HAGL tính trở lại mảng kinh doanh điện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Công ty con do Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) thành lập có địa chỉ tại tỉnh Kon Tum, ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất điện sinh khối.
Trụ sở chính Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (Nguồn: HAGL)
Trụ sở chính Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (Nguồn: HAGL)

HĐQT CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã CK: HAG) vừa thông qua việc góp vốn thành lập công ty con với tên gọi Công ty TNHH Một thành viên Bờ Y (Bờ Y), địa chỉ tại Lô K1 - Khu công nghiệp Bờ Y - Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.

Công ty này sẽ có vốn điều lệ 50 tỉ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất điện (chi tiết: sản xuất điện sinh khối).

HĐQT HAGL thống nhất cử Tổng giám đốc Võ Trường Sơn làm người đại diện quản lý phần vốn góp 50 tỉ đồng này, đồng thời giao ông Nguyễn Kim Luân làm giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Bờ Y.

Trước đó, ngày 7/6/2021, Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum đã có buổi làm việc với HAGL về chủ trương thu hút đầu tư các dự án trên địa bàn huyện Ngọc Hồi và Kon Plông.

Cụ thể, tại huyện Ngọc Hồi, ông Đoàn Nguyên Đức (“bầu” Đức), Chủ tịch HĐQT HAGL đề xuất nguyện vọng triển khai thực hiện dự án trồng rừng gỗ lớn với diện tích khoảng 2.000 ha và dự án nhà máy điện sinh khối công suất 100 MW (nhà máy này sử dụng nguyên liệu chính là gỗ trồng rừng, gỗ còn thừa sau khi chế biến và các phế phẩm nông nghiệp để phát điện).

Tại huyện Kon Plông, HAGL muốn triển khai đầu tư dự án bất động sản; đầu tư các dự án phát triển du lịch; xây dựng học viện đào tạo bóng đá trẻ và xây dựng bệnh viện điều dưỡng của Bệnh viện Hoàng Anh Gia Lai trên diện tích khoảng 80 ha.

Nên biết, HAGL cũng từng tham gia vào lĩnh vực sản xuất điện. Năm 2008, tập đoàn này đã khởi công dự án thủy điện Đaksrông 2 tại huyện Kong Chro, tỉnh Gia Lai với công suất 24 MW, tổng vốn đầu tư 432 tỉ đồng.

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, HAGL còn đầu tư các dự án thủy điện như: Đaksrông 2A (công suất 18 MW, tổng vốn đầu tư 324 tỉ đồng); Đaksrông 3B (công suất 19,5 MW, tổng vốn đầu tư 351 tỉ đồng); Đaksrông 3A (công suất 10 MW, tổng vốn đầu tư 180 tỉ đồng).

Tại Thanh Hóa, HAGL là chủ đầu tư 2 dự án thủy điện là Bá Thước 1 (công suất 60 MW, tổng vốn đầu tư 1.080 tỉ đồng) và Bá Thước 2 (công suất 80 MW, tổng vốn đầu tư 1.440 tỉ đồng).

Ngoài ra, HAGL còn một số dự án thủy điện tại huyện Phu Vong, tỉnh Attapeu, Lào, như: Nậm Kông 2 (công suất 66 MW, tổng vốn đầu tư 1.452 tỉ đồng); Nậm Kông 3 (công suất 45 MW, tổng vốn đầu tư 990 tỉ đồng).

Trong giai đoạn 2011 - 2013, HAGL đều đặn ghi nhận doanh thu từ bán điện đạt hơn 100 tỉ đồng mỗi năm. Đến năm 2014, tập đoàn không còn ghi nhận doanh thu từ bán điện.

Đến năm 2019, tập đoàn của “bầu” Đức mới chính thức rút khỏi lĩnh vực thủy điện khi thực hiện thoái vốn tại CTCP Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai; Công ty TNHH Điện Hoàng Anh Attapeu (Nậm Kông 2); Công ty TNHH Điện Nậm Kông 3; CTCP Thủy điện Hoàng Anh Sài Gòn…

Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức cho biết việc này nhằm đẩy mạnh tái cấu trúc tập đoàn theo hướng thoái vốn khỏi những lĩnh vực không hiệu quả và tăng cường đầu tư vào nông nghiệp.

Song, lĩnh vực nông nghiệp của HAGL cũng gặp nhiều khó khăn, phải thoái bớt vốn khỏi CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã CK: HNG) để lấy tiền trả nợ.

Năm 2021, HAGL đặt mục tiêu doanh thu thuần 1.400 tỉ đồng, kế hoạch lỗ sau thuế ở mức 84 tỉ đồng.

Kết Quý 1/2021, HAGL ghi nhận doanh thu thuần đạt 265,8 tỉ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ năm trước (do không còn hợp nhất doanh thu từ HNG và các công ty con của HNG), báo lỗ sau thuế công ty mẹ 58,4 tỉ đồng./.