Hai bệnh viện nghìn tỷ bỏ hoang đến bao giờ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau hàng loạt chỉ đạo, giải pháp tháo gỡ của Chính phủ và các bộ, ngành, nhưng cả 2 cơ sở của BV Bạch Mai và BV Việt Đức ở Hà Nam vẫn chưa thể đưa vào sử dụng.

Sau 7 năm khởi công, đến nay, cả 2 Bệnh viện (BV) Bạch Mai và BV Việt Đức cơ sở 2 (ở tỉnh Hà Nam) có vốn đầu tư xây dựng gần chục nghìn tỷ đồng vẫn không thể đi vào hoạt động, gây lãng phí rất lớn.
Đáng nói, tình trạng này diễn ra khi các BV tuyến Trung ương đều quá tải đến mức phải nằm ghép.

Chưa biết khi nào hoàn thành

BV Bạch Mai 2 và BV Việt Đức 2 được khởi công xây dựng từ năm 2014, cùng có quy mô 1.000 giường được kỳ vọng sẽ giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương.

Theo dự kiến lúc đầu, 2 BV này hoàn thành vào năm 2017. Tuy nhiên, trải qua 3 nhiệm kỳ với 3 đời bộ trưởng, đến nay, 2 dự án vẫn chưa thể đưa vào sử dụng. Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí, vấn đề này khiến cử tri bức xúc, phản ánh nhiều lần.

Ảnh CP2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra thực địa dự án BV Bạch Mai và BV Việt Đức cơ sở 2 ở Hà Nam (ảnh: VGP)

Tổng mức đầu tư ban đầu của BV Bạch Mai 2 là 4.990 tỉ đồng và của BV Việt Đức 2 là 4.968 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án (BQLDA) y tế trọng điểm của Bộ Y tế trực tiếp quản lý.

Do không hoàn thành đúng kế hoạch, ngày 16/5/2018, Bộ Y tế có công văn xin phép kéo dài tiến độ khánh thành khu khám và điều trị ban ngày vào tháng 12/2018 và dời “đích” hoàn thành tổng thể 2 dự án vào năm 2019.

Ngày 21/10/2018, Bộ Y tế đã tổ chức khánh thành kỹ thuật khu khám bệnh của dự án BV Bạch Mai 2 và BV Việt Đức 2. Nhưng đến tháng 3/2019, BV Bạch Mai cơ sở 2 mới mở cửa khám bệnh và chỉ trong 3 tháng, còn BV Việt Đức 2 thì chưa một lần mở cửa.

Hàng loạt tồn tại khiến cho 2 dự án BV ở Hà Nam chậm so với kế hoạch mà vẫn chưa biết khi nào hoàn thành, khiến nhiều năm liên tiếp, Bộ Y tế luôn đứng top đầu về chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Năng lực quản lý yếu

Nguyên nhân dẫn đến 2 dự án nghìn tỷ trên dậm chân tại chỗ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra trong Kết luận kiểm tra số 1350 do Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung ký. Theo đó, dự án được quản lý không theo loại hợp đồng đã được quy định (không theo hình thức EPC và cũng không theo mô hình truyền thống) gây nên nhiều khó khăn cho việc tổ chức quản lý, điều hành dự án. Các gói thầu được ký hợp đồng là dạng hợp đồng khung, nội dung chi tiết được triển khai theo các phụ lục và giá chi tiết hợp đồng được xác định sau khi có dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Dự án điều chỉnh thiết kế nhiều lần trong quá trình thực hiện: Thay đổi phương án xử lý nền móng từ phương án cọc khoan nhồi sang phương án ép cọc bê tông cốt thép đúc sẵn; Thay đổi vị trí, diện tích một số khoa, phòng; Điều chỉnh bổ sung hạng mục như: Khu nội trú, khu trị xạ....; Điều chỉnh tăng diện tích sàn so với thiết kế cơ sở được duyệt như BV Bạch Mai 2 điều chỉnh tăng 3.728 m2; BV Việt Đức 2 tăng 5.323 m2. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật làm cơ sở để lập dự toán trình thẩm định cập nhật thiết kế bản vẽ thi công làm sai lệch tính chất của bước thiết kế kỹ thuật.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự toán trình Bộ Xây dựng thẩm định có nhiều nội dung không có trong thiết kế kỹ thuật gửi kèm hồ sơ dự toán…

vt_2bv2_1_of_18860182_2662019.jpg
Dự án BV Bạch Mai cơ sở 2 mở khám được 3 tháng rồi lại bỏ hoang cho đến nay

