Hãng tin Reuters: Trung Quốc và Indonesia từng “rút kiếm khỏi vỏ” do tranh chấp lãnh hải

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Từ đầu năm nay, do tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, quan hệ Trung Quốc-Indonesia ngày càng căng thẳng. Trung Quốc đã yêu cầu Indonesia chấm dứt khai thác dầu trong vùng biển tranh chấp và đưa tàu chiến tới.
Khu vực biển nơi xảy ra đối đầu căng thẳng giữa các lực lượng Indonesia và Trung Quốc hồi đầu năm nay (Ảnh: Reuters).
Khu vực biển nơi xảy ra đối đầu căng thẳng giữa các lực lượng Indonesia và Trung Quốc hồi đầu năm nay (Ảnh: Reuters).

Theo trang tin Deutsche Welle ngày 1/12, 4 người quen thuộc với vấn đề này nói với Reuters rằng Trung Quốc đã gửi công hàm cho Indonesia, yêu cầu Indonesia chấm dứt khai thác dầu và khí đốt tự nhiên trong vùng biển này. Đòi hỏi chưa từng có này của Trung Quốc đã không được báo chí đưa tin trước đây, và nó càng làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Trung Quốc và Indonesia do cuộc chiến tranh giành tài nguyên thiên nhiên. Vùng biển đang tranh chấp giữa hai bên có vị thế chiến lược và ý nghĩa kinh tế quan trọng.

Các quan chức ngoại giao Trung Quốc đã gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Indonesia, yêu cầu phía Indonesia dừng ngay hoạt động của giàn khoan, vì khu vực biển này thuộc lãnh hải Trung Quốc. Ông Muhammad Farhan, một thành viên Ủy ban An ninh Quốc gia của Quốc hội Indonesia, người biết rõ nội dung bức công hàm này, nói với phóng viên Reuters: "Chúng tôi đã đưa ra đáp trả kiên quyết và chúng tôi sẽ không ngừng việc khoan tìm kiếm dầu vì chúng tôi đang thực thi chủ quyền của mình".

Tàu khoan dầu Noble Clyde Boudreaux hoạt động trên vùng biển Bắc Natuna (Ảnh: JKTP).

Tàu khoan dầu Noble Clyde Boudreaux hoạt động trên vùng biển Bắc Natuna (Ảnh: JKTP).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia lấy lý do thông tin giữa hai nước là bí mật để từ chối bình luận về vấn đề này. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Đại sứ quán Trung Quốc tại Jakarta đã không trả lời các câu hỏi của Reuters.

Phía Indonesia cho rằng vùng cực Nam của Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia theo Công ước của Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982 và năm 2017 đã đặt tên cho vùng biển này là Biển Bắc Natuna.

Phía Trung Quốc lên tiếng phản đối việc này và nhấn mạnh "Đường chín đoạn" là biên giới lãnh hải của Trung Quốc. Năm 2016, Tòa án Trọng tài Quốc tế La Hay đã bác bỏ yêu sách này của Trung Quốc về lãnh hải.

Ông Farhan nói với Reuters: "Bức thư của Trung Quốc sặc mùi đe dọa vì đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Trung Quốc định áp đặt cái ‘Đường chín đoạn’ này lên Indonesia". Trung Quốc yêu cầu giàn khoan của Indonesia ngừng hoạt động “bởi vì hoạt động này được tiến hành trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc".

Tổng thống Indonesia Widodo tới thị sát quân đội đóng ở quần đảo Natuna (Ảnh: Dwnews).

Tổng thống Indonesia Widodo tới thị sát quân đội đóng ở quần đảo Natuna (Ảnh: Dwnews).

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và nhà đầu tư lớn thứ hai của Indonesia. Ông Farhan nói rằng các nhà lãnh đạo Indonesia giữ im lặng về các tranh chấp lãnh hải nhằm tránh xung đột với Trung Quốc.

