Hàng tỉ máy điều hòa giúp con người dễ thở nhưng chúng sẽ "nướng chín" Trái Đất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Abhas Jha, một chuyên gia của Ngân hàng Thế giới về biến đổi khí hậu có trụ sở tại Singapore cho biết, nếu các tiêu chuẩn máy điều hòa không được cải thiện, thì “hành tinh này sẽ bị nấu chín theo đúng nghĩa đen”.

Ảnh: Bloomberg
Ảnh: Bloomberg

Mùa hè ở Ấn Độ luôn nóng bức. Càng ngày, thời tiết càng thử thách giới hạn sinh tồn của con người. Khi nhiệt độ tăng cao trên khắp quốc gia đông dân nhất thế giới trong những tuần gần đây, hơn chục người đã chết tại một sự kiện ở miền trung Ấn Độ và hàng ngàn người nằm trong bệnh viện đông đúc với các triệu chứng say nắng. Hàng trăm trường học đã đóng cửa. Được biết, nhiệt độ sẽ dao động quanh mức 45 độ C (113 F) trên khắp vùng đồng bằng phía bắc Ấn Độ vào cuối tuần này.

Nhu cầu về máy điều hòa không khí đang tăng cao ở nhiều thị trường Châu Á, những nơi dân cư đông đúc như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Theo một ước tính, thế giới sẽ có thêm 1 tỉ chiếc điều hòa trước cuối thập kỷ này. Thị trường được dự đoán sẽ tăng gần gấp đôi trước năm 2040. Mặc dù điều hòa tốt cho sức khỏe cộng đồng và năng suất kinh tế nhưng điều này lại ảnh hướng lớn tới khí hậu toàn cầu. Nhằm khắc phục điều này, một thỏa thuận toàn cầu nhằm loại bỏ dần các chất làm mát có hại nhất. Tuy nhiên, nó có thể khiến các thiết bị này trở nên đắt đỏ nằm ngoài tầm với của nhiều người.

Theo Bloomberg, một số khu vực nghèo nhất thế giới cũng là những nơi nóng nhất. Nhưng tại đó, thu nhập của người dân đang tăng lên và máy điều hòa trở thành mặt hàng trong tầm tay của hàng triệu người.

Đây cũng là lý do đằng sau sự bùng nổ về doanh số điều hòa thời gian qua và dự báo kéo dài trong những năm tới. Theo các chuyên gia kinh tế, mức thu nhập hàng năm của mỗi hộ gia đình vào khoảng 10.000 USD có thể là "điểm bùng phát" cho nhu cầu về máy điều hòa. Một số nước như Indonesia, Philippines đã vượt qua ngưỡng này trong vài năm. Tại Ấn Độ, nơi 80% dân số chưa sử dụng điều hòa nhiệt độ, con số cũng có thể đạt 9.000 USD trong năm nay.

Kanwaljeet Jawa, người đứng đầu chi nhánh Ấn Độ của Daikin Industries Ltd, nhà sản xuất máy điều hòa lớn nhất thế giới, cho biết: “Chúng tôi đang hoạt động với một cơ hội rất tốt. Trong những năm gần đây, doanh số bán hàng của chúng tôi đã tăng hơn 15 lần”.

Theo giới phân tích, ở nơi có khí hậu nóng, người dân thường có giấc ngủ kém hơn, khả năng nhận thức bị suy giảm, kéo theo giảm năng suất lao động. Trong bối cảnh đó, việc trang bị máy điều hòa là vấn đề đặc biệt cấp thiết.

Trong một nghiên cứu được thực hiện tại hàng nghìn nhà máy ở Ấn Độ, khi điều hòa tăng lên 1 độ C, năng suất giảm 2%. Đây là một vấn đề lớn đối với nỗ lực của Thủ tướng Narendra Modi nhằm thúc đẩy số lượng xuất khẩu đang trì trệ, thu hút doanh nghiệp từ Trung Quốc và tiến lên chuỗi giá trị toàn cầu. Sự suy giảm do nắng nóng trong 30 năm qua có thể tương đương với khoảng 1% GDP của Ấn Độ, khoảng 32 tỉ USD, theo E. Somanathan, tác giả của báo cáo và là Giáo sư kinh tế tại ISI Delhi.

