Một chuyên gia chuyên nghiên cứu về cây xanh đô thị không muốn công khai danh tính cho biết, số cây được trồng mới trên đường Nguyễn Chí Thanh không phải là cây vàng tâm mà là cây mỡ, còn gọi là cây mỡ vàng tâm. “Cây mỡ có đặc điểm thân mềm, chậm phát triển, tán bé, nhìn rất giống cây vàng tâm do tán không to, chậm phát triển, chỉ khác là thân cây cứng”, ông này nói.
Còn theo ông Lê Huy Cường, chuyên gia lâm nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu, bảo tồn cây cổ thụ, Hội viện Hội Bảo vệ Thiên nhiên môi trường và Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp cho biết, trong ngày 19.3, ông đã đi khảo sát kỹ hàng cây có đường kính 15 - 30cm, cao chừng 6 - 7m mới được trồng hai bên vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh. Sau khi khảo sát, ông Cường khẳng định, số cây mới này không phải cây vàng tâm mà là cây mỡ, hay còn gọi là cây mỡ vàng tâm, cùng họ với cây vàng tâm.
“Tôi khẳng định chắc chắn rằng cây được trồng mới trên đường Nguyễn Chí Thanh không phải là cây vàng tâm mà là cây mỡ vàng tâm. Nhận biết cây mỡ vàng tâm với cây vàng tâm rất đơn giản, giới nghiên cứu về lâm nghiệp chúng tôi chỉ cần nhìn vỏ là biết được ngay, chưa cần nhìn lá, hoa, hơn nữa cây mỡ vàng tâm cũng rất phổ biến”, ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, cây vàng tâm là loại gỗ quý hiếm nhưng không đắt bằng gỗ sưa đỏ. Gỗ vàng tâm rất tốt, không bị mối mọt, làm được đồ mộc, mỹ nghệ, đóng đồ giá trị cao, nhà có điều kiện mua để làm quan tài, hộp tiểu khi bốc mộ… Hiện nay trong rừng ở Việt Nam đã bị khai thác đến cạn kiệt, phải đưa vào sách đỏ để bảo vệ. Cây vàng tâm, trong ngành lâm nghiệp chưa ai nghiên cứu gieo ươm, trồng nên không thể lấy đâu ra nhiều cây để trồng ở vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh như vậy.
Còn cây mỡ vàng tâm đã được người dân nước ta trồng vài chục năm nay, có rất nhiều ở các vùng Yên Bái, Lào Cai. Hiện đang là mùa ra hoa của cây này, đi dọc hai đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai có thể thấy rất nhiều cây mỡ vàng tâm, cùng họ với cây vàng tâm. Cây mỡ vàng tâm được trồng, khai thác làm gỗ giấy, bút chì... giá rẻ tiền.
“Theo thông tin tôi được biết, số cây trồng mới trên đường Nguyễn Chí Thanh được đưa từ Yên Bái về, nên càng có thêm cơ sở để khẳng định đấy là cây mỡ vàng tâm”, ông Cường cho hay.
Về khả năng sinh trưởng của cây mỡ vàng tâm ở môi trường là vỉa hè đường phố Hà Nội, ông Cường cho biết, rất khó để nói gì trước, nhưng loại cây này chưa bao giờ nằm trong các đề tài nghiên cứu về các cây trồng lấy bóng mát. Thời pháp ngày xưa, họ nghiên cứu rất kỹ về cây trồng ở Hà Nội cũng không đưa cây mỡ vàng tâm vào nghiên cứu. Mục đích của trồng cây bóng mát là dáng phải thẳng đẹp, tán rộng, cao, quả không ô nhiễm… nhưng cây mỡ vàng tâm thì không phải vậy.
Theo TN