Trung tâm Tp. Hà Tĩnh.
|
Theo báo cáo, trong giai đoạn từ 2016 đến nay, môi tường đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh ngày càng được cải thiện, tạo được sự tin tưởng, thu hút nhiều nhà đầu tư tìm hiểu và ra quyết định đầu tư tại tỉnh. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng đều hàng năm. Trong đó, Hà Tĩnh đứng thứ 23/63 tỉnh vào năm 2018, tăng 10 bậc so với năm 2017.
Kể từ năm 2016, toàn tỉnh thu hút được 411 dự án đầu tư, vốn đăng ký đầu tư 33.959 tỷ đồng tương đương 151 triệu USD, bao gồm: 383 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký đầu tư 25.896 tỷ đồng và 29 dự án FDI với số vốn đăng ký 8.063 tỷ đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, Hà Tĩnh ghi nhận có 77 dự án đầu tư đăng ký mới với số vốn đầu tư là 1.530 tỷ đồng.
Đến nay, toàn tỉnh có 1.343 dự án đầu tư vốn đăng ký 379.409 tỷ đồng tương đương 16,8 tỷ USD. Cụ thể, các dự án đầu tư trong nước là 1.264 dự án với số vốn đăng ký trên 109.409 tỷ đồng. Số các dự án đầu tư nước ngoài là 79 dự án với số vốn đầu tư trên 12 tỷ USD.
Một số dự án đã đi vào hoạt động và đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh như: Dự án Khu liên hợp gang thép và Cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh của Tập đoàn Formosa; Các dự án của Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FLC; Dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I, Dự án tổng kho xăng dầu Vũng Áng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Quy hoạch điều chỉnh xây dựng KKT Vũng Áng tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 (Nguồn: http://kktvungang-hatinh.gov.vn). |
Ưu tiên gọi 6,64 tỷ USD vốn đầu tư cho 35 dự án
Về định hướng xúc tiến đầu tư trong thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đối mới cơ chế, tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khu đô thị của thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh và thị xã Kỳ Anh.
Trong đó, Trung tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Tĩnh đã lập kế hoạch ưu tiên gọi vốn đầu tư tại 35 dự án, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 6,64 tỷ USD.
Đối với các dự án về hạ tầng kỹ thuật, Hà Tĩnh tập trung kêu gọi đầu tư vào khu kinh tế Vũng Áng với loạt dự án như: Xây dựng cảng tổng hợp, container cho tàu đến 20 vạn DWT tại Cảng Sơn Dương (800 triệu USD); Xây dựng các cầu cảng tại Cảng Vũng Áng (350 triệu USD); Xây dựng khu hậu cảng Cảng Sơn Dương (300 triệu USD); Xây dựng hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp (500 triệu USD).
Đối với lĩnh vực công nghiệp, Hà Tĩnh lên kế hoạch kêu gọi 500 triệu USD đầu tư cho các dự án sản xuất sản phẩm từ thép; Dự án sản xuất động cơ, đóng mới và sửa chữa tàu biển, sản xuất container (200 triệu USD)....
Một góc cảng Formosa Sơn Dương.
|
Bên cạnh đó, Hà Tĩnh cũng muốn kêu gọi hơn 2,46 tỷ USD vào một loạt dự án đô thị, du lịch và dịch vụ. Trong đó có thể kể đến một số dự án như: Đầu tư xây dựng Khu du lịch Thiên Cầm (500 triệu USD); Đầu tư xây dựng Khu du lịch Xuân Thành (500 triệu USD); Đầu tư xây dựng Khu du lịch Kỳ Ninh (400 triệu USD); Các khu đô thị tại thành phố Hà Tĩnh, các thị xã: Kỳ Anh, Hồng Lĩnh (500 triệu USD); Khu du lịch Chân Tiên (200 triệu USD).
Đối với các lĩnh vực khác, Hà Tĩnh cũng có nhiều dự án cần kêu gọi số vốn đầu tư lên tới hàng trăm triệu USD.
Ngoài ra, để đạt được các mục tiêu trên, Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục xây dựng và giữ mối liên hệ chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có uy tín trong và ngoài nước như: Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, Cơ quan xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI), Cơ quan Xúc tiến đầu tư Singapore, VCCI, các Trung tâm Xúc tiến đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cục, vụ liên quan của Bộ Ngoại giao, các tham tán thương mại và đầu tư tại các nước./.