Sáng 6/9, Tòa án Nhân dân T.p Hà Nội tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm "đại án" Ocean Bank (OJB). Nội dung xét hỏi tập trung vào cáo buộc tham ô 49 tỷ đồng của PVN dành cho Nguyễn Xuân Sơn.
Cáo trạng xác định, Nguyễn Xuân Sơn trong thời gian từ tháng 01/2011 đến tháng 6/2014 đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt số tiền là 246 tỷ đồng từ OJB; trong đó tham ô 49 tỷ đồng là tiền của PVN.
Căn cứ tính ra số tiền 49 tỷ đồng trên, cũng theo cáo trạng, là 20% của số 246 tỷ đồng. Được hiểu, đây là số tiền mà PVN lẽ ra sẽ được hưởng, theo tỷ lệ sở hữu, nếu Sơn không chiếm đoạt 246 tỷ đồng.
Trong đó, 246 tỷ đồng là số tiền mà OJB đã chi cho Nguyễn Xuân Sơn – Phó Tổng Giám đốc PVN trong thời gian từ tháng 01/2011 đến tháng 6/2014 để chi lãi ngoài hợp đồng số tiền gửi của PVN theo yêu cầu của Nguyễn Xuân Sơn.
Còn 20% là tỷ lệ vốn góp của PVN trong vốn điều lệ của Ocean Bank cùng kỳ.
“Do đó, trong số tiền 246 tỷ đồng mà Nguyễn Xuân Sơn đã chiếm đoạt từ OJB có 20% là tiền của Nhà nước do PVN góp vốn, tương ứng là 49 tỷ đồng. Nguyễn Xuân Sơn với chức vụ là Phó Tổng Giám đốc PVN, là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước (từ việc PVN góp vốn) tại OJB; tài liệu điều tra xác định bị can Nguyễn Xuân Sơn đã nhận và sử dụng số tiền này; do đó hành vi của bị can Nguyễn Xuân Sơn đã nhận và sử dụng số tiền này; do đó hành vi của bị can Nguyễn Xuân Sơn đã cấu thành tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 278 BLHS”, Cáo trạng nêu rõ.
Trước Tòa, Nguyễn Xuân Sơn cho biết, bị cáo rất bàng hoàng trước quy kết về tội nhận tham ô 49 tỷ đồng mà cáo trạng đã nêu.
“Từ ngày đi làm việc đến giờ, bị cáo chỉ làm việc gì mong có lợi cho doanh nghiệp, có lợi cho Nhà nước, đặc biệt là có lợi cho PVN. Chưa bao giờ nghĩ – chỉ cần trong ý tưởng thôi – có một cái gì đấy làm tổn hại cho lợi ích của PVN hoặc là tham ô tài sản của PVN”, bị cáo Sơn tâm tư.
Nguyễn Xuân Sơn khẳng định bị cáo “thực sự không thể tham ô được” tiền từ OJB vì không có quyền hạn, trách nhiệm và chức trách để thực hiện hành vi này.
Để làm rõ chi tiết này, Luật sư Nguyễn Minh Tâm (bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn) đã xin Hội đồng Xét xử cho gọi bị cáo Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch HĐQT Ocean Bank.
Bị cáo Thắm cho biết đã nghe rõ và tỏ ý đồng tình với những chia sẻ trước đó của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn.
“Theo anh, số tiền 49 tỷ đồng, có phải số tiền PVN bị anh Sơn tham ô không?”, LS. Tâm hỏi.
“Thưa, không!”, bị cáo Thắm trả lời và khẳng định có biện pháp để kiểm soát 246 tỷ đồng đã chuyển cho Sơn để “chăm sóc khách hàng” tại PVN. Nguyên Chủ tịch OJB tin tưởng rằng, toàn bộ 246 tỷ đồng đều được Sơn chuyển cho các khách hàng, chứ không chiếm đoạt hay tư túi của OJB.
Hà Văn Thắm còn đặt giả thuyết, “chỉ là giả thuyết thôi”, rằng trong trường hợp tiêu cực nhất, là 246 tỷ đồng mà anh Sơn chiếm đoạt là tiền lợi nhuận của OJB, thì cũng không thể tính ra 49 tỷ đồng là của PVN. Bởi, OJB còn phải chi phí thuế, các quỹ dự phòng và đặc biệt là phải có lãi mới chi cổ tức cho các cổ đông được. “Nếu anh Sơn chiếm đoạt 246 tỷ đồng thì chỉ làm giảm cổ tức của PVN chứ không thể là 20% (49 tỷ đồng) được”, bị cáo Thắm nói.
Dẫn kết quả giám định của NHNN, Hà Văn Thắm lý giải thêm rằng, trong giai đoạn 2011 – 2014 (các năm mà ông Sơn chiếm đoạt tiền), thực tế sau khi trích lập dự phòng đầy đủ, OJB không có lãi. Có nghĩa, các cổ đông cũng không có cổ tức. Vì vậy, theo bị cáo Thắm, nên có nhân với 20% vẫn là 0 đồng, nên không thể nói ông Sơn đã tham ô 49 tỷ đồng của PVN.