Một nguyên nhân nữa là dự án phải điều chỉnh về tổng mức đầu tư: Dự án được tổ chức đấu thầu trên cơ sở tổng mức đầu tư được Bộ Y tế phê duyệt ban đầu là 4.990 tỷ đồng (dự án BV Bạch Mai 2) và 4.968 tỷ (BV Việt Đức). Theo Quyết định 547 ngày 20/4/2017 của Thủ tướng, mỗi dự án được giao 4.500 tỷ đồng, trong đó 4.050 tỷ đồng vốn để thực hiện và 450 tỷ đồng vốn dự phòng 10%. Như vậy, tổng mức đầu tư của 2 dự án dự kiến phải điều chỉnh giảm gần 1.000 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu năm 2014.

Trong khi đó, các dự án phải điều chỉnh tăng quy mô (tăng diện tích sàn), điều chỉnh công năng, nên Bộ Y tế chỉ đạo BQLDA rà soát lại tổng mức đầu tư, vì vậy, nhiều hạng mục phải điều chỉnh, thiết kế lại để phù hợp với nguồn vốn, nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu của dự án và các tiêu chí kỹ thuật, dẫn đến việc lập dự toán, thẩm tra, thẩm định dự toán các hạng mục gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài ra, việc điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công dẫn đến khối lượng trong hồ sơ dự toán trình thẩm định không phù hợp với thiết kế kỹ thuật đã được thẩm định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra: “Năng lực quản lý dự án và quản lý chi phí của Ban QLDA; năng lực của các nhà thầu cũng còn hạn chế, đặc biệt là việc hoàn thiện hồ sơ thiết kế, dự toán”.

Chính phủ vào cuộc

Trước việc 2 dự án trên bị bỏ hoang, xuống cấp, nhiều hạng mục chưa hoàn thành, gây lãng phí lớn tiền của nhà nước, tháng 9/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra 2 dự án để đưa ra hướng giải quyết.

Thủ tướng nêu rõ dự án 2 BV đã chậm tiến độ nhiều năm, đội vốn, xuất phát từ những yếu kém, sai từ khi lập dự án, tư vấn, thẩm định dự án, quyết định đầu tư, chọn nhà thầu, ký hợp đồng, đấu giá và tổ chức thực hiện. Các vướng mắc không được giải quyết ngay, nên càng kéo dài và càng khó giải quyết.

Thủ tướng yêu cầu phải giải quyết dứt điểm những vướng mắc, sớm hoàn thiện để đưa 2 BV đi vào hoạt động và chỉ đạo Bộ Y tế và các bộ, ngành xác định rõ những vướng mắc, nhất là sai sót từ khâu lập dự án, tư vấn thiết kế, thẩm định, ký kết hợp đồng, thi công xây lắp... dẫn đến đội vốn, chậm tiến độ kéo dài, đồng thời, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm để xảy ra những vướng mắc này.

“Xác định vấn đề nào đã có quy định, vấn đề nào chưa; vấn đề thuộc thẩm quyền của ai, cấp nào giải quyết; việc giải quyết trong bao lâu và đề xuất giải pháp cụ thể; trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của cơ quan nào thì cơ quan đó phải giải quyết, nếu vượt thẩm quyền thì trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”, Thủ tướng chỉ đạo.