Tuy nhiên, việc mở rộng phạm vi phủ sóng điều hòa quá nhanh cũng có nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng mà quốc gia này đang ứng phó. Hầu hết các thiết bị sử dụng chất làm lạnh có hại hơn nhiều so với carbon dioxide. Các quốc gia nơi nhu cầu đang tăng nhanh vẫn phụ thuộc nhiều vào năng lượng đốt than và hầu hết mọi người chỉ có thể mua các thiết bị rẻ nhất, kém hiệu quả nhất.

Abhas Jha, một chuyên gia của Ngân hàng Thế giới về biến đổi khí hậu có trụ sở tại Singapore cho biết, nếu các tiêu chuẩn của máy điều hòa không được cải thiện, thì “hành tinh này sẽ bị nấu chín theo đúng nghĩa đen”.

Các quốc gia giàu có hơn, họ đã thắt chặt các quy định về máy điều hòa, yêu cầu hiệu suất năng lượng tốt hơn và ít chất làm mát độc hại hơn. Điều này vô hình chung lại làm tăng giá thành sản phẩm trong bối cảnh khả năng chi trả cho các thiết bị như vậy là chưa cao. Các cơ quan khí hậu quốc tế đang gây áp lực buộc các nước đang phát triển phải giảm lượng khí thải carbon của họ, nhưng Ấn Độ và các nước đồng cấp chỉ ra rằng họ vẫn đóng góp ít hơn nhiều vào lượng khí thải toàn cầu so với những nơi như Mỹ, cứ 10 người thì có 9 người được tiếp cận với máy điều hòa.

Nhu cầu sống còn

Capture.PNG
Ảnh: Blooberg

José Guillermo Cedeño Laurent, trợ lý giáo sư về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Rutgers ở New Jersey, cho biết: “Chúng ta đang phải đối mặt với một tình huống mà các điều kiện cực kỳ khắc nghiệt đang áp đặt lên các nền kinh tế đang phát triển".

Trong các khu dân cư của tầng lớp lao động ở Delhi, những cuộc tranh luận này là hoàn toàn vô nghĩa. Đối với họ việc được sử dụng điều hòa là một vấn đề sống còn. Piyu Haldar, người giúp việc, cho biết căn lều của cô biến thành lò sưởi vào mùa hè. Mái tôn đủ nóng để nướng roti trên đó. Trước khi đi ngủ, Haldar và chồng thường tạt nước lên giường để làm mát căn phòng.

Khi con trai cô chào đời vào năm 2016, cậu bé bị sốt do nắng nóng. Tại thời điểm đó cô quyết định thay đổi. Để đủ tiền mua một chiếc điều hòa hiệu Voltas bình dân, Haldar ngừng mua quần áo, cắt giảm các bữa ăn, vay nợ và tăng gấp đôi số lượng nhà mà cô giúp việc dọn dẹp.

Haldar, 27 tuổi, tránh bật điều hòa vào ban ngày. Khi màn đêm buông xuống, cô bật công tắc đóng cửa lại để tránh muỗi và giữ không khí mát mẻ. Trong một căn phòng ngủ không có cửa sổ được trang trí bằng gấu bông và đồ chơi, con trai cô, Yasir, áp mặt vào máy điều hòa, thích thú với “không khí mát lạnh!”.

“Người thân đến nhà nhiều hơn chỉ để ngồi cạnh nó”, Haldar chia sẻ. "Mọi người nghĩ rằng chúng tôi đã trở nên rất đặc biệt". Cô cho biết kể từ khi mua máy điều hòa, vợ chồng cô có nhiều năng lượng hơn trong ngày và Yasir không còn bị ốm vì nóng nữa.

Haldar đã chọn mẫu máy tầm trung từ Voltas, có giá khoảng 27.000 rupee (330 USD), thấp hơn khoảng 15% so với các hãng tên tuổi khác. Giám đốc kinh doanh Kamal Nandi cho biết các mẫu máy tầm trung chiếm khoảng 60% tổng doanh số sản phẩm bán ra tại Godrej Appliances - một trong những nhà bán lẻ lớn nhất Ấn Độ. Công ty cho biết, một cách để khuyến khích người tiêu dùng mua các thiết bị hiệu quả hơn là giảm thuế đánh vào các đơn vị này xuống 18%, giảm từ mức thuế tiêu thụ xa xỉ 28% hiện đang áp dụng. Nandi nói: “Điều hòa đã trở thành một thứ cần thiết. Nó không còn là một món đồ xa xỉ nữa”.

