Hôm 3/7, Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng Bloomberg: Đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer sẽ sớm gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He). Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng các cuộc đàm phán “sẽ mất một thời gian nhất định” và Mỹ “muốn đưa mọi thứ trở lại đúng hướng”.
Ngoài ông Navarro, Cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, tiết lộ vào ngày 3/7 rằng hai nước Trung – Mỹ đã sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán thương mại chính thức trong vài ngày tới và các quan chức của cả hai nước sẽ gọi cho nhau vào tuần tới. Ông cũng nhấn mạnh rằng do tình hình căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn là rất nghiêm trọng, nên Mỹ sẽ không vội vàng đạt được thỏa thuận với Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là các cuộc đàm phán sẽ vẫn được duy trì “trong một khoảng thời gian khá dài” trong tương lai.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow: Mỹ không quá lạc quan về việc nối lại đàm phán mậu dịch với Trung Quốc và không coi trọng việc hai bên có thể đạt được thỏa thuận trong thời gian ngắn
|
“Một khoảng thời gian khá dài” và “phải mất một khoảng thời gian nhất định” - những lời của các ông Navarro và Kudlow đều tiết lộ một thông điệp chung, đó là Mỹ không quá lạc quan về việc nối lại đàm phán với Trung Quốc và không coi trọng việc hai nước Mỹ - Trung có thể đạt được một thỏa thuận trong thời gian ngắn.
Ngoài Kudlow và Navarro, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Robert Lighthizer, những người trực tiếp tham gia đàm phán thương mại với Trung Quốc, đã không bày tỏ ý kiến, càng chứng tỏ đây là quan điểm của Nhà Trắng về cuộc đàm phán này.
Vậy nếu Mỹ đã không coi trọng triển vọng đạt được thỏa thuận giữa hai nước, tại sao Mỹ vẫn bắt đầu lại các cuộc đàm phán với Trung Quốc?
Mỹ: khởi động lại các cuộc đàm phán để bán đậu tương
Trên thực tế, ông Trump đã bộc lộ rõ mục đích bắt đầu lại các cuộc đàm phán sau cuộc gặp gỡ ông Tập Cận Bình tại Osaka. Ngày 29/6, ngay sau cuộc gặp ông Tập Cận Bình, ông Trump đã tiến hành một cuộc họp báo. Tại đây, ông đã đề cập: “Chúng tôi (Trung Quốc và Mỹ) sẽ tiếp tục đàm phán. Tôi cam kết rằng, ít nhất trong thời gian này chúng tôi sẽ không gia tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc”. Ông cũng nhấn mạnh: “Trung Quốc sẽ mua rất nhiều thực phẩm và nông sản và (việc mua) sẽ nhanh chóng bắt đầu. Chúng tôi sẽ liệt kê cho Trung Quốc danh mục những gì chúng tôi muốn họ mua. Nông dân của chúng tôi sẽ là những người hưởng lợi lớn nhất”.
Mỹ hy vọng sau cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình, Trung Quốc sẽ nhanh chóng mua số lượng lớn đậu tương và nông sản Mỹ, nhưng Trung Quốc đã không làm như thế
|
Còn Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow trong một cuộc phỏng vấn cũng nhấn mạnh: hy vọng Trung Quốc có thể tuân thủ lời hứa mua số lượng lớn sản phẩm của Mỹ.
Khi khẳng định vị lập trường của Mỹ về vấn đề 5G, ông Navarro, Cố vấn thương mại Nhà Trắng cũng đề cập: “Chúng tôi cần phải rất rõ ràng. Chúng tôi phải hợp tác chặt chẽ với các đồng minh để đảm bảo rằng các quốc gia này không sử dụng 5G của Huawei. Nhưng đồng thời, bán một số lượng nhỏ chip cấp thấp cho Huawei để duy trì hoạt động của hệ thống. Khi bạn có thể đưa Trung Quốc trở lại bàn đàm phán và buộc họ hứa sẽ mua nhiều sản phẩm nông nghiệp ngay lập tức, thì đó không phải là điều xấu. Hãy xem họ có làm được không”.
Từ lời lẽ của ba người trên, không khó để phán đoán rằng lý do lớn nhất việc Mỹ muốn bắt đầu lại các cuộc đàm phán với Trung Quốc là để Trung Quốc mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.
Sau khi chiến tranh thương mại Trung - Mỹ nổ ra, việc xuất nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ đều bị ảnh hưởng lớn. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, năm 2018 kim ngạch xuất khẩu đậu tương của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm 74% từ 12,2 tỷ USD năm 2017 xuống còn 3,1 tỷ USD. Cần biết, Trung Quốc là nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất của Mỹ, với lượng nhập khẩu hàng năm chiếm gần một phần ba tổng sản lượng đậu tương của Mỹ. Năm 2017, tỷ lệ đậu nhập khẩu của Trung Quốc chiếm tới 86,5% tổng lượng đậu tiêu thụ. Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ cũng đã ảnh hưởng đến các sản phẩm như ngô và cao lương. Cuộc chiến thương mại đã khiến nông dân Mỹ mất đi thị trường Trung Quốc, điều này trực tiếp dẫn đến sự sụt giảm mạnh trong nền kinh tế nông nghiệp Mỹ, tới 29%.