Tháng 1/2023, hoàn thành 2 dự án này cũng là một trong những nhiệm vụ trọng yếu được Chính phủ giao cho Bộ Y tế tại Nghị quyết số 10/NQ-CP. Ngày 21/2/2023. Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác rà soát khó khăn đối với 2 dự án BV Bạch Mai và BV. Việt Đức cơ sở 2, do Bộ trưởng Bộ Y tế làm Tổ trưởng, với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Tư Pháp, Văn phòng Chính phủ và UBND tỉnh Hà Nam.

Sau đó, Tổ công tác đã báo cáo Thủ tướng về những khó khăn, vướng mắc của 2 dự án, đồng thời đề xuất các phương án giải quyết: Cho phép kéo dài thời gian thực hiện, điều chỉnh các hợp đồng đã ký theo quy định về đấu thầu xây dựng; bổ sung cân đối vốn để tiếp tục thực hiện 2 dự án.

VT_VD.jpg
Từ khi khánh thành đến nay, BV Việt Đức cơ sở 2 chưa từng mở cửa

Tại hội nghị triển khai công tác y tế ngày 9/1/2024, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu trong năm 2024 Bộ Y tế phải xử lý triệt để các vướng mắc, tồn tại, hoàn thiện việc mua sắm thiết bị, chuẩn bị nguồn nhân lực để đưa vào sử dụng 2 BV Việt Đức và BV Bạch Mai cơ sở 2 ở Hà Nam.

Trong Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/2/2024, Thủ tướng yêu cầu trong quý I/2024, Bộ Y tế chủ trì với các cơ quan, địa phương hoàn thành việc xử lý 2 dự án theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền.

Tháng 4/2024, Tổ công tác của Chính phủ về rà soát khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 BV Bạch Mai và BV Việt Đức đã họp với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về phương án điều chỉnh hợp đồng một số gói thầu, thúc đẩy thương thảo với các nhà thầu.

Theo đó, khối lượng thi công xây lắp và thiết bị tại cơ sở 2 của BV Bạch Mai ước đạt 97,8% giá trị hợp đồng; cơ sở 2 của BV Việt Đức ước đạt 86,3% giá trị hợp đồng. BQLDA y tế trọng điểm của Bộ Y tế đã cùng các bộ, ngành và các nhà thầu họp nhiều lần để thương thảo những vấn đề vướng mắc. Một số nội dung được các nhà thầu đồng thuận, nhưng 2 gói thầu xây lắp khối nhà chính vẫn chưa có sự thống nhất: Gói thầu XDBM-01 thuộc cơ sở 2 BV Bạch Mai (1.990 tỷ đồng), gói thầu XDVĐ-01 thuộc cơ sở 2 BV Việt Đức (2.000 tỷ đồng).

Ảnh CP.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra thực địa dự án BV Bạch Mai và BV Việt Đức cơ sở 2 ở Hà Nam (ảnh: VGP)

Nhiều phương án điều chỉnh giá được đưa ra, nhưng phương án được Tổ công tác đánh giá có tính khả thi hơn là xác định giá hợp đồng sau điều chỉnh (giá thanh toán) dựa theo giá trúng thầu trong hợp đồng (không bao gồm dự phòng phí) cộng với giá trị khối lượng phát sinh (do các yếu tố thay đổi) và trượt giá (phương án 2).

Các nhà thầu thi công gói thầu XDBM-01 gồm Liên danh Tổng công ty 36 - Tổng công ty 319 - Tổng công ty Thành An) và gói thầu XDVĐ-01 gồm Liên danh Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty CP Hồng Hà Việt Nam) cho rằng, để có thể tiếp tục triển khai thi công 2 dự án, chủ đầu tư phải chốt được phương án điều chỉnh hợp đồng và hai bên phải hoàn tất thủ tục pháp lý, sau đó, dự án BV Bạch Mai 2 cần ít nhất 6 tháng và BV Việt Đức cần ít nhất 9 tháng.

