu cả nước ước đạt 53,1 tỷ USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong khi kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 32,3 tỷ USD, tăng 27,8%, chiếm tỷ trọng 60,9% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước cả nước thì kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước cũng lên tới 20,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 39,1% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2014.
Nhập khẩu hàng hoá 4 tháng đầu năm 2015 của nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt 46,9 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 88,3% kim ngạch nhập khẩu, chủ yếu tập trung vào nhóm các mặt hàng là nguyên liệu cho sản xuất.
Trong khi đó, nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 3,8%. Nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu cũng tương đương, ước đạt gần 2 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 3,8%.
So với cùng kỳ, giá nhập khẩu bình quân của một số mặt hàng như hạt điều tăng 11,9%; phân bón tăng 2,8%; ôtô nguyên chiếc tăng 23,4%... Bên cạnh đó, giá nhập khẩu bình quân của nhiều mặt hàng lại giảm, trong đó, xăng dầu các loại giảm 41,9%; khí đốt hóa lỏng giảm 44,4%; ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ giảm 3,4%...
Do đó, các doanh nghiệp trong nước cũng tranh thủ tăng lượng nhập khẩu tại những mặt hàng có xu hướng giá rẻ. Cụ thể, nhập khẩu xăng dầu các loại tăng 18,6%, khí đốt hóa lỏng tăng 85,4%; ô tô nguyên chiếc các loại (trừ xe dưới 9 chỗ) tăng 170,5%; ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng 72,4%...
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ châu Á vẫn tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn nhất trong số các thị trường nhập khẩu của Việt Nam, chiếm tới 82%. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ ASEAN chiếm gần 15%, các nước Đông Á chiếm 63%, riêng Trung Quốc chiếm gần 29,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, với kim ngạch nhập khẩu 4 tháng đầu năm tăng 19,9% so với cùng kỳ, tương đương 8,8 tỷ USD về giá trị tuyệt đối, đây là mức tăng khá cao, tuy nhiên nếu xét riêng tháng 4 thì kim ngạch nhập khẩu đã giảm 2,3% so với tháng trước, tương đương 336 triệu USD. Nhập siêu trong tháng 4 ước 600 triệu USD, giảm so với mức nhập siêu 1,4 tỷ USD của tháng 3.
Nhóm hàng cần nhập khẩu tăng trưởng khá, trong đó, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng là mặt hàng có kim ngạch và lượng nhập khẩu lớn nhất trong nhóm, nguyên nhân do hoạt động đẩy mạnh nhập khẩu máy móc, thiết bị cho các dự án. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong nước cũng như khối doanh nghiệp FDI đang có những phản ứng tích cực, tăng cường đầu tư, giải ngân và mở rộng sản xuất trước những chính sách mới và cơ hội mới từ các Hiệp định thương mại tự do đã ký và sắp ký.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nhiều mặt hàng nguyên, nhiên, phụ liệu phục vụ sản xuất như xăng dầu, ngô, cao su, bông, sắt thép nhằm tận dụng điều kiện thuận lợi khi giá nhập khẩu giảm so với cùng kỳ. Do vậy, lượng nhập khẩu các mặt hàng này tăng mạnh so với cùng kỳ. Tăng trưởng nhập khẩu nhóm hàng này trong quý I là tiền đề để dự báo xuất khẩu có khả năng tăng trưởng mạnh trong các tháng tiếp theo do đây là đầu vào để sản xuất hàng xuất khẩu.
Nhóm hàng cần kiểm soát và nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu có kim ngạch nhập khẩu tăng thấp hơn mức tăng nhập khẩu chung (lần lượt là 13,9% và 2,8%). Đối với mặt hàng ô tô nguyên chiếc, ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô do phần lớn là các loại xe tải và xe chuyên dụng. Nhập khẩu linh kiện phụ tùng ô tô 4 tháng ước tăng 48,9% so với cùng kỳ cho thấy song song với nhập khẩu ô tô nguyên chiếc gia tăng, hoạt động lắp ráp ô tô trong nước vẫn đang được mở rộng.
Theo Dân trí