ông Trump muốn mượn tay Trung Quốc để thực hiện lợi ích trước mắt của mình và giúp ông ổn định kho phiếu của các bang nông nghiệp trong cuộc bầu cử năm tới
|
Nông dân Mỹ được coi là “kho phiếu cử tri” quan trọng đối với ông Trump. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2016, các bang nông nghiệp lớn đã đóng một vai trò then chốt trong cuộc tranh cử của ông. Ngày 19/6, ông Trump đã chính thức tuyên bố tham gia cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Tình hình tồi tệ của nền kinh tế nông nghiệp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tái cử của ông trong cuộc bầu cử năm 2020.
Tranh chấp thương mại Trung - Mỹ rõ ràng là không thể giải quyết trong thời gian ngắn. Thay vì tiếp tục “chiến đấu” với Trung Quốc, ông Trump muốn mượn tay Trung Quốc để thực hiện lợi ích trước mắt của mình và giúp ông ổn định kho phiếu của các bang nông nghiệp. Do đó, ông Trump đã khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại Trung - Mỹ, tỏ ra thiện chí với Trung Quốc; cũng muốn qua đó khiến Trung Quốc mua thêm các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ và khơi dậy niềm tin của nông dân Mỹ.
Trung Quốc: “dùng Huawei đổi đậu tương”
Nhưng sự tính toán của ông Trump dường như đã sai, người Trung Quốc đã không để ông kiếm lợi. Sau cuộc hội đàm Trump – Tập, Trung Quốc tuy đồng ý khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại, nhưng về mặt chính thức đã không hề có phản ứng tích cực với việc nhập khẩu các nông sản của Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong: “Nếu hai bên có thể đạt được hiệp nghị thì phải hủy bỏ toàn bộ việc áp thuế”.
|
Ngày 4 tháng 7, Bộ Thương mại Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp báo thường kỳ. Trong buổi họp báo đó, một phóng viên đã hỏi Trung Quốc dự định mua bao nhiêu nông sản từ Mỹ. Phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc, ông Cao Phong (Gao Feng) trả lời rằng Trung Quốc và Mỹ có sự bổ sung mạnh mẽ và có không gian rộng lớn để hợp tác trong lĩnh vực mua bán nông sản.
Mậu dịch sản phẩm nông nghiệp là một vấn đề quan trọng cần được thảo luận bởi cả hai bên. Hy vọng rằng cả hai bên xuất phát từ lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, tìm ra biện pháp giải quyết vấn đề dựa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Cao Phong tuyên bố: “Nếu hai bên có thể đạt được hiệp nghị thì phải hủy bỏ toàn bộ việc áp thuế”. Đây có vẻ là điều kiện tiên quyết để họ trở lại bàn đàm phán.
Còn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không hề đề cập “dù chỉ một chữ” về việc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. Điều này cho thấy Trung Quốc hiện không muốn “phối hợp” với ông Trump.
Theo quan điểm của Trung Quốc, tuy ông Trump đã hứa sẽ không áp thuế đối với Trung Quốc trong thời gian diễn ra đàm phán thương mại Trung - Mỹ, nhưng các mức thuế đã được áp đặt trước đó vẫn không bị bãi bỏ. Điều này cũng có nghĩa là việc Trung Quốc mua sản phẩm nông nghiệp hiện nay của Mỹ sẽ bị tăng chi phí. Ông Trump muốn nhân lần đàm phán này để mưu cầu lợi ích cá nhân, nên chỉ bắt đầu lại cuộc đàm phán, chứ không có sự chân thành thực sự, điều đó không đủ để Bắc Kinh mua đậu tương cho ông ta. Tờ South China Morning Post của Hồng Kông ngày 5/7 dẫn các nguồn thạo tin của Mỹ nói rằng Bắc Kinh muốn sau khi thấy Washington nới lỏng các hạn chế cung ứng đối với họ thì mới mua đậu tương của Mỹ.
Khả năng tái khởi động cuộc đàm phán thương mại Trung - Mỹ sớm là rất khó do lập trường hai bên đã lại trở nên cứng rắn
|
Dùng Huawei đổi đậu tương, mục đích của Trung Quốc trong cuộc đàm phán mậu dịch lần này dường như rất rõ ràng. Từ đó có thể thấy, việc nối lại đàm phán giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ lần này không nhằm mục đích đạt được một hiệp nghị; giải quyết nhanh chóng các “ưu tiên tức thời” của mỗi bên mới là trọng điểm của việc khởi động lại cuộc đàm phán lần này.
Tuy nhiên, khi mà mỗi bên đã hiểu rõ ý đồ của nhau thì việc đưa nhau vào tròng hiển nhiên sẽ rất không dễ dàng. Vì vậy, giới kinh doanh hai bên chẳng hy vọng gì nhiều vào kết quả của cuộc đàm phán tới đây.
Tạp chí Kinh tế châu Á của Hàn Quốc ngày 8/7 căn cứ vào lập trường trở nên cứng rắn của cả hai bên Trung – Mỹ hiện nay đã đưa ra dự đoán: “Không loại trừ khả năng cuộc chiến mậu dịch Trung – Mỹ lại tái diễn”.