Nhưng lại vướng mắc ở việc thực hiện rà soát để thống nhất điều chỉnh, vì không thể kiểm soát được công tác điều chỉnh bổ sung thiết kế và chi phí, nên không thể xác định được phần công việc theo hợp đồng và phần phát sinh. Việc đấu thầu thực hiện trên thiết kế cơ sở kèm theo thuyết minh, không xác định được khối lượng gốc và đơn giá gốc cụ thể, không có thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, nên nhiều công việc, hạng mục hoặc các yếu tố thay đổi, điều chỉnh, phát sinh không thể tính toán được khối lượng mới tăng/giảm so với khối lượng ban đầu vv…

Bộ Y tế làm gì để tháo gỡ vướng mắc?

Bộ trưởng Đào Hồng Lan - Tổ trưởng Công tác của Chính phủ - cho biết Bộ Y tế đã chỉ đạo BQLDA phối hợp với Tổ công tác của Chính phủ đang rà soát, tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy tiến độ xây dựng cơ sở 2 của 2 BV hạng đặc biệt và đây là công việc thật sự khó khăn.

"Chúng tôi rà soát những việc gì làm được, việc gì chưa làm được, những khó khăn tồn tại... Với những việc chưa làm được thì xuất phương hướng giải quyết. Tổ công tác đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà để xin ý kiến chỉ đạo", Bộ trưởng Lan nói.

Hiện nay, Bộ Y tế và Bộ Xây dựng đã đề xuất cơ chế giải quyết các vấn đề vướng mắc, vấn đề điều chỉnh hợp đồng để đảm bảo pháp lý trong triển khai thực hiện. Bộ Y tế cũng tiếp tục làm việc với các nhà thầu để thúc đẩy triển khai kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

“Chúng tôi liên tục có ý kiến với Bộ Xây dựng. Khi Bộ Xây dựng trả lời, chúng tôi sẽ bắt tay ngay cùng các nhà thầu để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, đưa hai cơ sở vào hoạt động”, Bộ trưởng Y tế cho hay.

VT_BM2.jpeg
Khu khám bệnh của BV Bạch Mai cơ sở 2 ngày khai trương 21/10/2018

Thời gian qua, Bộ Y tế đã nhiều cuộc họp bàn với Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… để tìm giải pháp tham mưu cho Tổ công tác của Chính phủ đề nghị cho phép điều chỉnh một số điều khoản hợp đồng EPC, thanh toán hợp đồng và điều chỉnh giá trị hợp đồng xây lắp của 2 dự án theo khối lượng thực tế được nghiệm thu, đơn giá thanh toán được điều chỉnh theo thời điểm thi công được nghiệm thu.

Bộ Y tế cũng đề xuất Thủ tướng cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện các dự án đến hết năm 2024, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ưu tiên cân đối vốn cho các dự án; Bộ Xây dựng chủ trì rà soát, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ các vướng mắc kể trên.

Bộ Y tế cũng đã phối hợp cùng với các bộ, ngành để thực hiện thương thảo với các nhà thầu nhằm thống nhất các nội dung điều chỉnh hợp đồng và triển khai thực hiện các giải pháp theo quy định.

Một nguyên lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng những thay đổi trong Luật Xây dựng là nguyên nhân chính khiến tiến độ triển khai 2 dự án Bạch Mai 2 và Việt Đức cơ sở 2 chậm rồi vướng mắc. Giai đoạn khởi công xây dựng vẫn thực hiện theo quy chế cũ là giám đốc dự án ký phê duyệt các thủ tục, nhưng Luật Xây dựng 2014 quy định phải do Bộ trưởng phê duyệt thiết kế, dự toán phải được Bộ Xây dựng thẩm tra.

Đến lúc này, với những vướng mắc ngồn ngộn từ đầu của 2 dự án, việc giải quyết các vướng mắc đã vuột khỏi tầm tay của Bộ Y tế. Vì thế, phải có sự vào cuộc quyết liệt của nhiều bộ, ngành dưới sự chỉ đạo của Chính phủ mới hy vọng đưa được 2 dự án nghìn tỷ này thoát khỏi cảnh đắp chiếu.