Farhan còn nói rằng Trung Quốc cũng phản đối trong một bức thư khác về cuộc tập trận quân sự trên bộ “Garuda Shield” (Lá chắn Garuda) được tổ chức trong thời gian diễn ra cuộc đối đầu giữa hai bên vào tháng 8. Có 4.500 binh sĩ Mỹ và Indonesia đã tham gia cuộc tập trận này, một cuộc tập trận thường niên bắt đầu từ năm 2009.

Sau khi tàu khoan Noble Clyde Boudreaux được Indonesia đưa đến hoạt động tại vùng biển Natuna vào ngày 30/6 năm nay, Trung Quốc đã điều một tàu Hải Cảnh tới đây. Sau đó, phía Indonesia cũng đã đưa tàu cảnh sát biển đến khu vực này. Trong bốn tháng tiếp theo, các tàu của cả hai bên đã tuần tra tại khu vực gần giàn khoan. Các hình ảnh vệ tinh do Tổ chức Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) cung cấp cho thấy các tàu Trung Quốc và Indonesia đôi khi chỉ cách nhau chưa đầy một hải lý. AMTI là một dự án do Trung tâm Chiến lược và Các vấn đề Quốc tế của Mỹ (CSIS) khởi xướng.

Tàu Indonesia giám sát tàu Hải Cảnh Trung Quốc trên biển (Ảnh: Dwnews).

Tàu Indonesia giám sát tàu Hải Cảnh Trung Quốc trên biển (Ảnh: Dwnews).

Một báo cáo do AMTI công bố vào tháng 11 cho biết vào ngày 25/9 năm nay, tàu sân bay USS Ronald Reagan đã đến khu vực cách giàn khoan chỉ 7 hải lý. Tin cho biết, việc Mỹ đã điều động tàu sân bay tới khu vực mà Trung Quốc và Indonesia đang đối đầu nghiêm trọng, là điều chưa từng có.

Trung Quốc hiện đang đàm phán với 10 nước ASEAN, trong đó có Indonesia, để xây dựng bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Tại hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-ASEAN diễn ra vào tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cố gắng xoa dịu căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm kiếm bá quyền, càng không cậy lớn bắt nạt nhỏ”.

Tính đến chiều ngày 1/12, phía Trung Quốc vẫn chưa lên tiếng xác nhận về tin độc quyền trên đây của Reuters. Cả Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc tại Indonesia vẫn chưa có phản hồi.

Farhan và hai người khác nói rằng nhà lãnh đạo Indonesia giữ im lặng về vấn đề này nhằm tránh xung đột hoặc tranh chấp ngoại giao với Trung Quốc.

Reuters bình luận rằng yêu cầu chưa từng có này của Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa hai nước về vấn đề tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông, vốn có ý nghĩa chiến lược toàn cầu.

Ngoài nghị sĩ Farhan, ba người khác quen thuộc với vấn đề này đã xác nhận sự tồn tại của bức công hàm này. Hai trong số những người này nói rằng Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu Indonesia ngừng khoan dầu ở vùng biển này.

Tàu Hải quân Indonesia xua đuổi tàu Hải cảnh Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Tàu Hải quân Indonesia xua đuổi tàu Hải cảnh Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Nghị sĩ Indonesia Farhan nói: “Bức thư này có một chút đe dọa vì đây là lần đầu tiên các nhà ngoại giao Trung Quốc cố gắng thúc đẩy chương trình nghị sự theo Đường chín đoạn của họ và phản đối các quyền của chúng tôi theo Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển”.

Trước đó, vào năm 2017, chính phủ Indonesia đã phát hành phiên bản bản đồ chính thức mới của Indonesia, đặt tên một phần Biển Đông là "Biển Bắc Natuna", vùng đặc quyền kinh tế mà Indonesia tuyên bố chủ quyền trùng với một phần bên trong cái gọi là "Đường chín đoạn" của Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào thời điểm đó chỉ ra rằng trong một thời gian dài, Biển Đông đã bao gồm tên địa danh chuẩn tiếng Anh như một tên thực thể địa lý được quốc tế sử dụng, từ lâu đã được cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên Hợp Quốc công nhận. Trung Quốc cho rằng việc Indonesia là đổi tên biển là vô nghĩa và không lợi cho những nỗ lực tiêu chuẩn hóa tên địa lý quốc tế.