Hà Văn Thắm cho biết số tiền 246 tỷ đồng mà cáo trạng quy kết là bị Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt, “cùng tính chất” với các khoản khác trong 1.576 tỷ đồng mà OJB đã sử dụng để chi lãi ngoài. Số tiền này thực chất là không thiệt hại gì, bởi nó nằm trong chu trình tín dụng của OJB. “Bất cứ ai cũng không được sử dụng riêng số tiền này”.
“Mong HĐXX xem xét lại việc này", Hà Văn Thắm nói.
Hà Văn Thắm kể chuyện giám sát Nguyễn Xuân Sơn
Hà Văn Thắm khẳng định rằng bị cáo này có nhiều biện pháp để giám sát xem Nguyễn Xuân Sơn có sử dụng đúng mục đích số tiền OJB nhờ chăm sóc khách hàng hay không. Và Thắm tin rằng ông Sơn đã “chi thật”.
Theo đó, bị cáo Thắm biết rõ, số tiền chuyển cho ông Sơn được ông Sơn chăm sóc khách hàng nào. Điều này thể hiện ngay trên biến động tiền gửi (phần lớn là tiền gửi không kỳ hạn) của khách hàng đó tại OJB. Hằng ngày, 6h sáng, Thắm đều nhận được báo cáo tiền gửi khách hàng, Thắm nắm rõ 100% dòng tiền gửi của khách hàng gửi vào, gửi ra như thế nào.
“Tiền mà anh Sơn chi ra thì có kết quả về, và kết quả đó thì bị cáo theo dõi hằng ngày”, bị cáo Thắm khẳng định.
Thứ hai, theo Hà Văn Thắm, là người quản lý tài chính thì bị cáo này nắm rất rõ số tiền mà bị cáo Sơn có. Đặc biệt, Sơn là người được chi một số tiền lớn để chăm sóc khách hàng, nên bị cáo Thắm càng chú ý giám sát Sơn.
“Bị cáo luôn luôn biết là anh ấy có bao nhiêu tiền”, bị cáo Thắm nói và khẳng định là người làm ngân hàng, chơi với rất nhiều ngân hàng, với quan hệ của mình, luôn biết Nguyễn Xuân Sơn có những tài sản gì.
Trước Tòa, Hà Văn Thắm cho biết, bản thân nhớ rõ nguồn gốc tài sản mà bị cáo Sơn đã khai trước HĐXX, là 50 tỷ đồng. “Có những khoản tiền mà có thể anh Sơn không nhớ nhưng bị cáo nhớ”.
Theo Hà Văn Thắm, phần lớn tài sản mà Nguyễn Xuân Sơn kiếm được và tích lũy được là nhờ được Hà Văn Thắm cho mua cổ phiếu ưu đãi.
Chẳng hạn, một lần, Thắm cho Nguyễn Xuân Sơn mua ưu đãi 2 triệu cổ phiếu OGC với giá 18.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó, Sơn bán ra ở giá 36.000 đồng/cổ phiếu, lãi khoảng 40 tỷ đồng. “Anh Sơn không nói cho bị cáo, nhưng bị cáo luôn biết, anh bán lúc này, với giá bao nhiêu, cụ thể là bán 36.000 đồng/cổ phiếu”.
Hà Văn Thắm chia sẻ rằng, thực tế, bị cáo cho Nguyễn Xuân Sơn khá nhiều khoản ưu đãi. “Bị cáo vẫn trao đổi với anh ấy rằng, nếu anh làm tốt thì em luôn có những cách để anh không bị thiệt thòi. Bị cáo nói với anh ấy rằng, quan điểm của em thì 50 ngàn đồng hay 50 triệu đồng đều là ăn cắp, cho nên anh em mình là đàn ông cả thì nên thẳng thắn với nhau, anh cần thì anh cứ nói”, bị cáo Thắm nói về một chi tiết mà theo chính bị cáo này là “chi tiết ngoài lề”.
Thứ ba, khi chọn người làm việc này (chăm sóc khách hàng), Hà Văn Thắm luôn xem xét rất kỹ về tư cách con người. Với kinh nghiệm làm việc và cộng tác nhiều năm, Thắm rất tín nhiệm Sơn. “Với tính cách của anh Sơn thì không chiếm đoạt được”, Hà Văn Thắm khẳng định.
“Đến lúc này, đứng trước tòa, lòng tin của anh với anh Sơn có bị suy giảm không”, LS. Tâm hỏi.
“Dạ, không ạ!”, bị cáo Thắm đáp.
Được biết, cũng theo cáo trạng lần này, bên cạnh việc bổ sung truy tố Nguyễn Xuân Sơn thành tội “Tham ô tài sản”, cơ quan công tố cũng bổ sung truy cứu Hà Văn Thắm về hành vi đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Xuân Sơn tham ô và chiếm đoạt tài sản theo Điều 278, 280 Bộ Luật Hình sự./.