Đối với các công ty làm mát như Daikin và Haier, nhu cầu ngày càng tăng đối với máy điều hòa có thể bị dập tắt bởi quy định được thiết kế để làm chậm quá trình biến đổi khí hậu. Một phần của vấn đề sẽ được giải quyết nếu các quốc gia hướng tới các nguồn năng lượng sạch hơn.

Nhu cầu chất làm lạnh xanh

Một trong những chất làm mát phổ biến nhất, hydrofluorocarbons, có thể có khả năng làm nóng gấp 1.000 lần carbon dioxide. Các nhà khoa học ước tính rằng việc phụ thuộc vào HFC có thể dẫn đến sự nóng lên nửa độ C vào cuối thế kỷ này, sự gia tăng sẽ gây ra những cơn bão, hạn hán chết người và nhiều đợt nắng nóng hơn.

Năm 2016, hơn 170 quốc gia đã thỏa thuận bắt đầu loại bỏ dần HFC từ 2019. Thay thế HFC hiện nay có các chất làm mát ít gây hại cho môi trường được sản xuất bởi Chemours và Honeywell. Daikin và Mitsubishi cũng đang nghiên cứu các sản phẩm mới của riêng mình.

"Nếu không có chất làm lạnh xanh, bạn sẽ là người thua cuộc" Jawa, Giám đốc điều hành của Daikin Ấn Độ, nói.

Các công ty làm mát đang tìm kiếm các lựa chọn mới. Daikin R-32 ít gây ô nhiễm hơn các chất làm lạnh thông thường và rẻ hơn so với một số chất làm mát khác; nó trở nên phổ biến trong các thiết bị được bán bởi các nhà bán lẻ lớn như Godrej. Nhưng chất này cũng dễ cháy hơn so với các chất làm lạnh cũ hơn. Theo Prima Madan, chuyên gia về làm mát và sử dụng năng lượng hiệu quả tại Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên có trụ sở tại Hoa Kỳ, Daikin R-32 vẫn gây ô nhiễm quá mức.

Mặc dù R-32 đã “giúp tránh được một lượng lớn khí thải", Madan nói, “chúng ta vẫn cần phải giảm xuống mức thấp hơn”.

Tuy nhiên, hiện tại, các lựa chọn thay thế thường đắt hơn. Thượng viện Hoa Kỳ gần đây đã đồng ý giảm 85% mức tiêu thụ HFC trong vòng 15 năm và Tổ chức Di sản bảo thủ đã cảnh báo người Mỹ “sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho điều hòa không khí”.

Đối với Ấn Độ, thách thức là triển khai công nghệ sạch hơn trước khi hàng triệu người tiêu dùng mới mua những chiếc điều hòa thế hệ cũ. Năm ngoái, quốc gia này đã ghi nhận một số tuần nóng nhất kể từ năm 1901. Những đợt nắng nóng gay gắt đã đẩy nhiệt độ lên 50 độ C (122 F) trên tiểu lục địa. Cuộc khủng hoảng này đã giết chết hàng trăm người, dẫn đến mất điện kéo dài hàng giờ và thậm chí khiến một bãi rác khổng lồ ở ngoại ô thủ đô Ấn Độ tự bốc cháy.

Naresh Tatavet, một tài xế ở Delhi, nằm trong số những người dân không thể chịu nổi cảnh nắng nóng. Tháng này, anh ấy đã mua cho gia đình nhỏ của mình chiếc điều hòa đầu tiên, gọi đó là một trong những khoản đầu tư tài chính lớn nhất mà anh ấy từng thực hiện - tương đương với việc mua một chiếc xe máy. Trong khu phố của anh ấy, sau khi ai đó mua một chiếc điều hòa, “chúng tôi mang kẹo cho họ để ăn mừng”.

Bất cứ thỏa thuận, điều luật gì xảy ra ở Washington, Brussels hay bất kể những nơi xa xôi khác, Tatavet chắc chắn một điều: Gia đình anh sẽ không quay trở lại thời kỳ đó. Anh ấy không còn có thể nhìn con mình nôn mửa vì nóng.

“Tôi không muốn thức dậy ướt đẫm mồ hôi nữa”, Tatavet ngậm ngùi chia sẻ.

Theo Bloomberg