Tờ Aju Business Daily Hàn Quốc ngày 4/12 cho hay gần đây Việt Nam đặc biệt thu hút được sự chú ý của các doanh nghiệp Hàn Quốc, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đẩy nhanh tiến quân vào thị trường Việt Nam.
Số liệu công bố ngày 4/12 của phía Hàn Quốc cho hay, tính đến tháng 10/2017, các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu vào Việt Nam với kim ngạch lần đầu tiên vượt 10 tỷ USD, đạt 10,379 tỷ USD, cao hơn kim ngạch xuất khẩu cả năm (9,517 tỷ USD) đối với Việt Nam trong năm 2016 của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Kim ngạch xuất khẩu vào Việt Nam của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc năm 2014 là 7,35 tỷ USD, lần đầu tiên vượt mức 7 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu năm 2015 và năm 2016 lần lượt là 8,442 tỷ USD và 9,517 tỷ USD, tốc độ tăng xuất khẩu bình quân hàng năm là 10%.
Giới doanh nghiệp Hàn Quốc dự đoán, nếu phát triển theo xu thế hiện nay, kim ngạch xuất khẩu cả năm đối với Việt Nam của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc trong năm 2017 sẽ vượt 12 tỷ USD, tăng trên 20% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, tính đến tháng 10/2017, có 16.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc xuất khẩu vào Việt Nam, tăng 32 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2016.
Từ khi vấn đề hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) làm cho quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc bị tụt dốc, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc đã đua nhau chuyển trọng tâm làm ăn sang thị trường Đông Nam Á.
Đồng thời, những năm gần đây, kinh tế Việt Nam phát triển liên tục, đang từ nước chế tạo chuyển đổi sang thành nước tiêu thụ, tiềm năng thị trường tiêu thụ rộng lớn, trở thành nguyên nhân chính thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc lần lượt tiến quân vào Việt Nam.
Doanh nghiệp sản xuất máy làm đá DAEA Metal Hàn Quốc đã tận dụng cơ hội ký kết bản ghi nhớ xuất khẩu với doanh nghiệp Việt Nam, chính thức tuyên bố tiến quân vào thị trường Việt Nam.
Doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm Victoria Beauty gần đây đã tham gia hoạt động quảng bá các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc tổ chức ở Việt Nam, đã ký kết hợp đồng trị giá lên tới hàng tỷ USD với doanh nghiệp địa phương.
Không những vậy, một số doanh nghiệp IT vừa và nhỏ của Hàn Quốc cũng hợp tác với doanh nghiệp địa phương, lấy Việt Nam làm bàn đạp để tiến quân vào thị trường Đông Nam Á.
Từ đầu năm 2017 đến nay, thông tin về việc doanh nghiệp Hàn Quốc tích cực đầu tư vào Việt Nam đã xuất hiện trên báo chí Trung Quốc, nhất là sau khi Trung Quốc lấy cớ vấn đề THAAD để tiến hành “báo thù” về kinh tế đối với Hàn Quốc.
Vào tháng 3/2017, tờ Người quan sát Trung Quốc khẳng định, từ vài năm trước, các doanh nghiệp Hàn Quốc thậm chí đã bắt đầu tiến hành phân tán đầu tư để giảm rủi ro, điểm đến đầu tư hàng đầu chính là Việt Nam. Động thái này được đẩy nhanh khi bị tác động từ vấn đề THAAD. Chuỗi ngành chế tạo của Hàn Quốc đã từ Trung Quốc phân tán đến các nước châu Á khác, giảm rủi ro và giảm lệ thuộc vào Trung Quốc.
Một nguồn tin từ ngân hàng Natixis Pháp cho hay từ năm 2014 Hàn Quốc đã bắt đầu thay đổi sách lược, đầu tư trực tiếp ở Đông Nam Á của họ đã lần đầu tiên vượt đầu tư của Trung Quốc.
Ngoài ra, báo chí Philippines tháng 8/2017 cũng cho biết do ở Philippines, chi phí hoạt động tăng lên, thiếu các biện pháp khuyến khích, có nhiều doanh nghiệp ngành chế tạo Hàn Quốc cũng đang rời bỏ Philippines, chuyển sang Việt Nam, một nơi có chi phí thấp hơn và điều kiện đầu tư, kinh doanh dễ dàng hơn. Điều này rõ ràng cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện và đang tích cực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.